- Châu Á sẽ nằm trong những ưu tiên hàng đầu của ngoại giao Pháp. Tại sao? Có lẽ chăng nước Pháp có cái nhìn mới hoặc khác về quan hệ Pháp-Á?

Tháng 7. Thời tiết Paris vẫn thất thường. Nắng đó, mưa còn đó. Có lúc mưa làm ướt đẫm sân của dinh Elysée và không xa, bên kia sông Seine, có lúc thì mặt trời sấy khô các bức tường bằng đá hồng của Bộ Ngoại giao Pháp. Bên trong, sau những cánh cửa cách âm, giữa các khung tường mạ vàng cổ kính, dưới ánh sáng của bộ đèn treo khổng lồ thế kỷ 18, tân Ngoại trưởng Laurent Fabius và các cố vấn đang xây dựng những chuyến lược ngoại giao đầu tiên của chính phủ mới.

Chắc chắn, ban đối ngoại mới của nước Pháp sẽ không thiếu việc để làm trên bàn cờ quốc tế. Và châu Á sẽ nằm trong những ưu tiên hàng đầu của ngoại giao Pháp. Tại sao? Có lẽ chăng nước Pháp có cái nhìn mới hoặc khác về quan hệ Pháp-Á?

Sự thật là ngày hôm nay, nước Pháp nói riêng và EU nói chung không có cương lĩnh rõ ràng, thống nhất về quan hệ và đối tác chiến lược với lục địa đang trở thành một thế lực hàng đầu của thế giới.

Chắc chắn, chuyến thăm "lịch sử" vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ở vịnh Cam Ranh và tình hình căng thẳng ở Biển Đông sẽ tác động nước Pháp và EU đi đến một hợp tác chiến lược thật sự - chính trị và công nghệ liên quan đến quốc phòng - với châu Á nói chung và khối ASEAN cùng Việt Nam nói riêng.

Vấn đề Trung Quốc


Ngoài Afghanistan, chiến lược về châu Á, đặc biệt Trung Quốc, là hồ sơ "nóng bỏng" nhất của Bộ Ngoại giao Pháp hiện nay và những năm sắp tới. Từ trọng lượng kinh tế đến hiện diện kinh tế, tài chính - nợ công của Hy Lạp, Tây Ban Nha với TQ - ngày càng có tính chất "quyết định" của TQ ở EU, tình trạng nhập siêu thương mại bất lợi (cho Pháp) giữa Pháp và TQ trong lĩnh vực hàng công nghệ vừa.

Với tình trạng khủng hoảng kinh tế và tài chính của vùng euro, trọng lượng của TQ đang và sẽ trở thành chiến lược hơn nữa. Năm 2002, TQ đầu tư trực tiếp một tỉ euro ở châu Âu, năm 2009, ba tỉ và năm 2011, con số đã lên đến hơn 10 tỉ. Theo dự tính của EU, từ giờ đến năm 2016, đầu tư trực tiếp của TQ ở EU sẽ tiến lên đến 800 tỉ euro.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp và người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì trong chuyến thăm Bắc Kinh hôm 9/7 vừa qua. Ảnh: Daylife

Nếu tính tổng cộng tất cả đầu tư quốc tế của TQ, từ đầu tư trực tiếp đến nợ công, xuyên qua các cơ sở hạ tầng như cảng biển... con số này sẽ lên đến 2.400 tỉ euro! 90% các đầu tư vừa nêu nhằm vào các tài nguyên thiên nhiên ở châu Phi, Nam Mỹ và công nghệ kỹ thuật cao, đặc biệt là ở châu Âu với những nguy cơ bị "mất" các kỹ thuật tiền phong trong lĩnh vực hàng không, động cơ và sinh học mà TQ còn thiếu.

Trước những lựa chọn nan giải của châu Âu và Pháp giữa đầu tư cần thiết để phát triển và hiểm họa bị mất độc lập kinh tế tài chính, các chính phủ châu Âu cần có sự thống nhất về chính sách đối tác chung và rõ ràng với TQ.

