- Sắp đến kỷ niệm lần thứ 94 ngày sinh Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (1/12), như thường lệ, Báo VietNamNet đến thăm và chúc thọ Đại tướng.

Hôm nay thấy Đại tướng có gầy đi chút ít nhưng sức khỏe vẫn dẻo và minh mẫn. Bầu trời mùa Đông Hà Nội đã chuyển về chiều, nhưng Đại tướng vẫn dành cho cán bộ biên tập Báo VietNamNet sự đón tiếp niềm nở và chân tình. Và rồi, sự hào hứng trên gương mặt và ánh mắt của Đại tướng khi nói về chủ quyền đất nước.

{keywords}
Đại tướng Lê Đức Anh: Chúng ta đạt được nhiều thành tựu lớn.

- Thưa Đại tướng! Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 94 của Bác, cháu xin thay mặt anh chị em Báo VietNamNet kính chúc Đại tướng và Phu nhân mạnh khỏe, tiếp tục đóng góp cho đất nước nhiều năm nữa. Hôm nay thấy Đại tướng và phu nhân khỏe hơn năm ngoái, cháu rất mừng.

Thưa Đại tướng! Gần đây, qua đọc báo, nghe đài, xem tivi, bác quan tâm nhất điều gì?

- Chúng ta đạt được nhiều thành tựu, nhưng lớn nhất phải kể đến quan hệ quốc tế. Có thể nói, ngày nay Mỹ, EU và nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận thành tựu và vai trò của Việt Nam với một tinh thần nể trọng.

Thành tựu thứ hai là kinh tế, xã hội phát triển, chính trị và an ninh ổn định; mà biểu hiện rõ nhất là: Cả thế giới, kể cả Mỹ, EU, Nga đều bị ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế lần thứ ba, dài nhất, xấu nhất, từ năm 2007 đến giờ. Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nhưng ít hơn. Ta cũng bị ảnh hưởng nhưng đã vượt qua được.

- Thưa Đại tướng, về việc chống tham nhũng thì sao? Cách đây 15 năm, khi chuyển giao vị trí Chủ tịch nước, bác có bộc bạch: “Điều ân hận của tôi trong thời gian làm Chủ tịch nước là không đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng”. Vừa rồi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi báo cáo về nội dung này cũng thừa nhận kết quả chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, Đại tướng trăn trở sao về điều này?

- Đây là việc nhất định phải làm nhưng rất khó. Muốn chống tham nhũng hiệu quả là phải xây dựng Đảng, lấy xây dựng Đảng làm then chốt, gốc rễ. Đây lại là điều khó nhất.

- Nhưng trong cái khó đã có một số việc làm hay, ví dụ như việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, qua đó đánh giá được một phần phẩm chất, năng lực và sự tín nhiệm của cán bộ.

- Nhưng chỉ dừng lại ở việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội thì chưa đủ. Đại biểu Quốc hội là đại diện cho địa phương. Muốn đánh giá tín nhiệm chính xác một bộ trưởng thì phải để cử tri cả nước bỏ phiếu tín nhiệm. Bởi vì bộ trưởng phụ trách một ngành nhưng lại diễn ra trên bình diện rộng lớn của cả nước; ảnh hưởng trực tiếp đến mọi chuyển động của kinh tế xã hội cả nước và người dân.

Ngay cả chất vấn trước Quốc hội, để riêng đại biểu Quốc hội chất vấn là chưa đủ, bộ trưởng quản lý lĩnh vực trên cả nước, phải để cử tri cả nước chất vấn.

{keywords}
Đại tướng Lê Đức Anh có gầy đi chút nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai và minh mẫn.

- Đại tướng có theo dõi vụ việc của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền không ạ?

- Tôi không theo dõi cặn kẽ nhưng có nghe nói. Hẳn ông Truyền là đảng viên, không phải đảng viên làm sao làm được chức vụ đó. Cho nên gốc rễ vẫn là xây dựng Đảng, phải chống tham nhũng từ trong Đảng….

