- UB Tài chính - Ngân sách QH đề nghị bổ sung vào luật chống lãng phí trách nhiệm đối với việc ban hành chính sách không phù hợp, thiếu tính khả thi, không tính đến nguồn lực thực tế.

Chiều 18/3, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận dự án luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Mênh mang, chung chung

Cầm trên tay dự án luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói, cơ quan soạn thảo đánh giá nhiều vấn đề sáng nhưng thực tế còn tối hơn.

Còn Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì nhắc khéo, đọc xong luật này rồi cũng không biết làm cách nào để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bởi các điều khoản cứ đưa ra những lời chung chung "phải làm thế này, phải làm thế kia" mà không hề chỉ ra thế nào, cần làm gì để chống được lãng phí.

Ảnh: VOV

"Đề nghị phải tính toán thiết kế lại để trình QH chứ có chống tràn lan thế này được hay không?", ông Hùng bình luận.

Theo Chủ tịch QH, để chống lãng phí hiệu quả thì không phải cứ nêu ra nhiều, liệt kê nhiều thì sẽ chống được mà phải xem đâu là những lĩnh vực đang lãng phí nhất, gây thất thoát nhiều nhất. Thậm chí phải xác định rõ được đối tượng điều chỉnh là ai.

"Nếu kêu gọi người dân tiết kiệm chống lãng phí mà đưa ra quy định đám cưới chỉ được vài chục mâm, như vậy có khả thi hay không? Dành cho cán bộ, công chức thì còn được", ông Hùng nhắc nhở.

Chủ tịch QH nói vui, cách quy định chung chung thiếu khả thi như vậy cũng không khác gì đưa ra điều cấm "đi lễ hội thì không được phép đi thăm quá hai chùa".

"Luật ban hành ra mà cứ mênh mênh mang mang thế này, toàn là cần phải thế này, rồi cần phải thế kia", ông Hùng bình luận.

"Thưa Chủ tịch, vậy mà luật hiện hành đã tồn tại được 7 năm nay rồi. Mà những quy định như dự thảo sửa đổi là đã bổ sung rất nhiều, tiến bộ rất nhiều so với luật hiện hành rồi", Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp lời.

Nhiều ý kiến trong Thường vụ cũng cho rằng dự luật phải thiết kế những điều khoản rất cụ thể để điều chỉnh hành vi lãng phí thay vì hô hào chung chung.

Chốt phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, ban soạn thảo phải soạn lại các điều khoản sao cho khả thi hơn, không cần ôm đồm quá nhiều bởi nhiều nội dung đã được điều chỉnh bằng luật chuyên ngành. "Chứ nếu cứ đưa ra mà không biết dùng để xử lý hành vi gì thì luật bất thành", ông Hùng nhắc nhở.

Ra chính sách sai cũng gây lãng phí lớn


Ngay cơ quan thẩm tra là UB Tài chính - Ngân sách QH cũng cho rằng, với tính chất là luật sửa đổi toàn diện, các quy định mới phải đáp ứng yêu cầu cụ thể và bao quát mọi vấn đề phát sinh nhưng thực tế dự án luật chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Chẳng hạn, các quy định về mảng thực hành tiết kiệm trong dự thảo luật còn mỏng, chưa bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh. Trong khi đó, nhiều nội dung tiết kiệm liên quan đến toàn xã hội (tiết kiệm trong sử dụng đất, chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí lễ hội, hội thảo, hội họp...) hiện đang gây bức xúc trong dân.

Ngoài ra, căn cứ vào tờ trình của Chính phủ thì một trong những lý do, mục tiêu sửa đổi luật là nhằm tăng cường tính công khai trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Tuy nhiên, đối chiếu với dự thảo luật thì các quy định về nội dung này chưa đầy đủ, chưa thể bảo đảm hình thành một cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực, hiệu quả.

Dự thảo luật mới chỉ có một điều quy định về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí và chỉ là những nội dung mang tính nguyên tắc chung.

Thường trực UB Tài chính - Ngân sách lưu ý, cần bổ sung các quy định chi tiết hơn, chẳng hạn, về công khai, minh bạch việc quản lý sử dụng tài sản, tiền vốn, tài nguyên trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nội dung về chế độ trách nhiệm cũng còn chung chung, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra lãng phí, thất thoát.

Thường trực UB cũng cho rằng, việc ban hành cơ chế, chính sách không phù hợp, thiếu tính khả thi, không tính đến nguồn lực thực tế cũng là nguyên nhân dẫn đến lãng phí lớn. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được quy định trong dự thảo luật. Do đó, đề nghị bổ sung về trách nhiệm đối với việc quyết định, ban hành chính sách.

Dự kiến, dự án luật sẽ được trình tại kỳ họp QH sắp tới.

Lê Nhung