Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Theo quy định tại Điều 24 (Luật Nuôi con nuôi), kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cụ thể, tại Điều 70 (Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014), con nuôi được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. 

Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập…Khi sống cùng với cha mẹ, con nuôi có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình. Con nuôi được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình,…..

Tại Điều 15 (Luật Nuôi con nuôi) thì việc chấm dứt việc nuôi con nuôi chỉ trong các trường hợp: Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi; Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; Ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi; Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi; Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm của Luật này.

Như vậy, theo quy định trên thì dù cha mẹ nuôi mất nhưng quan hệ con nuôi không đồng thời chấm dứt. Do đó, về việc thừa kế tài sản thì con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi đều được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651, Điều 652, Điều 653 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Phi Nhung qua đời, việc chăm sóc, nuôi dưỡng 23 người con nuôi sẽ ra sao? - Ảnh 2.

Ca sĩ Phi Nhung qua đời là cú sốc lớn đối với những người con nuôi. Ảnh:TL

Về trách nhiệm quản lý đối với trẻ em trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi đối với trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng thì người giám hộ, cha mẹ đẻ, người thân thích có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em và thông báo, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong thời hạn 60 ngày để tìm người nhận trẻ em làm con nuôi; nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết. Hết thời hạn thông báo, niêm yết, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.

Trường hợp có Việt kiều, người nước ngoài muốn nhận những đứa trẻ này làm con nuôi, thì theo quy định tại Điều 14, Điều 29 Luật Nuôi con nuôi phải đáp ứng các điều kiện bao gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt.

Những người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; Đang chấp hành hình phạt tù sẽ không được nhận nuôi con nuôi.

Ngoài các điều kiện nêu trên thì người đó còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó. Người đồng ý cho làm con nuôi phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

Về thẩm quyền quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài, theo quy định tại Điều 9 và Điều 37 Luật Nuôi con nuôi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Ngay sau khi có quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp thông báo cho người nhận con nuôi đến Việt Nam để nhận con nuôi. Người nhận con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Tư pháp. 

Sở Tư pháp đăng ký việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch và tổ chức lễ giao nhận con nuôi tại trụ sở Sở Tư pháp, với sự có mặt của đại diện Sở Tư pháp, trẻ em được nhận làm con nuôi, cha mẹ nuôi, đại diện cơ sở nuôi dưỡng đối với trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ cơ sở nuôi dưỡng hoặc cha mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ em đối với trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ gia đình.

Theo Gia đình & Xã hội

Tôi muốn nhận trẻ mồ côi vì Covid làm con nuôi, thủ tục như thế nào

Tôi muốn nhận trẻ mồ côi vì Covid làm con nuôi, thủ tục như thế nào

Hồ sơ đăng ký nhận con nuôi sẽ được giải quyết trong vòng 30 ngày do UBND cấp xã/phường xử lý.