Ba kĩ đến độ hễ đưa ai xem, ông cũng lóng ngóng đứng gần đó canh để cất ngay vào hộp. Sợ người khác làm hỏng. Mọi người và cả tôi đều nghĩ đó là đồng hồ được mạ vàng nên ông quý như vậy.

Cũng nói thêm rằng thời ấy, cả xóm chỉ vài người có đồng hồ đeo tay. Thế nên mới có câu: “Một yêu anh có Seiko, hai yêu anh có Peugeot cá vàng”.

Rồi ba đi xa. Chiếc đồng hồ ở lại. Thấy đồng hồ bị xỉn màu đôi chỗ, mang ra tiệm tôi nói với ông chủ: Tôi có cái đồng hồ mạ vàng, nhờ xi lại cho mới.

Cầm chiếc đồng hồ, ngó nghiêng, ông chủ tiệm nói chắc nịch: Đồng hồ này không phải mạ vàng.

Tôi mang thắc mắc về hỏi mẹ. Mẹ bảo: Đúng rồi. Đồng hồ ấy không phải được xi vàng nhưng ông ấy quý hơn vàng. Đó là quà mẹ tặng.

Tôi hiểu vì sao bà đều rưng rưng mỗi khi nhắc đến ông.

{keywords}
 

Cách ba dạy con

Chiếc ô tô bóng loáng đỗ xịch trước cổng. Mấy đứa nhỏ đen nhẻm, trạc mươi mười lăm tuổi trong nhà lấm lét nhìn ra.

Ông bố cùng mấy người bạn lỉnh kỉnh mang mì tôm và một số nhu yếu phẩm vào nhà. Chẳng là hôm nay gần Tết, ông đi làm từ thiện.

Thằng nhỏ năm tuổi không vào nhà với bố, chỉ đứng ngoài sân cầm cái ipad chơi game. Bọn trẻ trong nhà tò mò, lạ lẫm, vây quanh cùng xem. Xong việc, ông bố tạm biệt chủ nhà, không quên dúi vào tay sắp nhỏ mấy viên kẹo.

Thằng bé lẽo đẽo theo bố lên xe. Mấy đứa nhỏ chạy theo như cố níu kéo điều gì. Ông bố khép hờ cánh cửa. Chiếc ô tô từ từ lăn bánh. Thằng bé thắc mắc:

- Sao bố không đóng chặt cửa?

Đi một đoạn ngắn, ông bố đưa tay đóng cửa “sầm” một cái thật chắc. Quay sang, ông nói với con: Bố sợ âm thanh đóng cửa chạm vào tim mấy đứa trẻ.

Có lẽ thằng bé không hiểu gì nhưng làm từ thiện mà. Mình hiểu là đủ. Ông bố nghĩ thầm.

Nửa tô phở

Thời bao cấp, đói ăn. Ngoài dịp Tết nhất, lễ lạt ra, họa hoằn lắm trẻ con mới được cái bánh, cái kẹo. Phở càng là món ăn xa xỉ.

Hồi đó, ba bệnh, bà nội lo lắng, ra chợ mua cho ba tô phở để bồi bổ. Thấy nó nhìn ba ăn bằng đôi mắt hau háu, bà chị hiểu ý nó, kéo nó ra chỗ khác:

- Ra ngoài chơi, để ba ăn! Chị bảo.

Nó lủi thủi ra ngoài. Lúc sau, ba gọi nó vào trong nhà đưa nửa tô phở còn lại và nói:

- Ăn đi! Ba no rồi.

Chỉ chờ có thế, nó bưng tô phở ăn ngấu nghiến. Lớn lên, nó mới biết, ngày xưa, không phải một mình chị hiểu ý nó.

Bây giờ, dù nhiều nơi có bán phở rất ngon nhưng nó không thấy nơi nào bán phở có hương vị đậm đà như nửa tô phở ngày xưa.