Vấn đề là hiện giờ, châu Âu chưa có chính sách này. Đặc biệt là Pháp. Các chuyên gia về châu Á đánh giá êkíp của Ngoại trưởng Laurent Fabius - và cả chính ông - là không "điêu luyện", thiếu "độ dày" về quan hệ chính trị Á châu. Chính bản thân Ngoại trưởng cũng đã có một kinh nghiệm khá cay đắng với chính giới Trung Quốc.

Vài tháng trước đây, trong cuộc vận động bầu cử của ông François Hollande, Tổng thống tương lai, ông Laurent Fabius, chính trị gia cao cấp của đảng Xã hội và cựu thủ tướng, được gửi sang Bắc Kinh với mục đích tạo cho ứng viên François Hollande một tầm vóc quốc tế. Một ngày rưỡi sau khi đáp xuống Bắc Kinh, ông Laurent Fabius tức giận, bỏ về Pháp, mặc dù chuyến công tác được dự định cả một tuần. Lý do: ông không được gặp bất cứ chính trị gia quan trọng nào của TQ từ cấp bộ hoặc cao hơn.

Đây là bằng chứng cứ của sự thiếu hiểu biết về phương cách hành động của TQ. Đường lối - chính thức - của Bắc Kinh luôn luôn là "không can thiệp vào nội chính của bất cứ quốc gia nào", nhất là cho bất kỳ dấu hiệu "thân thiện" nào với phe đối lập. Làm sao chính phủ TQ có thể tiếp đón trịnh trọng một đặc phái viên của đảng đối lập với tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy?

Một vụng về khác nữa đã xảy ra vài tuần sau đó. Trước cuộc tranh luận chiến lược giữa hai ứng viên Nicolas Sarkozy và François Hollande, đại sứ của TQ đã - phòng hờ - can thiệp với êkíp của François Hollande, yêu cầu "không nêu lên vấn đề Tây Tạng" khi đề cập đến cương lĩnh ngoại giao.

Thay vì gật đầu xã giao, hai chính trị gia cao cấp của êkíp, ông Pierre Moscovici, Bộ trưởng Kinh tế tương lai và ông Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Quốc phòng, đã cam đoan sẽ không đả động đến vấn đề này...

Sau những vụng về nêu trên của êkíp ngoại giao của ông Hollande, các chuyên gia về quan hệ Âu-Á và chính giới gắn bó với châu Á đã có vài lý do để hy vọng cho một ngày mai tươi sáng hơn. Đó là việc bổ nhiệm ông Paul Jean-Ortiz và Christian Lechervy vào êkíp cố vấn ngoại giao của Tổng thống Hollande.

Ông Paul Jean-Ortiz nguyên là lãnh đạo Cục châu Á của Bộ Ngoại giao Pháp. Ông nói thành thạo tiếng Trung, từng làm việc tại TQ và Việt Nam với tư cách là Tổng lãnh sự và bí thư thứ nhất. Còn ông Christian Lechervy là nhà ngoại giao chuyên nghiệp và phó giám đốc đơn vị nghiên cứu về viễn cảnh địa chính trị của Bộ Ngoại giao. Ông Christian Lechervy cũng là một chuyên gia tinh tế am hiểu sâu về vùng Đông Nam Á (ĐNÁ) và các quan hệ Trung-ĐNÁ.

Quan hệ Pháp-Việt: Từ dậm chân tại chỗ đến thụt lùi


Năm 2013-2014 sẽ là "Năm giao lưu Việt-Pháp". Các nhà ngoại giao cả Việt và Pháp đều ước mơ có thể nắm lấy cơ hội này để "hâm nóng", đẩy mạnh trở lại các quan hệ và trao đổi song phương trong tất cả các lảnh vực: từ chính trị, đến kinh tế, qua văn hóa và công nghệ quốc phòng.

