Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã chỉ định cố vấn an ninh của ông làm Bộ trưởng Quốc phòng mới của Hàn Quốc.

 

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và trợ lý an ninh Lee Hee-won, người đảm nhận cương vị Bộ trưởng Quốc phòng mới của Hàn Quốc Ảnh THX 

Việc bổ nhiệm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng hai miền Triều Tiên tăng cao sau vụ tấn công pháo từ  CHDCND Triều Tiên, và cuộc tập trận chung sắp diễn ra giữa Hàn Quốc và Mỹ.

 

Lee Hee-Won, tân bộ trưởng, là người theo đuổi sự nghiệp quân sự lâu dài, chủ trương tán thành một quân đội “mau lẹ” có thể đoán biết và phản ứng nhanh chóng trước hành động bất ngờ của Triều Tiên.


Ông thay thế ông Kim Tae-young, người đã từ chức hôm qua (25/11) sau làn sóng chỉ trích về việc quân đội phản ứng quá chậm với vụ tấn công pháo của Triều Tiên hôm thứ Ba vào một hòn đảo của Hàn Quốc gần biên giới hàng hải tranh chấp giữa hai miền ở Hoàng Hải.


Một quan chức phủ tổng thống nói: “Tổng thống đã chấp nhận đơn xin từ chức của ông Kim để cải tổ quân đội”.


Giới truyền thông mô tả ông Lee rất có kinh nghiệm trong các hoạt đông quân sự và khá hiểu biết trong sự hợp tác với các lực lượng vũ trang của Mỹ - đồng minh lớn nhất của Hàn Quốc.


Trong khi đó, một nhóm tàu sân bay Mỹ dẫn đầu là siêu tàu hạt nhân USS George Washington đang tới Hoàng Hải, chuẩn bị tham gia cuộc tập trận chung với hải quân Hàn Quốc bắt đầu từ Chủ nhật. Mặc dầu được  thông báo là lên kế hoạch từ trước, nhưng giới phân tích cho rằng, cuộc tập trận kéo dài bốn ngày sẽ chọc giận Bình Nhưỡng và khiến Trung Quốc bất an.


Washington vẫn tiếp tục yêu cầu Trung Quốc trong vai trò kiềm chế Triều Tiên và tháo gỡ căng thẳng ở khu vực đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đã trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào về tình hình Triều Tiên, một quan chức Nhà Trắng tiết lộ mặc dù không đưa ra ngày giờ cụ thể.


Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, vấn đề cần tập trung lúc này nên là nỗ lực làm sống lại đàm phán sáu bên gồm hai miền Triều Tiên, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Ông cũng bày tỏ quan ngại về cuộc tập trận Mỹ - Hàn. "Chúng tôi chú ý tới các thông tin liên quan và bày tỏ sự quan ngại về việc này”, người phát ngôn Trung Quốc là Hồng Lỗi nói.


Bình Nhưỡng không bình luận gì về cuộc tập trận nhưng hôm qua đã tuyên bố sẽ “có những cuộc tấn công thứ hai, thậm chí là thứ ba và không khoan nhượng nếu Hàn Quốc có các hành động khiêu khích quân sự”.


Vào thứ Ba, hòn đảo Yeonpyeong ở phía tây bán đảo Triều Tiên đã bị nã pháo, hai dân thường, hai binh lính thiệt mạng và hàng chục ngôi nhà bị phá hủy. Đây là cuộc tấn công nặng nề nhất của Bình Nhưỡng kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, cũng là lần đầu tiên xảy ra thương vong cho dân thường kể từ năm 1987.


Quân đội Hàn Quốc bắn trả 13 phút sau đó, và chưa rõ mức độ tổn thất. Các thành viên trong đảng của ông Lee và nhiều nghị sĩ đối lập đã cáo buộc quân đội phản ứng quá chậm.

Triều Tiên khẳng định vụ bắn pháo là để tự vệ sau khi Seoul bắn vào vào vùng biển của họ. Trong khi đó, quan chức Hàn Quốc cho rằng, vụ tấn công là nhằm gây dựng thanh thế quân sự cho con trai Chủ tịch Triều Tiên, gần đây được thăng chức tướng khi tuổi còn trẻ và được coi là người kế nhiệm cha lãnh đạo đất nước.


Về cuộc tập trận Mỹ - Hàn, Bắc Kinh từng lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Trong tháng 8, quân đội Trung Quốc khẳng định, việc điều tàu sân bay hạt nhân USS George Washington tới Hoàng Hải sẽ đe dọa lâu dài quan hệ Trung – Mỹ.


Seoul thì bày tỏ mong muốn Trung Quốc phản ứng rõ ràng hơn với Triều Tiên sau vụ tấn công pháo. "Chúng ta cần yêu cầu Bắc Kinh có trách nhiệm hơn về cách hành xử của Bình Nhưỡng”, một quan chức chính phủ Hàn Quốc khẳng định.

  • Thái An (Theo AP, Reuters)