- Mất hơn 3 giờ đồng hồ, vượt cung đường trên 60 km đèo dốc từ Bắc Quang lên miền Tây để đến được với vùng chè cổ thụ, nhưng có tới hàng trăm khúc cua thì có lẽ chỉ có duy nhất ở đường lên huyện vùng cao biên giới Hoàng Su Phì (Hà Giang).

Từ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, những rừng chè cổ thụ ấn hiện trong sương sớm, trải dài đến mênh mông khiến ta có một cảm giác như lạc về miền cổ tích…

Ai chưa một lần được tận mắt chứng kiến thì không thể hình dung được, trên khắp các vùng núi trải dài nơi cực Bắc Tổ quốc ta lại có những cây chè cao to đến thế.

“Thu vào tâm mắt muôn trùng”… Chè Shan Tuyết


Trước lúc xuất phát, anh bạn dẫn đường là cán bộ ở phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì nở một nụ cười tinh quái: “Cô bé, uống thuốc chống say tàu xe chưa đó. Lần đầu lên Hoàng Su Phì, nhiều người đi xe máy mà vẫn bị say đó nhá”. “Chỉ sợ say cảnh, say người thôi…”.

Những câu nói chắp nối giữa chúng tôi xen lẫn trong tiếng gió, tiếng xe máy đang gầm gừ vượt dốc.

Chè vươn rộng cánh tay.

Chè Shan tuyết là loại cây chè có nguồn gốc bản địa lâu đời tại Hà Giang. Theo nhiều tài liệu thì đây được xem là vùng chè cổ thụ nhất tồn tại ở Việt Nam.

Từ các huyện vùng thấp như Vị Xuyên, Quang Bình, chúng tôi đã thấy thấp thoáng những đồi chè xanh mướt trải rộng, nhưng đây là loại chè Shan tuyết được trồng mới cách đây khoảng 20 năm.

Anh bạn đi cùng tôi chia sẻ: “Còn lâu mới đến được vùng chè cổ thụ. Nó nằm rải rác khắp các xã gần và cả trên đỉnh Tây Côn Lĩnh kia…”.

Vượt cổng trời Hoàng Su Phì, bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều cây chè cổ thụ cao quá đầu người, quá mái nhà và sững sững chĩa thẳng lên bầu trời.

Với độ cao trên 2000m so với mực nước biển, chiếc xe máy bẻ cua liên tục, mây mù che phủ lối đi, vương vít cả lên người lữ khách khiến tôi bắt đầu có cảm giác lạnh, run rẩy, sợ hãi nhưng lại háo hức đến mê người vì sự hùng vĩ, nên thơ của núi rừng nơi địa đầu Tổ quốc.

Anh bạn tôi trầm trồ: “Tuyệt! “phượt” phải thế này mới đã, đúng là cung đường huyền thoại”.

Trong khi tôi phải căng thẳng để giữ chặt tay lái vì một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm…

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là rừng chè cổ thụ ở xã Hồ Thầu. Xe máy chỉ  “bò” được một đoạn rồi phải dừng ở chân dốc, đoàn leo qua những con đường ngoằn ngoèo, men theo triền núi để đi sâu vào vùng có nhiều cây chè cổ thụ.

Trước mắt chúng tôi là bạt ngàn những cây chè cao chót vót, cành lá sum suê, chạy dài mãi từ ngọn núi này sang núi khác, thu vào tầm mắt là ngút ngàn chè Shan.

Mặc dù đã được nghe, được thấy qua ảnh nhưng có nằm mơ tôi cũng không thể nghĩ trên đất nước mình lại có những rừng chè cổ thụ cây to và nhiều đến thế. Mải mê đi, mải mê nhìn, mải mê săn ảnh mà không thấy mệt mỏi.

Rừng chè trong sương sớm.

Đến lúc trời đứng bóng cũng là lúc đã tới đỉnh núi. Ở đây, mặc dù ánh mặt trời đã cố xuyên qua đám sương mù để rọi những tia nắng yếu ớt lên ngọn cây, nhưng sương vẫn còn bao phủ và vương vít, đọng lại trên ngọn chè.

Đây cũng là đặc điểm nổi bật để chè Shan tuyết có vị ngon đậm đà khác biệt. Trên những búp chè non có một lớp lông tơ mịn, vì là nơi quanh năm sương mù bao phủ nên búp chè đọng lại một lớp sương mỏng li ti như tuyết.

