Bé gái trong bức ảnh - trần truồng, la hét, da cháy sém vì bom napalm, chạy hoảng loạn - đã trở thành biểu tượng của sự tột cùng đau khổ mà con người phải chịu đựng trong Chiến tranh Việt Nam.

{keywords}
Bức hình Em bé Napalm. Ảnh: Nick Út - AP

Kim Phúc khi ấy 9 tuổi, một đứa trẻ trải qua 14 tháng điều trị trong bệnh viện, phần còn lại cuộc đời sống chung với làn da phồng rộp vì napalm. Khi ấy, em chạy cho tới khi không thể chạy được nữa, và ngất đi.

Hơn 40 năm sau chiến tranh, Kim Phúc - giờ đã kết hôn và là mẹ của hai cậu con trai - đang sống gần Toronto, đã đi khắp thế giới để nói về việc gác bỏ lại quá khứ, nỗi đau, sự tức giận. Chị nói, sau nhiều năm chịu đựng vết thương, chị đã tha thứ cho những người khiến mình bị biến dạng.

“Qua câu chuyện của mình, tôi thực sự muốn mang tới cho mọi người khát vọng. Nếu họ tìm kiếm khát vọng và vị tha, nếu một bé gái có thể làm điều đó, thì mọi người đều có thể".

Kim Phúc đã thành lập quỹ giúp các trẻ em nạn nhân chiến tranh. Chị sống ở Trảng Bàng khi cuộc chiến bắt đầu nổ ra. Ngày 8/6/1972, chị cùng gia đình, những người dân làng khác trốn vào một ngôi chùa trong 3 ngày. Ngày làng bị tấn công, họ nghe thấy máy bay lượn trên đầu. Một người nói với dân làng hãy chạy đi, vì máy bay sẽ dội bom xuống.

Kim Phúc chạy ra ngoài, thấy máy bay xuống gần hơn, và sau đó nghe thấy tiếng bom phát nổ trên mặt đất, rồi không thể chạy thêm được nữa, không biết gì nữa, nhưng bom mang theo napalm, chất gây cháy dính vào da thịt nạn nhân.

Không sống trong quá khứ

{keywords}
Ở tuổi 51, Kim Phúc đã thành lập quỹ giúp các trẻ em nạn nhân chiến tranh

“Đột nhiên tôi thấy lửa khắp nơi xung quanh", chị nhớ lại. "Lúc đó, tôi không thấy ai, chỉ thấy lửa. Tôi thấy tay trái bốc cháy, tôi dùng tay phải cố dập lửa". Quần áo chị cũng bén lửa. May mắn thay đôi chân không bị thương nên chị có thể chạy, chạy tới khi thoát khỏi lửa, chị nhìn thấy anh em, và những người khác.

“Tôi hét lên, nóng quá nóng quá", Kim Phúc kể. "Sau đó một người cố giúp tôi, dội nước lên người tôi, tôi ngất đi".

Sau đó, chị biết nhiếp ảnh gia Nick Út - chính là người đã chụp bức hình em bé napalm - đã đưa chị tới bệnh viện. Hai người em, 9 tháng tuổi và 3 tuổi đã chết trong trận bom. Phúc bị bỏng 2/3 cơ thể.

Chị trải qua 14 tháng điều trị tại bệnh viện, với rất nhiều cuộc phẫu thuật cấy ghép da. “Đã có lúc tôi tưởng mình phải chết đi vì đau đớn, và thậm chí cho đến hôm nay, những cơn đau vẫn còn hành hạ nhưng tôi đã vượt qua được tất cả".

Năm 1986, chị đi học tại Cuba, nơi Kim Phúc gặp người chồng. Họ tới Moscow trong tuần trăng mật năm 1992 rồi định cư ở Canada. Chị có hai con trai là Thomas, 20 tuổi và Stephen, 15 tuổi. Phúc đã từng sợ hãi rằng, tình trạng chấn thương không cho phép chị kết hôn và làm mẹ.

”Sau khi ra viện, tôi chìm vào những cơn đau. Mỗi lần nhìn vào các vết sẹo, tôi không bao giờ nghĩ sẽ có người yêu thương và cưới tôi, tôi sẽ không bao giờ có cuộc sống bình thường như mọi người", Kim Phúc nói.

Những vết sẹo ở lưng và tay của chị vẫn khiến chị đau đớn mỗi khi thời tiết thay đổi. Chị cố gắng tập luyện, ăn uống lành mạnh và vượt qua đau đớn. Năm nay ở tuổi 51, chị là đại sứ thiện chí của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa LHQ (UNESCO), chị có 20-25 bài phát biểu ở khắp nơi trên thế giới mỗi năm.

“Mọi người đã giúp tôi vượt qua - những bác sĩ, y tá", chị nói. "Mọi người tìm cách giúp tôi và đem lại tương lai cho tôi. Và giờ đây, tôi thực sự muốn trả ơn".

Bức hình chụp của Nick Út - giành giải Pulitzer - chị có một bản copy trong nhà. Chị cất nó trong tủ sách, giữa các tạp chí, chị chỉ nhìn khi có một mình. “Thật kinh khủng, tôi có thể cảm nhận được mùi da thịt bị đốt cháy. Tôi không muốn sống trong quá khứ ấy".

Thái An (theo Bostonglobe)