- Từ thực tiễn lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH trăn trở những kinh nghiệm để sinh hoạt chính trị dân chủ này ngày một hoàn thiện hơn.

Ngay sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại QH sáng nay (11/6), các ĐB chia sẻ bên hành lang những suy nghĩ đối với lần đầu tiên thực hiện chức trách hệ trọng này.

ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận), Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo: Kết quả chấp nhận được

Kết quả phần nào phản ánh đúng tình hình thực tế và những vấn đề xã hội còn nhiều bức xúc. Do vậy, tín nhiệm thấp đối với các “tư lệnh ngành” trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội là cao. Đây là kết quả đầu tiên chấp nhận được.

{keywords}
ĐB Hà Minh Huệ (phải). Ảnh: Lê Anh Dũng

 Nếu việc lấy  phiếu tín nhiệm thực sự có tác dụng, để những người giữ chức vụ đánh giá được bản thân mình qua những lá phiếu, rồi sửa chữa khuyết điểm, khắc phục tồn tại và phát huy thì tốt. Còn nếu đánh giá tràn lan, các bộ trưởng sẽ hoạt động ra sao trong công việc thường ngày, có dám đưa ra những quyết sách mạnh mẽ? Làm việc không kiên quyết chưa chắc đã tốt hơn. 

ĐB Trịnh Thị Thanh Bình, Chánh án Tòa án ND tỉnh Bến Tre: Đảng giới thiệu thì phải có đánh giá

Là ĐB, tôi đã thực hiện quyền của mình, đánh giá bằng niềm tin nội tâm, nhưng lo lắng nhất là không hiểu hết hoạt động của tất cả những người được lấy phiếu, đặc biệt trong khối quản lý điều hành. Có cảm giác với những ngành đối diện nhiều nhất với nhu cầu của người dân, được dư luận quan tâm, thì kết quả lấy phiếu là khó khăn.

Kết quả đã phản ánh mức độ quan tâm của người dân mà ĐB là đại diện. Còn mức độ khó khăn, phức tạp và trình độ xử lý công việc cùng nhiệt tâm của từng vị trong 47 nhân sự, là vấn đề cần cân nhắc.

{keywords}
ĐB Trần Ngọc Vinh. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Kết quả cũng đặt ra yêu cầu với họ, đặc biệt những người làm trong khu vực quản lý nhà nước, phải phấn đấu, nỗ lực hơn. Tôi nghĩ là cũng khó khăn hơn, vì đã đưa ra nghị trường là đưa ra công luận để đánh giá cụ thể bằng các lá phiếu.

Nhưng những người nhận được tỉ lệ tín nhiệm cao và tín nhiệm không cao lắm cũng không có nghĩa là họ kém cỏi hay không đủ sức gánh vác trọng trách. Đằng sau đó, nhất là ở lĩnh vực quản lý nhà nước, có rất nhiều việc phải làm. Có người mới, có người phụ trách những mảng quả rộng, quá nhiều vấn đề, trong thực tế chưa đáp ứng được tất cả các yêu cầu của người dân.

Để lấy phiếu có thêm cơ sở, thì mỗi vị đều là người của Đảng, được Đảng giới thiệu để bố trí nhân sự, nếu có thông tin đánh giá chính thức của Đảng và của tổ chức nơi họ làm việc, ĐB và công chúng sẽ có thêm thông tin.

ĐB Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UB trung ương MTTQ:

Tôi thấy kết quả phản ánh tương đối sát với thực tế, xu hướng hữu khuynh, "vo tròn" đã không vượt trội. Mỗi vị trong 47 chức danh sẽ tự nhận thức lại mình, qua kết quả ĐB và nhân dân giám sát mình.

Để các lần lấy phiếu sau hiệu quả hơn, chế độ thông tin là quan trọng nhất. Nên có thêm nhiều cuộc sinh hoạt giữa ĐB với những người được lấy phiếu để họ trình bày nhiều hơn. Họ cũng cần xuất hiện trên báo chí nhiều hơn, để báo chí tiếp cận những cuộc làm việc của họ nhiều hơn.

Có vậy mới mới tạo ra được sự chuyển biến, việc xem xét sẽ thực sự thận trọng, khách quan, công tâm và rõ ràng, minh bạch, không ai bị thiệt, đúng là chọn người làm việc, người tài, người có đức và người phục vụ nhân dân.

Khi ta đảm bảo được cơ chế thông tin, ta cũng sẽ có thể tiến hành hai mức (tín nhiệm và không tín nhiệm) như thông lệ thế giới.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Ủy viên thường trực UB Pháp luật: Nhiều tín nhiệm thấp phải chấn chỉnh

Lần đầu tiên tiến hành việc hệ trọng, liên quan đến sinh mệnh chính trị của từng vị được lấy phiếu, nhưng đã là một thành công bước đầu quan trọng. Qua đó cũng có thể rút kinh nghiệm công tác tổ chức để điều chỉnh, bổ sung vào Nghị quyết 35, để việc này đi vào quy củ, thực chất, phản ánh đúng hơn.

{keywords}
Đại biểu Ngô Văn Minh. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Qua lần lấy phiếu này, những lĩnh vực có nhiều tín nhiêm thấp cũng nên nghiên cứu để kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh trong quá trình lãnh đạo, điều hành cho tốt hơn. Đó cũng là mục đích của lần lấy phiếu này, để bộ máy vận hành tốt hơn, trơn tru, hiệu quả hơn, đáp ứng được nguyện vọng của ĐB, nhân dân, đất nước.

ĐB Trần Ngọc Vinh, Phó đoàn chuyên trách Hải Phòng: Báo cáo, kiểm điểm chưa thống nhất

Đánh giá bộ trưởng nào chưa được ở điểm gì thì ĐB nên góp ý trực tiếp để họ cải thiện. Điều đó là cần thiết, bởi ĐB không làm việc gần các bộ trưởng, không thể biết chính xác, chỉ nghe qua phát biểu, báo cáo, đánh giá...

Các báo cáo vừa qua cũng không thống nhất. Bản tự kiểm điểm của các vị gửi cũng không theo mẫu nào, mỗi người viết một kiểu, người thì kiểm điểm theo chức năng nhiệm vụ, người lại kiểm điểm theo công tác thực tế, có người ba mươi mấy trang, có người chỉ 2-3 trang.

Chung Hoàng (ghi)