Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh, anh Nguyễn Xuân Khánh (SN 1980) thi đậu trường Đại học Giao thông Vận tải, khăn gói về Hà Nội theo đuổi giấc mơ của mình.

Bố mẹ anh là công nhân mỏ than, sinh được 2 người con. Khi đó, anh hoàn toàn khỏe mạnh, thường xuyên tham gia các hoạt động bóng đá của trường.

Ai ngờ, bước sang năm thứ 2 đại học, cú sốc lớn xảy đến khiến cuộc đời anh rẽ theo một con đường khác, đầy ai oán.

{keywords}
Anh Nguyễn Xuân Khánh.

'Bản án' nghiệt ngã ở tuổi 20

Một ngày như bao ngày khác, anh Khánh đi đá bóng về bỗng thấy cơn đau tức ngực. Anh cho rằng do va chạm khi tranh bóng ban chiều gây nên, nghỉ ngơi sẽ đỡ.

Nhiều ngày sau, cơn đau không thuyên giảm mà càng lúc càng nặng. Anh vào Bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Bác sĩ không phát hiện dấu hiệu gì nguy hiểm, chỉ chẩn đoán anh vận động mạnh nên đau cơ nhưng chưa đầy 1 tháng anh bị liệt hoàn toàn, cả ngày nằm bất động, chân không còn cảm giác.

Bố mẹ biết tin, tất tả từ quê lên, vội đưa con trai quay lại bệnh viện kiểm tra, lần này anh được viết giấy giới thiệu sang Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô chụp cộng hưởng từ. Nhận kết quả, bố mẹ rụng rời khi phim chụp cho thấy trên cột sống của anh có khối u đang mọc rễ.

{keywords}
Nhìn nam MC chững chạc, khỏe mạnh trên sân khấu ít ai biết anh từng gắn bó với chiếc xe lăn.

Qua các xét nghiệm, bệnh viện chẩn đoán khối u thuộc dạng ác tính, cần mổ gấp. Bố mẹ giấu anh tình trạng bệnh, ra ngoài hành lang, ôm nhau sụt sùi khóc. Năm đó là năm 1999, khi anh Khánh vừa tròn 20 tuổi.

‘Thời điểm tôi phát bệnh, cả miền Bắc chỉ có 1 máy cộng hưởng từ, công nghệ chưa hiện đại như bây giờ, việc điều trị cũng khó khăn hơn. Tuy vậy, gia đình quyết định cho tôi làm phẫu thuật, hi vọng ‘còn nước, còn tát'.

Tôi hoàn toàn không hay biết về căn bệnh mình mắc phải, vẫn lạc quan tin rằng mổ xong, một tháng sau ổn định sẽ tiếp tục quay lại trường ôn tập, thi học kỳ’, giọng xúc động anh kể.

Trải qua cuộc đại phẫu ‘thập tử, nhất sinh’, anh Khánh tỉnh lại trong vòng tay gia đình nhưng đôi chân vẫn không có cảm giác. Lúc này, bố mẹ mới tiết lộ sự thật.

Bác sĩ nói ca mổ thành công tốt đẹp nhưng đáng tiếc, khối u làm tổn thương cột sống, anh sẽ không còn khả năng vận động. Nghe hung tin, bầu trời trước mắt anh như sụp xuống.

Cả gia đình xúm vào giúp đỡ, động viên anh vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Bố mẹ anh quyết không từ bỏ dù chỉ còn một tia hi vọng. 

Anh được chuyển khắp các bệnh viện, bố mẹ thay phiên nhau nghỉ phép, chăm sóc con trai. Sau 2 năm điều trị tích cực, các bác sĩ lắc đầu khuyên anh chấp nhận số phận, ngồi xe lăn.

Cú lội ngược dòng

Đôi chân anh teo tóp, co quắp lại. Bố phải dùng những thanh gỗ cỡ lớn, nẹp chân anh vào cho khỏi cong. Lớp gân co rút, vùng da chân tự nứt toác, máu tứa ra. Phía sau lưng anh xuất hiện vết hoại tử vì nằm lâu ngày. Đôi mắt mẹ trũng sâu, tóc bố thêm nhiều sợi bạc.

Kinh tế gia đình cũng rơi vào kiệt quệ. Từ căn nhà rộng rãi, bố mẹ anh bán đi, mua ngôi nhà chật hẹp, cốt sao có tiền chữa bệnh cho con trai.

Cậy nhờ Tây y chưa mang lại kết quả mong muốn, về quê, bố mẹ tiếp tục đưa anh đi bó thuốc lá.

{keywords}
Anh Khánh tại lễ bế giảng lớp tiếng Anh dành cho người khuyết tật.

