Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc họp với Bộ Chính trị Trung Quốc hôm qua đã tuyên bố, nước này muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hàng hải một cách hoà bình và thông qua đàm phán, nhưng sẽ không thoả hiệp về chủ quyền.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Guardian |
Trung Quốc gần đây có tranh chấp gay gắt với nhiều láng giềng về lợi ích trên biển như với Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông, với một số nước Đông Nam Á ở Biển Đông. Căng thẳng ngày càng leo thang khiến giới phân tích cho rằng đó là những nguy cơ an ninh lớn nhất ở châu Á.
Truyền thông Trung Quốc cho hay, trong cuộc gặp với các thành viên Bộ Chính trị, ông Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc sẽ tuân thủ con đường phát triển hoà bình nhưng “không từ bỏ các quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như không từ bỏ những lợi ích cốt lõi”.
Trung Quốc sẽ “sử dụng các biện pháp hoà bình và đàm phán để giải quyết tranh chấp và và phấn đấu vì hoà bình và ổn định”, báo chí Trung Quốc dẫn lời ông Tập. Đây là bình luận về vấn đề hàng hải ở cấp lãnh đạo cao nhất Trung Quốc trong nhiều tuần qua. “Trung Quốc sẽ chuẩn bị đối phó với sự phức tạp, tăng cường các khả năng trong đảm bảo quyền lợi và lợi ích hàng hải, kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích ấy”, ông Tập nói.
Theo ông, trở thành một cường quốc hàng hải là “nhiệm vụ quan trọng” với Trung Quốc khi các đại dương cũng như vùng biển ngày càng quan trọng trong cạnh tranh toàn cầu ở các lĩnh vực chính trị, phát triển kinh tế, quân sự, khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, vị Chủ tịch Trung Quốc vẫn nói rằng, nước này sẽ tuân thủ chính sách “gác tranh chấp và thực hiện phát triển chung” ở những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, trong khi thúc đẩy lợi ích chung và hợp tác hữu nghị.
Trước đó, một nhà ngoại giao hàng đầu Nhật Bản đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc hôm thứ ba trong nỗ lực mới nhất nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á xung quanh vấn đề tranh chấp ở Hoa Đông. Căng thẳng Trung - Nhật lên cao trong năm nay khi cả hai bên liên tiếp điều máy bay và tàu tuần tra tới vùng tranh chấp. Theo giới quan sát, một sự hiểu lầm cũng có thể dẫn tới xung đột lớn hơn.
Ở Biển Đông, một số nước Đông Nam Á đã cáo buộc Bắc Kinh gây hấn hơn trong tranh chấp trên biển. Những năm gần đây, Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng khả năng hải quân hoạt động tại vùng biển xa, xây dựng đội tàu chiến mới và hạ thuỷ tàu sân bay đầu tiên.
Tại cuộc họp Bộ Chính trị, ông Tập khẳng định, Trung Quốc sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động khai tác tài nguyên đại dương và sử dụng phần đóng góp nào và phát triển kinh tế, khiến nước này thành một cường quốc hàng hải.
Ở đại hội đảng lần thứ 18 tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã tuyên bố nguyện vọng trở thành một cường quốc hàng hải.
Thái An (theo Reuters, Scmp)