Đại tướng Lê Đức Anh:
"Tôi ra Trường Sa đúng dịp kỷ niệm ngày truyền thống bộ đội Hải quân và ngay sau khi vừa diễn ra cuộc đụng độ giữa bộ đội Hải quân của ta với tàu chiến của Hải quân Trung Quốc ở các đảo Gạc Ma, Chữ Thập. Lúc bấy giờ, tôi thấy cần thiết phải ra Trường Sa. Khi nói lời thề giữ gìn chủ quyền biển đảo ở Trường Sa, tôi đau lòng nhìn thấy một đất nước trải qua bao nhiêu năm chiến tranh mà vẫn không trọn vẹn, Hoàng Sa bị lấy mất rồi....".
- Tại thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa , vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Báo VietNamNet có đăng lại bài phát biểu của Đại tướng ở Trường Sa lớn, khi đó Đại tướng đã cùng Bộ đội Hải quân cất vang Lời Thề bảo vệ bằng được chủ quyền đất nước, bảo vệ quần đảo Trường Sa. Vừa qua, ngay cả khi Báo VietNamNet đăng lại bài phát biểu đó cũng đã khơi dậy lòng yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước rất mạnh mẽ. Đại tướng có tin thế hệ trẻ hôm nay và tương lai sẽ tiếp tục thực hiện thành công lời thề của Đại tướng?

- Lời hứa đó là với cả Hoàng Sa và Trường Sa. Mà trước đó, tôi đã nói điều đó trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân: Hoàng Sa,– Trường Sa là của Việt Nam. Của Việt Nam thì phải nói là của Việt Nam, không thể khác được!

Lịch sử mấy nghìn năm rồi, ông cha ta giữ được chủ quyền đất nước, ngày nay chắc chắn ta sẽ giữ được. Nhiều lúc ta cũng đã mất nước bởi sự xâm lược của Mãn Thanh, Nguyên Mông … nhưng rồi ta vẫn giữ được. Mấy nghìn năm rồi tổ tiên ta làm được mà nay ta không làm được sao?!

Nước Việt Nam là của người Việt Nam, không thể khác được, không ai có thể thay đổi được.

Cái đã mất là Hoàng Sa, ta sẽ tiếp tục đòi, đòi mãi. Xu thế chung ta muốn hòa bình nhưng tiếp tục đòi lại Hoàng Sa. Ta phải nói cho người Trung Quốc biết, cả thế giới biết đó là của Việt Nam.

Nhân sắp sinh nhật lần thứ 94, một lần nữa, Báo VietNamNet xin kính chúc Đại tướng mạnh khỏe, tiếp tục đóng góp nhiều cho đất nước, chúc  phu nhân và gia quyến mạnh khỏe, hạnh phúc!

Xin cảm ơn! Chúc báo VietNamNet tốt, ngày càng tốt!

Phạm Tuấn

Ngần ấy thời gian biết anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc cùng ở cấp lãnh đạo đất nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm, một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân, một trong những người lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước,... Công bằng mà đánh giá, không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh....

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

(Trích bài viết Những kỷ niệm nhỏ về đồng chí Lê Đức Anh trong cuốn sách “Bảo vệ - xây dựng và đổi mới đất nước” NXB Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2007).


Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 94 của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Báo VietNamNet xin đăng lại bài phát biểu của Đại tướng ở Trường Sa Lớn năm 1988:

{keywords}

Năm 1988, trong chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955-7/5/1988) do Quân chủng Hải quân cùng Tỉnh ủy và Chính quyền tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại đảo Trường Sa lớn. Chuyến thăm đảo diễn ra ngay sau khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma rạng sáng 14/3 làm 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 hy sinh. Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng khi tiếng súng vừa dứt trên quần đảo Trường Sa ít ngày:

"Cùng với các lực lượng, các đơn vị của Hải quân nhân dân Việt Nam, hôm nay, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức mít tinh kỷ niệm lần thứ 33 ngày truyền thống vinh quang của Quân chủng (7/5/1955-7/5/1988) trên quần đảo Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Thay mặt Bộ Quốc phòng, tôi chuyển tới các đồng chí cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân lời chúc sức khỏe.