‘Người ta thường nói ‘có bệnh thì vái tứ phương’, gia đình tôi nghe ai mách thuốc nào tốt, phương pháp nào hay, đều áp dụng hết. Cách vài ngày, lại đưa tôi đi ngâm suối khoáng kết hợp tập vật lý trị liệu.

Dần dần, chân tôi bắt đầu có cảm giác trở lại, bố dắt tôi tập đi, từng bước, từng bước như đứa trẻ con. Cứ thế, đến một ngày, tôi có thể dùng nạng di chuyển. Giây phút đó cả nhà tôi nhìn nhau bật khóc’, đưa tay lau giọt nước mắt, anh Khánh nói tiếp.

Để hỗ trợ bố mẹ, kiếm thêm tiền trang trải cho bản thân, anh Khánh vay mượn, mở quán kinh doanh internet gần nhà.

Thu nhập không cao nhưng bù lại anh có thời gian học thêm một số lĩnh vực mình yêu thích và ôn thi lại đại học.

7 năm sau ngày nhận bản án nghiệt ngã mà số phận mang đến, anh tiếp tục thi đỗ vào Đại học Bưu chính Viễn thông. 

Anh tiếp tục hành trình 4 năm học trên giảng đường. Hàng ngày, cô em gái đang là sinh viên Luật nhận nhiệm vụ đưa đón anh đi học. Mặc dù vẫn phải dùng nạng nhưng sức khỏe và việc đi lại của anh cũng khá hơn trước.

Anh tìm đến các hội, nhóm khuyết tật, chia sẻ cùng họ câu chuyện vui buồn của mình. Từ đây, anh bắt đầu hành trình giúp đỡ, động viên những mảnh đời bất hạnh khác.

Tối anh dạy tại các lớp học tình thương, lớp xóa mùa chữ cho trẻ em lang thang, mang niềm tin, nghị lực của mình lan tỏa cho người cùng cảnh ngộ. Sau đó, anh tập đi không dùng đến nạng và sử dụng xe máy như bao người bình thường khác.

Hiện anh phụ trách Ban Thanh niên của Hội Người khuyết tật TP.Hà Nội và mở một công ty riêng chuyên kinh doanh thiết bị công nghiệp cùng bạn bè.

Bố mẹ anh đã nghỉ hưu, chuyển về Hà Nội sống cùng các con. Trong các hoạt động thiện nguyện không ngừng nghỉ, anh bộc bạch, luôn có bố mẹ và em gái song hành.

{keywords}
Anh Khánh (áo trắng) đi từ thiện trên vùng cao cùng các tổ chức.

Mỗi sự kiện quy mô nhỏ dành cho người khuyết tật, anh vừa lên kế hoạch tổ chức, đạo diễn kịch bản và kiêm luôn vai trò MC.

‘Đây là cú lội ngược dòng, đối mặt với số phận nghiệt ngã của tôi. Nếu tôi và bố mẹ buông tay, có lẽ không có được ngày hôm nay’, anh Khánh tâm sự.

Cũng trong hoạt động thiện nguyện, anh tìm được một nửa của mình. Những lần đi dạy, anh quen biết Đăng Thùy Ninh (SN 1993) - cô sinh viên khoa Văn trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn.

{keywords}
Vợ chồng Xuân Khánh - Thùy Ninh trong ngày cưới.

Cô gái gốc Hà Nội, sống nội tâm, có tấm lòng nhân hậu, biết quan tâm, chia sẻ với các hoàn cảnh đáng thương đã làm trái tim anh xao động. Tình yêu nhanh chóng nảy nở giữa hai người. Sau 1 năm tìm hiểu, họ về chung một nhà trong niềm hạnh phúc vô bờ.

Vì sức khỏe anh chưa cho phép, đến nay vợ chồng anh vẫn chưa sinh em bé. Anh chia sẻ, sẽ nhờ đến y học can thiệp để sinh con, cho hạnh phúc thêm trọn vẹn.

Bên cạnh bố mẹ, em gái, giờ đây, anh Khánh có thêm vợ sát cánh, cùng thực hiện các dự án cho người khuyết tật, san sẻ yêu thương đến cuộc đời.

'Giáo dục là dạy làm người, không phải mua bán’

'Giáo dục là dạy làm người, không phải mua bán’

25 năm nay, lớp học tình thương của bà giáo Đỗ Thị Thoa (SN 1943, phường Lê Lợi, TX Sơn Tây, Hà Nội) vẫn đều đều vang lên tiếng ê a, ngọng ngịu của lũ trẻ.

Diệu Bình