- Dự thảo Luật gồm 9 chương, đề cập đến nhiều phương diện "nóng" như bảo vệ thông tin cá nhân, kinh doanh trong lĩnh vực ATTT hay quản lý nhà nước về an toàn thông tin.


{keywords}
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh tầm quan trọng của một văn bản đặc thù, chuyên biệt như Luật ATTT. Ảnh: T.C

Hiện Bộ TT&TT đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật ATTT để có thể kịp hoàn thiện và trình lên Quốc hội. Nếu được Quốc Hội thông qua trong năm 2015, Luật này sẽ chính thức đi vào triển khai từ năm 2016.

Phát biểu tại Hội thảo về Luật ATTT diễn ra sáng 11/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh an toàn thông tin đã trở thành vấn đề cấp thiết, mang ý nghĩa sống còn của các quốc gia vào thời điểm hiện nay, thế nhưng VN vẫn chưa có được một văn bản đầy đủ, chuyên biệt, đặc thù về ATTT. Việc xây dựng Luật ATTT vì thế đã được đưa vào chương trình trọng tâm của Bộ TT&TT từ năm 2011 và đến nay đã bước vào những giai đoạn cuối cùng.

Ông Nguyễn Huy Dũng, thành viên Tổ biên tập cho biết Luật ATTT sẽ tập trung giải quyết vào 7 nhóm vấn đề chính hiện vẫn đang thiếu quy định pháp lý là tấn công mạng, phát tán thư rác, mã độc, lưu hành phần cứng, phần mềm có lỗ hổng; rao bán thông tin cá nhân bất hợp pháp; bảo vệ lợi ích quốc gia trên mạng; phát triển nguồn nhân lực và phát triển sản phẩm thị trường. Tuy nhiên, 5 vấn đề đầu tiên có thể tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế, riêng hai vấn đề cuối cùng cần được xem xét đến các yếu tố đặc thù của Việt Nam.

Cụ thể, việc phát triển nguồn nhân lực ATTT đang rất cần có cơ sở pháp lý để ưu đãi cho các cơ sở giáo dục, dạy nghề về ATTT; xây dựng chương trình đào tạo cấp đại học hoặc cao hơn về ATTT; các chính sách đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, bản thân cán bộ, công chức cũng cần được đào tạo các kỹ năng, nhận thức cơ bản về ATTT.

Tương tự, việc phát triển sản phẩm thị trường cũng cần có văn bản pháp lý để khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực ATTT, giúp các doanh nghiệp, tổ chức trong nước làm chủ công nghệ; Bên cạnh đó, cần có một hành lang pháp lý để hình thành nên một thị trường ATTT lành mạnh, ổn định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ ATTT phục vụ thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu. Cuối cùng, Luật cũng sẽ nghiên cứu các cơ chế về hợp tác công tư giữa Nhà nước và Doanh nghiệp trong bảo đảm ATTT.

Theo phân tích của ông Dũng, quy định pháp lý trên thực tế vẫn có nhưng nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, không quy về một mối. Hơn nữa, một số nội dung quy định vẫn mang tính nguyên tắc, chưa đủ rõ ràng, cụ thể, đặc thù để áp dụng trong thực tế. Công nghệ lại đang thay đổi rất nhanh, khiến cho một số quy định cũ không còn phù hợp với tình hình mới, do đó, việc nâng cấp, sửa đổi tất cả các văn bản nói trên là khó khả thi, thiếu đồng bộ. Sự ra đời của Luật ATTT sẽ khắc phục được những bất cập này, giúp bảo đảm quyền lợi cho cả người dân, tổ chức doanh nghiệp lẫn quốc gia.

T.C