Hà Nghị Đức (biệt danh Độ Độ) sinh năm 2008, tại Nam Kinh, Giang Tô, Trung Quốc. Cách đây 8 năm, Độ Độ nổi tiếng khắp thế giới, trở thành hiện tượng tại New York, Mỹ nhờ bức ảnh cởi trần, chạy bộ giữa trời tuyết trong cái lạnh -13 độ C.
Theo Sohu, đây là cách giáo dục đầy khắc nghiệt của ông Hà Lý Sinh - cha cậu bé. Ông Hà là giám đốc một công ty dệt may tư nhân.
Với suy nghĩ sự nghiệp thành công đến đâu cũng không bằng chăm lo con cái, người đàn ông này đã từ bỏ công việc để dành hết tâm sức cho sự nghiệp giáo dục con. Từ khi con trai còn nhỏ, người cha này đã áp dụng cách nuôi dạy "đại bàng" - bắt con phải tự lập, học bản lĩnh mạnh mẽ.
Năm 4 tuổi, Độ Độ phải chạy bộ trong thời tiết lạnh -13 độ C. |
5 tuổi, Độ Độ được cha dạy học lái máy bay cỡ nhỏ. Khi đó, cậu có thể một mình bay qua công viên động vật hoang dã ở Bắc Kinh. 6 tuổi, ông Hà bắt con đi bộ 1.800 km qua sa mạc và dạy con tự chèo thuyền ra biển lớn.
Không chỉ vậy, cậu bé còn viết thư cho hơn 50 nguyên thủ quốc gia và 45 người trong số đó đã phản hồi.
Từ những bài tập khắc nghiệt của cha, dù còn nhỏ, Độ Độ đã giành được nhiều kỷ lục như phi công trẻ nhất thế giới, thủy thủ trẻ nhất thế giới...
Khi mới 5 tuổi, cậu bé cũng đoạt giải quán quân cuộc thi Chương trình bàn tính và số học IQ Trung Quốc. Thời điểm đó, Độ Độ được mọi người gọi với biệt danh thiên tài.
Để đạt được mục tiêu, ông Hà đã xây dựng một kế hoạch giáo dục rất chi tiết cho con. Tiểu học và trung học, Độ Độ không đến trường mà học tại nhà với chương trình do chính ông biên soạn.
Vì thế, năm 8 tuổi, Độ Độ đã ghi danh theo học khoa Quản lý bán hàng của Đại học Nam Kinh, chuyên ngành quản lý nhân sự. Sau 4 năm, khi mới 12 tuổi, cậu bé đã tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, do quy định tuổi tác, cậu không được nhận tiếp vào các khóa chuyên sâu sau đại học như mong muốn trước đó của người cha.
"Cuộc sống cần những chuyến phiêu lưu. Giống như một con đại bàng, tôi đẩy con mình tới giới hạn để nó học cách bay. Tôi biết những việc tôi làm. Tôi luôn thấy các bậc cha mẹ ở Trung Quốc quá nuông chiều và làm hỏng đứa con duy nhất của họ. Chúng gần như không tiếp xúc đủ với môi trường tự nhiên nên chúng yếu và kém cạnh tranh hơn trẻ em nước ngoài", người cha này chia sẻ.
Hiện tại, Độ Độ đã lớn, ông muốn nhân rộng phương pháp "giáo dục đại bàng" ra nhiều tỉnh thành.
Năm 12 tuổi, cậu bé đã tốt nghiệp đại học. |
Muốn con là đứa trẻ bình thường
Tuy nhiên, do cách dạy dỗ quá khắc nghiệt của chồng, mẹ của Độ Độ là Hà Long một mực phản đối. Bà lo lắng nó ảnh hưởng tới sự phát triển của con trai.
Người mẹ không đồng ý khi chồng yêu cầu con trai tham gia các chương trình truyền hình, phỏng vấn trên báo đài. Hà Long sợ con bị áp lực bởi truyền thông. Bà cũng phát hiện ra, càng lớn, Độ Độ càng không bộc lộ suy nghĩ thật của mình.
Bên cạnh đó, do khác biệt trong cách giáo dục từ việc ăn uống, ngủ nghỉ, suốt nhiều năm, Hà Long và chồng không ngừng cãi vã. Hà Lý Sinh luôn mong muốn thay đổi được vợ. Ông cảm thấy kỳ vọng của vợ với các con là "quá tầm thường".
Ông Hà Lý Sinh và vợ luôn mâu thuẫn trong cách giáo dục con cái. |
Với cách giáo dục của chồng, Hà Long nhận ra con trai Độ Độ trưởng thành hơn nhiều bạn cùng trang lứa. Thế nhưng, người mẹ này vẫn hy vọng cậu bé được vui chơi như những đứa trẻ bình thường.
Cũng chính vì thế, Hà Long đã kiên quyết để con gái thứ hai Hàm Hàm được đến trường cùng bạn bè.
Hà Long kể trước đây khi con trai không nghe lời, cô đều răn: "Là trẻ con phải biết nghe lời người lớn". Năm nay, Độ Độ còn cao hơn mẹ. Cậu bé giờ lại nói: "Từ giờ mẹ phải nghe lời con, bởi con không còn là trẻ con nữa".
Theo Zing
Trào lưu 'luyện gà' ở Trung Quốc và cuộc đua biến con thành thần đồng
Nhiều gia đình ở Trung Quốc đưa con vào những lò luyện khắc nghiệt với mong muốn con học giỏi. Nhiều em được cha mẹ đặt mục tiêu biết đọc sách tiếng Anh khi lên 3 tuổi.