Tái thiết thiết chế cộng đồng

PGS.TS, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life) Nguyễn Đức Lộc nhận định, đợt dịch bùng phát lần thứ tư này đã lộ ra những điểm yếu của đời sống xã hội khi đối mặt với những tình huống rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.

Ông cho biết, kết quả khảo sát ý kiến người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội của Viện nghiên cứu Đời sống xã hội cho thấy, người dân có những sang chấn tâm lý trầm trọng. Điều này xảy ra bởi người dân gặp khó khăn trong việc kết nối thông tin, thiếu hụt các nhu yếu phẩm, áp lực tâm tâm lý… vì Covid-19.

Trong tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ông cho rằng cần phải phát huy tối đa tinh thần dân tộc, người dân cần đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong việc chống dịch. Để thực hiện được việc này, theo ông cần phải tái thiết thiết chế cộng đồng, hình thành các cộng đồng vi mô (cồng đồng nhỏ - PV).

{keywords}
PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội.

PGS.TS. Đức Lộc nói: “Bây giờ phải tái thiết thiết chế cộng đồng vi mô, nghĩa là một khu phố, làng xã… là một cộng đồng vi mô. Đây là cách liên hiệp các tế bào theo cơ chế tự quản vừa có tính đơn bào vừa có tính liên kết hệ thống”.

Ông cho rằng, phát huy được điều này đảm bảo cho người dân quyền được sử dụng năng lực của mình tham gia vào các hoạt động xã hội hiệu quả. Bởi, các cộng đồng sẽ có người phụ trách, kết nối các hộ dân với nhau.

Tại đây cũng có bộ phận thông tin nội bộ truyền đi những thông tin chính thức, có giá trị, kịp thời để các hộ dân nắm được tình hình thực tế ở khu phố, làng xã mình từ đó có những động thái phù hợp”.

“Người dân ở cộng đồng vi mô cũng chia việc ra làm để biết mình có gì, có thể làm gì, cần được hỗ trợ những gì. Cần tách bạch rõ ràng việc nào là việc của chính quyền cấp tỉnh, thành phố, của xã, phường việc nào là việc của dân”, ông nói thêm.

Theo ông, việc hình thành các thiết chế cộng đồng này không hề khó khăn bởi người Việt vốn có hệ thống thiết chế cộng đồng khá vững chắc, đủ năng lực tồn tại trong những thời khắc khó khăn nhất như: chiến tranh, nạn đói và cả những thiên tai triền miên…

Chính trạng thái kết hợp những tế bào nhỏ, làng xã nhỏ đó tạo nên tính thống nhất và sức gắn kết của nhân dân Việt Nam. Thiết chế cộng đồng này dù bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa nhưng vẫn ẩn lấp trong đời sống người dân.

“Tận dụng vai trò của khu phố rất quan trọng. Lực lượng của thành phố khó lo nổi cho toàn dân, nhưng một khu phố lo cho 100-200 hộ trong một cụm dân cư là hoàn toàn khả thi. Đương nhiên các cơ quan chức năng cũng cần giám sát, hỗ trợ để khi phát hiện cộng đồng nào đang bị yếu, không đủ nguồn lực, năng lực thì chính quyền huy động nguồn lực để hỗ trợ”, ông nói.

PGS.TS Đức Lộc nhận định, việc thiết lập lại và kích hoạt các thiết chế cộng đồng nhỏ sẽ phát huy tối đa quá trình tự quản, tự chăm lo cho nhau giữa các hộ gia đình trong mỗi cộng đồng, giữa các cộng đồng nhỏ với nhau. Bởi, chỉ có những người, gia đình cùng trong một khu phố, làng xã mới biết được họ đang có gì, cần gì và có thể làm được gì.

Giảm gánh nặng cho tuyến đầu

Ông phân tích: “Mỗi cộng đồng nhỏ có năng lực khác nhau và họ hiểu được những nguồn lực họ đang có để kích hoạt các hoạt động, biện pháp bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của cộng đồng mình. Khi dịch bệnh đến, cơ chế phòng thủ của cộng đồng được kích hoạt, thông tin nội bộ vận hành thông suốt”.

{keywords}
Sơ đồ vận hành phân khu chức năng với thiết chế cộng đồng nhỏ là hạt nhân. 