Về quê

Năm nó lên bốn, cả gia đình dắt díu đi làm ăn xa. Phần thì nghèo khó, phần thì phương tiện đi lại khó khăn nên bảy năm sau mẹ mới dắt nó về quê.

Xe đông người, đường sá lổm chổm cộng thêm hơi nóng từ bình than tỏa ra nên ai cũng mướt mồ hôi. Thế nhưng mẹ vẫn cố ôm nó vào lòng để khỏi trả thêm tiền ghế.

Nhìn dáng mẹ xác xơ, tay xách chiếc giỏ cũ kĩ, dẫn đứa cháu lúp xúp theo sau, ngoại nó nước mắt lưng tròng.

-Thôi, thu xếp về đây, rau cháo có nhau con à! Ngoại bảo.

Chưa kịp thu xếp, hai năm sau ngoại mất. Cuộc sống khó khăn, mẹ nó cũng không còn cơ hội về quê.

Hôm nay, đưa mẹ về quê. Mẹ ngồi trong lòng nó, ở lọ sành.

Đường nhựa, xe máy lạnh chạy êm ru mà nó đau cả ruột gan. Đường dài hun hút hơn xưa.

Bận

Hồi học tiểu học, đều đặn mỗi ngày, bố đều cọc cạch đạp xe đưa đón chị nó từ nhà đến trường và ngược lại. Chị lên cấp hai, tự đi học được. Bố lại đưa đón nó đi học. Có người bảo: “Sao vất vả vậy?”. Bố chỉ cười hiền: “Ở nhà cũng cũng rỗi việc”.

Học hành đỗ đạt, chị em nó đều có việc làm ổn định. Hôm trước, nghe tin bố bệnh, nó gọi taxi đến tận nhà để đưa bố đi bệnh viện vì cả nó và chị đều bận tíu tít việc ở công ty.

Ngày đưa bố nó ra đồng, dọn dẹp nhà cửa, nhìn chiếc xe đạp xẹp lốp dựng ở góc nhà, nó chợt cảm thấy cay cay nơi sống mũi.

Quê

Mẹ ở quê lên thành phố thăm con trai, xách lỉnh kỉnh nào gà thả vườn, rau, trái cây, toàn là những thứ của nhà "trồng" được.

Sẵn có quà quê, nó mời bạn bè đến chung vui. Trong bữa tiệc, nó hào hứng khoe đây là đặc sản quê, mới mua được.         

Mấy đứa bạn gặp mẹ nó hỏi thăm:

- Bác đến lâu chưa?

Bà trả lời:

- Mới tới cái rột cháu à.

Nào giờ nó giấu nhẹm xuất xứ của nó là "made in nông thôn" nên nghe vậy nó ngại với bạn. Nó kéo bà đến góc nhà nói nhỏ:

- Mẹ đừng dùng từ địa phương. Nghe quê lắm.

Mẹ nó lủi thủi ra sau bếp chơi với mấy đứa cháu.

Hồi đó, mang thai nó, mẹ nó làm lụng đến nỗi khi sinh không kịp đến bệnh viện, sinh ngay trên đường đi làm đồng về. Mọi người đến thăm, hỏi sinh lâu chưa? Mẹ nó nói:

- Mới đẻ cái rột.

Nghĩ đến đó, mắt bà đỏ hoe.

Nguyễn Việt Phong

Mời độc giả gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng!

 

Bố tôi trai làng chính hiệu, mê quyền anh, chơi thể thao như diễn xiếc

Bố tôi trai làng chính hiệu, mê quyền anh, chơi thể thao như diễn xiếc

Có một lần, thanh niên tụ tập ở nhà tôi rất đông. Bố tôi đề xuất chơi trò thể thao, ông muốn kiểm tra sức khoẻ đám trai làng. Rốt cuộc, hơn chục chàng trai lần lượt vào thử đều phải chấp nhận thua cuộc.