Sáng đó, con trai bé 4 tuổi của chúng tôi vào cơn ăn vạ. Là một người mẹ, tôi hiểu rằng bọn trẻ dưới 5 tuổi thường có những cơn cáu giận mất kiểm soát như vậy, chỉ là chút bùng nổ cảm xúc mà chúng chưa thể khống chế được, cần có định hướng điều chỉnh dần và biện pháp kiềm chế phù hợp của cha mẹ thì mọi việc rồi đâu sẽ vào đấy. 

Thông thường, tôi chọn cách phớt lờ nếu việc ăn vạ của con vô lý, chuyện trò với con sau đó để trấn an, phân tích cho con. Quan trọng nhất vẫn là cho con thời gian để tự thu xếp lại mọi cảm xúc của bé. Chúng tôi có một đứa con trai dễ xúc động, nhưng tôi luôn thấy rằng như vậy không sao cả, con vẫn là một đứa trẻ, và trẻ con hay bất kỳ ai đều có quyền bộc lộ cảm xúc của mình.

Nhưng chồng tôi không nghĩ vậy. Anh nhiều lần nói với tôi rằng tại sao chúng tôi lại có một đứa con trai “mít ướt” đến thế, động chuyện gì một chút là khóc. Anh lo sợ nó sau này lớn lên sẽ “như đàn bà”, lo rằng nó không đủ mạnh mẽ để cáng đáng mọi việc lớn lao mà một người đàn ông phải gánh vác.

Và buổi sáng hôm đó đúng là dịp để anh thể hiện sự mất kiên nhẫn của mình, “chính kiến” của mình, khi anh quát con: “Nín ngay! Đừng khóc như bọn con gái thế!”.

Tôi nói với anh, làm ơn, đừng nhắc đến “bọn con gái” với hàm ý tiêu cực như vậy, bởi thế là phân biệt, kỳ thị giới tính. Tôi cảm thấy bị động chạm khi anh dạy con như vậy và tôi không mong muốn tiếp tục nghe điều đó sau này. Còn anh thì bảo tôi “nói thế có làm sao, bọn con gái rõ ràng là khóc nhiều hơn con trai còn gì nữa!”.

Tôi bảo anh, một đứa trẻ 4 tuổi, dù trai hay gái gì cũng khóc nhiều và khóc to như nhau cả thôi. Song anh bảo bọn con trai thì không nên như thế. Tôi nhắc lại với anh, như vậy là phân biệt, kỳ thị giới tính.

Câu chuyện nhỏ trở thành tranh cãi lớn, chúng tôi không nói chuyện với nhau cả ngày, chồng tôi cho rằng vợ thô lỗ và quy chụp khi bảo anh ấy kỳ thị giới. Anh ấy thực sự không hiểu những gì tôi nói hay cố tình không hiểu?

Trong quãng đời của mình tôi đã nhìn thấy những định kiến tiêu cực, cái nhìn lệch lạc về trẻ em gái và phụ nữ, cũng như sự cổ vũ độc hại cho nam quyền. Tư duy đó chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho nhân loại ngoài khổ đau. Phụ nữ bị coi thường, chà đạp, trong khi đàn ông có sướng không khi bị khoác lên mình chiếc áo nam quyền với đủ “trọng trách” gánh vác trên vai, đến khóc còn không được khóc, đến bộc lộ chút cảm xúc rất con người là yếu đuối cũng phải nhìn trước ngó sau?

Chồng tôi có thể không nhìn ra được rằng anh ấy sai. Tôi chắc chắn anh ấy không tin mình như vậy là kỳ thị, phân biệt giới tính, nhưng ẩn sâu trong suy nghĩ của anh ấy vẫn là những quan điểm cổ hủ, không còn phù hợp về hành vi của nam và nữ giới.

Những người như chồng tôi góp phần xã hội hóa sự phân vai lệch lạc mà họ cho là đúng giữa đàn ông - phụ nữ. Họ trở thành người đàn ông chẳng hiểu gì về bản thân, về cảm xúc của mình, và rồi lại dùng suy nghĩ sai để “đầu độc” những người xung quanh họ.

Nếu bạn dạy con của bạn, cháu của bạn, hay bất cứ đứa trẻ trai nào rằng “không được khóc như con gái”, hay phải “cư xử như một người đàn ông”, thì làm ơn đừng “dạy” nữa. Hiểu biết của bạn về sự phát triển của trẻ em quá nghèo nàn. Một đứa trẻ trai cũng có những cảm xúc như một đứa trẻ gái, với cùng cường độ như nhau.

Lời “dạy” của bạn sẽ góp phần hình thành trong suy nghĩ của bé trai sự kỳ thị, coi thường con gái, coi thường phụ nữ và đặt lên vai nó gánh nặng che giấu cảm xúc yếu đuối. Nó sẽ “học” được từ bài học của bạn rằng cảm xúc duy nhất được thể hiện ra ngoài là tức giận, vì tức giận mới là “nam tính”, tức giận mới không làm mình thấy xấu hổ, bẽ mặt.

Tôi không muốn con trai mình lớn lên thành một người đàn ông như vậy. Bởi tôi phủ nhận định nghĩa “nam tính” là gồng mình che giấu cảm xúc yếu đuối của bản thân và coi thường phụ nữ.

Cho dù đứa con trai 4 tuổi hiện giờ hay khóc lóc của tôi sau này có trở thành người như thế nào - một chàng trai ấm áp biết tôn trọng phụ nữ hay nam thanh niên với phần “nữ” nhiều hơn trong con người nó đi chăng nữa, thì tôi thấy cũng chẳng sao, quan trọng là con luôn được sống vui vẻ, sống thật với những cảm xúc của mình.

Những khoảnh khắc về tình mẫu tử trên khắp thế giới khiến bạn 'tan chảy'

Những khoảnh khắc về tình mẫu tử trên khắp thế giới khiến bạn 'tan chảy'

Dự án thú vị của nữ nhiếp ảnh gia Mihaela Noroc người Romamia ghi lại những khoảnh khắc ngọt ngào của tình mẫu tử trên khắp thế giới.

Theo Dân trí