“Vai trò của người lớn tuổi, uy tín được đề cao. Họ bàn bạc thống nhất với nhau nhanh chóng trong cách thức tổ chức cộng đồng. Sự tương trợ, tương thân, tương ái trong cộng đồng nhỏ đó được phát huy, không ai trong khu xóm bị bỏ rơi”, ông nói thêm.

Một trong những điểm lợi khác của việc kích hoạt, thiết lập lại thiết chế cộng đồng nhỏ là sẽ giảm được gánh nặng cho tuyến đầu chống dịch. Ông phân tích, thực tế hiện nay cho thấy, việc phòng, chống dịch đều đến từ các cơ quan quản lý.

Điều này khiến người dân trở thành đối tượng thụ hưởng, thụ động trong các chính sách chống dịch của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu phát huy được sự gắn kết trong cư dân bằng cách thiết lập các thiết chế cộng đồng nhỏ sẽ kích hoạt được sự tự chủ, tự bảo vệ của người dân.

PGS.TS Đức Lộc nêu ví dụ: “Các cộng đồng vi mô được ví như các an toàn khu thời chiến tranh. Ở các khu phố có những cộng đồng có tổ chức tốt sẽ có các cách thức vận hành tự quản tốt”.

“Trong thời điểm này, sự gắn kết trong cư dân rất quan trọng, có thể hạn chế dịch vì khi người dân coi đó là sự sống còn của cộng đồng mình thì họ sẽ có những sáng kiến chống dịch từ chính cộng đồng đó”, ông nói.

Cũng theo ông, lúc này, xã hội sẽ không vận hành theo cách chỉ có một vài bộ phận đóng vai trò “tuyến đầu” làm nhiệm vụ “che chở cho toàn dân” còn những người khác là đơn vị, cá nhân thụ hưởng nữa. Thế nên, gánh nặng sẽ không đổ dồn cho riêng ai.

“Ở đây không có nghĩa là dồn gánh nặng cho dân mà là kêu gọi người dân cùng tham gia với quan điểm hiệp lực. Mỗi người tham gia với đúng chức năng của mình thì sẽ giảm tải được cho những người gồng gánh việc chống dịch”, ông nên quan điểm.

Ông cũng cho rằng, để kích hoạt và đảm bảo các thiết chế cộng đồng vi mô thành công, hoạt động có hiệu quả, cơ quan cấp quản lý cần kêu gọi người dân tham gia với tư cách cộng đồng chủ chứ không phải là cộng đồng khách, cộng đồng thụ hưởng.

Trong các cộng đồng nhỏ, người dân phải là cộng đồng tự chủ, tự bảo quản, tự phát triển mô hình của mình. Khi đó, các cơ quan chức năng sẽ đóng vai trò cung cấp nguồn lực, tạo các cơ chế thuận lợi để cộng đồng đó thực hiện các công tác chống dịch.

Điều này cũng giúp xã hội tận dụng, mở rộng nguồn nhân lực chống dịch. Bởi, theo cách này, cơ quan quản lý sẽ tránh được trường hợp những người đầy đủ khả năng, trí tuệ nhưng vẫn ngồi bó chân ở nhà.

Các cộng đồng nhỏ khi được hình thành và quản lý tốt sẽ là giải pháp căn cơ trong việc giải quyết vấn đề an sinh cho người dân. Ông nói: “Ở thời điểm hiện tại, vấn đề an sinh đặc biệt cần được quan tâm”.

“Nhà nước cần đảm bảo cho người dân mức sống ở ngưỡng sinh tồn, tạo cho họ cảm giác an toàn. Để làm được điều này, thiết chế liên hiệp cộng đồng vi mô sẽ là giải pháp căn cơ. Bởi, khi đó, các gia đình trong cộng đồng vi mô có thuận lợi hơn sẽ hỗ trợ những hộ khác yếu thế hơn”, ông phân tích thêm.

Bài: Nguyễn Sơn

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đồng lòng chống dịch bắt đầu từ mỗi gia đình

Đồng lòng chống dịch bắt đầu từ mỗi gia đình

Thay vì lo lắng, hoảng sợ mỗi chúng ta hãy bắt đầu thực hiện từ những việc nhỏ nhưng cần thiết để đối diện và cùng nhau vượt qua dịch bệnh.