Châu Á sẽ nằm trong những ưu tiên hàng đầu của ngoại giao Pháp, dưới thời Bộ trưởng Laurent Fabius. Ảnh: Daylife

Những năm vừa qua đến hiện tại, quan hệ Việt-Pháp đã và đang nằm ở vị trí... thấp chưa từng thấy. Một phần lớn nguyên nhân là do phía Pháp. Sau 10 năm "vàng son" của quan hệ Việt-Pháp, đích thân được thúc đẩy bởi cựu Tổng thống Jacques Chirac, người đam mê châu Á, đến khi ông hết nhiệm kỳ năm 2007, chính phủ kế tiếp của ông Nicolas Sarkozy không còn quan tâm gì đến Việt Nam. Ông chưa bao giờ đặt chân đến VN. Đối với ông Sarkozy, châu Á chỉ tóm tắt lại thành 2 quốc gia: TQ và Afghanistan. Tất cả kinh phí hoạt động ngoại giao và hợp tác của Pháp trên toàn thế giới đều bị giảm mạnh, ngoại trừ các nước nêu trên, cộng thêm Mỹ.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng trong bài trả lời phỏng vấn của tờ "La lettre de la diplomatie" (Lá thư Ngoại giao) hy vọng: "Chính phủ mới của Pháp sẽ góp phần tạo ra những thay đổi tích cực cho quan hệ song phương giữa hai quốc gia...". Chính xác là các quan hệ chính trị chiến lược, văn hóa và kinh tế. Một lãnh đạo ngoại giao Pháp ở VN khẳng định: "Chúng tôi có rất nhiều dự án có thể thực hiện nhanh, bền vững. Chúng tôi chỉ chờ phương tiện và đèn xanh của chính phủ Pháp!".

Từ 5 năm nay, doanh nhân và tập đoàn kinh tế Pháp ngày càng quan tâm, đầu tư vào thị trường châu Á: Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ĐNÁ. Mặc dù vậy, ngoại trừ máy bay Airbus, mỹ phẩm, thời trang cao cấp và rượu vang, sự thành công và phát triển của doanh nghiệp Pháp tại VN có nhiều giới hạn. Trong khi đó, các ngành công nghiệp nhỏ và vừa chuyên môn của Pháp rất cần những đầu ra trên thị trường quốc tế.

Trao đổi với VietNamNet, nhiều doanh nhân Pháp than phiền về "văn hóa tham nhũng và quan liêu" mà họ phải đối đầu khi làm ăn, đầu tư ở VN. Một doanh nhân quan trọng chia sẻ: "Làm sao mà đưa phong bì được! Chúng tôi bị giám sát bởi chính phủ, EU, các tổ chức phi chính phủ quốc tế chống tham nhũng và báo chí của chúng tôi. Nói thật, muốn đút lót cũng không dám...".

Hẳn nhiên, những cản trở nêu trên cũng là thực tế, nhưng một phần không nhỏ chúng xuất phát từ việc so với các sản phẩm đến từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, sản phẩm công nghệ của Pháp thiếu sự linh động để thích nghi với văn hóa thị trường VN nói riêng và thị trường châu Á nói chung.

Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Pháp, 2 cố vấn ngoại giao của Tổng thống Hollande, ông Paul Jean-Ortiz và ông Christian Lechervy sẽ thúc đẩy nước Pháp phát triển quan hệ với khối ASEAN, đăc biệt là với các thành viên nhỏ và vừa. Đây là một phương cách làm "cân bằng" lại trọng lượng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong vùng ĐNÁ-Thái Bình Dương. Những quan hệ tương lai này sẽ không chỉ là kinh tế mà còn là chính trị và địa chính trị.

Tháng 11 tới, Tổng thống Hollande sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM-9) tổ chức ở Lào. Ông phát biểu từ Paris trong một cuộc họp báo: "Tôi muốn và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ giữa Liên minh châu Âu và khối ASEAN!".

Võ Trung Dung (từ Paris)