Vào mù thu hoạch, mỗi sáng sớm tinh mơ, những phụ nữ người Dao, người Mông lại leo lên cây cao hái những búp chè ngon nhất đem về sao lên để uống và cũng không biết tự khi nào, chè Shan tuyết đã trở thành một loại hàng hóa có chất lượng “vàng” được người tiêu dùng ưa chuộng.

Rời khỏi Hồ Thầu, chúng tôi tiếp tục vượt những ngọn núi cao ngất ở các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Nam Sơn, Nậm Khòa và vượt Túng Sán, Tả Sử Choóng…để chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Sau mỗi chặng đường đã qua, tôi lại thêm một cảm xúc mới lạ. Từ lâu, cái tên chè Shan tuyết cổ thụ chỉ mới gợi lên trong tôi trí tò mò, còn giờ đây, tôi như đang lạc về một miền cổ tích…

Từ truyền thuyết về cây chè cổ thụ

Đối với cộng đồng người Dao và người Mông nơi miền cực Bắc Tổ quốc, chè là cây trồng lâu đời không thể thiếu, đã gắn bó chặt chẽ với sự tồn tại và phát triển của dân tộc mình.

Những già làng nhiều tuổi nhất cho tới bây giờ cũng không xác định được cây chè cổ thụ đã có từ bao giờ. Họ chỉ nhớ, mình sinh ra đã thấy những cây chè cổ thụ to, cao vút như thế. Có nhiều cây người ôm không xuể, cao đến cả chục mét.

Ông Triệu Tả Vảng, gần 80 tuổi ở thôn Trung Thành, xã Hồ Thầu kể rằng: “Ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, đường khó đi lắm, tôi thường mang chè xuống miền xuôi để đổi lấy muối về ăn. Khi người Pháp sang xâm lược, họ đã lên đây dùng chè này và khen rất ngon. Nhiều cây chè cao quá không leo lên hái được, tôi phải đốn cho thấp mới hái được đó.

Nhưng mà tôi không biết cây chè này bao nhiêu tuổi đâu. Mấy đời nhà tôi đã sống cùng với cây chè rồi…”.

Những câu chuyện truyền miệng của đồng bào ở đây kể rằng: Ngày xưa, cây chè tự mọc lên và sống cheo leo trên núi, con người không thể treo hái được nên họ đã huấn luyện những chú khỉ hàng ngày lên hái về.

Và họ dùng nó như một phương thuốc quý vì khi uống vào thì có cảm giác sảng khoái, xua tan đi bao mệt mỏi. Thế rồi, mỗi lần dời nhà đi tìm nơi phát rẫy, làm nương, người dân lại mang theo hạt chè và trồng ở nơi mình sống và những rừng chè bạt ngàn ra đời từ đó.
 

Đối với cộng đồng người Dao và người Mông nơi miền cực Bắc Tổ quốc, chè là cây trồng lâu đời không thể thiếu, đã gắn bó chặt chẽ với sự tồn tại và phát triển của dân tộc mình.

Lại có chuyện kể rằng, từ ngày xa xưa, có đôi vợ chồng nọ đi tìm vùng đất để kiếm kế sinh nhai. Họ đi, đi mãi đến vùng rừng núi phía Bắc này thì đã thấm mệt và đói nên dừng chân ngồi nghỉ bên một gốc cây cổ thụ.

Người chồng hái vội đọt cây ăn cho đỡ đói thì thấy có vị chát nặng, nhưng sau đó lại có vị ngọt. Hai vợ chồng nấu nước rồi bỏ lá cây cổ thụ vào uống và thấy sảng khoái, dễ chịu, tan đi mệt mỏi.

Cho đây là điềm lành nên hai vợ chồng đã dựng nhà sinh sống ngay bên gốc cây rồi lấy hạt cây gieo khắp vùng đồi núi nên mới hình thành nên những rừng chè cổ thụ bạt ngàn như hôm nay.

Những câu chuyện kể của đồng bào dân tộc mà chúng tôi nghe được dù có, dù không nhưng khi đứng giữa bạt ngàn rừng chè cổ thụ còn vương vít mây mù này, sức sống, vẻ đẹp của nó đã thực sự là một câu chuyện huyền thoại.

Ông Triệu Chòi Hín, một già làng ở xã Hồ Thầu có nhiều đồi chè cổ thụ cho biết:  “Rừng chè cũng trở thành nơi hò hẹn và nên duyên của nhiều đôi trai gái. Trai gái người Dao đến tuổi cập kê, sáng sớm lên nương hái chè, họ đã cất lên những lời ca trao tình thắm thiết giữa bạt ngàn rừng núi.