Hải quân ta ra đời trong hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách bằng sức lao động thông minh và sáng tạo, từ những chiếc thuyền gỗ có gắn máy mà đi lên, Hải quân ta đã tích cực trên các mặt trận chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam và làm nhiệm vụ quốc tế.

Từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Hải quân nhân dân ta đã nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí quyết chiến, quyết thắng và đã lập nhiều chiến công oanh liệt. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ ven biển miền Bắc, Hải quân nhân dân ta còn có nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng là đưa cán bộ, súng đạn vào miền Nam bằng loại tàu đi biển do Hải quân tự thiết kế. Loại tàu nhỏ này đã vượt biển khơi đi qua vùng biển dưới sự kiểm soát của không quân và hải quân thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, của hạm đội tuần tiễu của quân đội ngụy Sài Gòn.

Nhưng Hải quân nhân dân ta vừa làm nhiệm vụ bảo vệ ven biển miền Bắc, chống lại sự phong tỏa của địch, đồng thời vận chuyển được hàng vạn tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần xứng đáng giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Nhân dịp kỉ niệm ngày truyền thống của Quân chủng, tôi nhắc lại điều đó để nói lên tinh thần dũng cảm và sự thông minh sáng tạo của cán bộ Hải quân ta trong thời kỳ đánh Mỹ. Đó là sự thông minh và dũng cảm tuyệt vời, nó được nối tiếp mãi cho đến ngày nay và mãi mãi đến các thế hệ mai sau. Thông minh dũng cảm là sức mạnh. Niềm tin là sức mạnh. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế là sức mạnh.

Mở đầu thời kỳ đánh Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trước một tên đầu sỏ hùng mạnh nhất của chủ nghĩa đế quốc; Đảng ta đã có một vũ khí cực mạnh, đó là niềm tin, niềm tin ở chính nghĩa độc lập tự do, niềm tin ở sức mạnh của nhân dân khi đã quyết tâm thì sẽ sáng tạo muôn vàn cách đấu tranh để giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Chính niềm tin sắt đá đó đã động viên và đoàn kết toàn dân tộc nhất tề đứng dậy đấu tranh với đế quốc cực mạnh và đã từng bước thu hút sự chú ý và sự ủng hộ của loài người tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ. Sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới đã góp phần quan trọng giành thắng lợi trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Đoàn kết dân tộc, đoàn kết với bạn bè quốc tế, đó là sức mạnh, đó là đại nghĩa, đó là lẽ sống của cách mạng Việt Nam, của nhân dân Việt Nam.

Với mối quan hệ giữa ta và Trung Quốc: Trong những năm 50 và những năm 60 quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và hiệu quả. Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân Trung Quốc đã dành cho mình.

Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tặng ảnh và bài phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh ở Trường Sa Lớn cho Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.

Năm 1976, Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước và bầu bạn trên thế giới đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Tới Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc đối với sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, thì người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ đã nói: Trung Quốc cảm ơn Việt Nam, chính nhờ Việt Nam chống Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã phải thân hành đến Trung Quốc để cầu thân với Trung Quốc".

Nói tóm lại cả hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, với tinh thần anh em sâu đậm. Chúng ta đinh ninh rằng tình sâu nghĩa nặng đó sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc Việt Nam những tội lỗi mà các triều đại phong kiến Trung Quốc đã gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đô hộ.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế.

Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam dù chế độ xã hội khác nhau qua các thời đại, xu hướng chính trị khác nhau, tôn giáo khác nhau, đàn ông cũng như đàn bà, già cũng như trẻ đều một lòng, một dạ kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời chúng ta nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta.

Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các Tổng cục, các quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".