Những bài hát cất lên từ ngọn cây chè này, sang ngọn cây chè khác và nhờ đó họ đã nên duyên vợ chồng. Còn những người phụ nữ đứng tuổi, tiếng hát trên nương chè chính là nơi để họ gửi gắm những tâm tư, tình cảm của mình, là nơi để họ trao đổi và sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống.

Đến những buồn vui với…Chè


Tận dụng lợi thế về đất đai và khí hậu phù hợp với loại cây công nghiệp này, chè Shan tuyết hiện nay được xác định là cây công nghiệp mũi nhọn có giá trị kinh tế cao của Hà Giang.

Diện tích trồng mới loại chè này những năm qua không ngừng được mở rộng. Là cây trồng đã thực sự góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các huyện vùng cao. Đặc biệt, nó gắn bó lâu đời và có mối quan hệ mật thiết với những tập quán sinh sống của đồng bào nơi đây.

Chỉ tính riêng huyện Hoàng Su Phì, nơi tập trung nhiều nhất cây chè cổ thụ thì đã có tới 21/25 xã có diện tích trồng cây chè với tổng diện tích lên tới 4.011,3 ha, trong đó diện tích chè thu hoạch (chè cổ thụ) là 3.162,9 ha. Năng suất đạt 31,49 tạ/ha. Có 48 cơ sở chế biến chè công nghiệp và chế biến trong dân, trong đó có 6 HTX chế biến chè với quy mô lớn từ 3-5 tấn/ngày. Giá bán chè búp tươi tại thời điểm hiện tại là từ 7 -10 ngàn đồng/kg.

Nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 10-20 trệu đồng/năm từ cây chè. Có thể nói cây chè đã thực sự làm thay đổi đời sống của người dân nơi đây.
 

Ông Triệu Tả Vảng,80 tuổi ở thôn Trung Thành, xã Hồ Thầu kể rằng: “Khi người Pháp sang xâm lược, họ đã lên đây dùng chè này và khen rất ngon. Nhiều cây chè cao quá không leo lên hái được, tôi phải đốn cho thấp mới hái được đó. Nhưng mà tôi không biết cây chè này bao nhiêu tuổi đâu. Mấy đời nhà tôi đã sống cùng với cây chè rồi…”

Mặc dù cây chè cổ thụ đã có từ hàng trăm năm nhưng  nó chỉ mới thực sự được người ta biết đến từ những thập niên cuối của thế kỳ trước. Khi có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều du khách trong và ngoài nước lặn lội lên vùng cao heo hút này để nghiên cứu, tìm hiểu, phát hiện ra loại chè quý và mang về xuôi bán.

Thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang chính thức ra mắt thị trường từ những năm 1990, ngay lập tức được người tiêu dùng đón nhận và được công nhận là sản phẩm chè sạch, chất lượng cao.

Cây chè Shan tuyết cổ thụ theo quan niệm của người dân nơi đây, nó là tinh hoa của trời đất, tích tụ từ những giọt sương mai để hình thành nên hương vị đặc biệt thơm ngon nên người dân chỉ thu hái chứ không tác động và chăm sóc.

Tuy nhiên có những thời điểm, nhiều cây chè cổ thụ đã bị đốn ngã để xẻ làm ván, một số người đào bán về miền xuôi trồng làm cảnh và có nhiều đối tượng còn tìm cách phá hoại. Nhưng vượt lên tất cả về không gian, thời gian, và ý thức bảo vệ cây chè quý, rừng chè cổ thụ đã được cộng đồng dân tộc thiểu số gìn giữ cho đến ngày hôm nay.

Dịp này, “phượt” về vùng núi cao Hà Giang, được thỏa sức ngắm cảnh những thửa ruộng bậc thang lúa đang chín vàng ruộm, nghẹt thở với những khúc của tay áo và cảm giác bồng bềnh khi mây vướng vít ngang chân.

Tôi chợt nghĩ, tại sao những vườn chè Shan tuyết cổ thụ kia không thể trở thành những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách về chiêm ngưỡng sức sống và sự kỳ vĩ của nó?

Cùng với ruộng bậc thang, làng văn hóa du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc,  chè cổ thụ sẽ trở thành một điểm nhấn hấp dẫn của ngành du lịch nơi vùng cao này.

Biện Luân