Tôi năm nay 55 tuổi, đã có cháu nội ngoại đùm đuề, sống ở Hà Nội. Từ nhỏ, tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố đông dân này. Khi trưởng thành, tôi bén duyên với người đàn ông ngoại tỉnh, cách Hà Nội chưa đầy 100 km.

Cuộc hôn nhân của tôi khá êm đềm. Hai vợ chồng chủ yếu sinh sống ở thành phố và chỉ về quê mỗi lần có hiếu, hỉ. Từ ngày sinh con, tôi đón mẹ chồng lên ở cùng, tiện cho việc chăm sóc bà. Khoảng 5 năm thì bà qua đời.

{keywords}
 

Thực hiện di nguyện của mẹ, chúng tôi đưa bà về quê tổ chức đám tang, an táng ở nghĩa trang xã. Tôi nhớ đó là năm 1999.

Trước đây, tôi từng đi viếng nhiều đám hiếu ở quê chồng nhưng khi tổ chức tang lễ cho mẹ chồng, tôi mới thực sự ám ảnh.

Các thủ tục, lễ nghi khá rườm rà. Sau khi phát tang, con cái, cháu chắt đeo khăn tang, thể hiện tình cảm với người quá cố bằng việc khóc lóc.

Người làng quan niệm, con cái càng khóc to, khóc nhiều, càng có hiếu. Hai cô em dâu thi nhau gào khóc từ ngoài cổng vào đến trong nhà, vật vã bên linh cữu mẹ chồng.

Tôi làm dâu trưởng, thương mẹ chồng nhưng chỉ rơm rớm nước mắt, cảm xúc tiết chế chừng mực, vì còn giữ tinh thần tỉnh táo, lo liệu, quán xuyến công việc, liền bị bà bác mặt nặng mày nhẹ.

Ám ảnh nhất là lúc đưa quan tài mẹ chồng tôi đi chôn. Theo tục ở đây, con dâu, con gái phải lăn lê, bò dưới đất, từ nhà ra cánh đồng - nơi chôn cất người xấu số, cho quan tài đi qua người.

Năm đó, tôi mới bị tai nạn, bàn chân bó bột được 20 ngày, vẫn ra sức bò, thể hiện tấm lòng hiếu thảo với mẹ chồng. Bản thân tôi thấy đây là hủ tục, có phần thái quá, không cần thiết nhưng vì ‘đất lề, quê thói’ nên tôi phải làm theo.

Bên cạnh vấn đề kể trên, tôi thấy trong các đám hiếu tại quê chồng còn nhiều điều cần phê phán.

Quê chồng tôi là vùng nông thôn, tính chất cộng đồng, làng xã thể hiện rõ rệt trong đời sống.

Gia đình nào có đám, không ai nhắc, bà con làng trên, xóm dưới kéo đến đỡ đần. Người căng rạp, người giúp khâm liệm, bày biện ban thờ, kê bàn ghế. Không thể phủ nhận, đây là điều rất trân quý, tình cảm. Tuy nhiên, trong những lần tụ tập đó, lại nảy sinh tệ nạn, phiền toái, khi cánh đàn ông mượn cớ ngồi rượu chè, cờ bạc.

Trường hợp đám tang mẹ chồng tôi, do bà còn người con út ở xa chưa về kịp nên trưa hôm sau mới đưa đi chôn. Suốt từ sáng đến đêm, người ra vào thăm viếng liên tục. Nhiều anh em, họ hàng làm ăn tỉnh khác, 10 giờ đêm tiếng kèn trống vẫn vang lên phía nhà trên.

Từ trưa đến tối, bận rộn, tôi và chồng chưa kịp ăn uống gì, người gần như mệt lả nhưng vẫn phải cố, đứng tạ lễ khách viếng.

Thời điểm này, chính quyền chưa có quy định hạn chế giờ kèn, trống đám tang theo khung giờ như hiện nay nên đội kèn trống hoạt động đến lúc nào hết khách viếng mới nghỉ. 

Tôi mệt nhoài, chợp mặt 10 phút là tỉnh giấc vì âm thanh kèn, trống dội vào tai. Ở nhà dưới, đám thanh niên ngồi túm tụm, nhậu nhẹt, ăn đêm. Theo lời họ nói, ăn để lấy sức mai khiêng quan tài.

Tôi nhắc nhở mọi người ăn xong thì giải tán, nghỉ ngơi. Nào ngờ bị chú chồng trách cứ, cho rằng tôi thái độ kẻ cả. Người ta đến giúp đỡ, không được câu cảm ơn còn xua đuổi.

Những bữa nhậu này, việc xảy ra mẫu thuẫn, cãi vã, đánh nhau không phải chuyện hiếm. Đôi khi, hai ông hàng xóm hiềm khích nhau, mượn hơi rượu để gây sự, họ sẵn sàng lao vào nhau ẩu đả.

Mặc dù, gia chủ còn đang buồn rầu nhưng các đám bạc vẫn được tổ chức rôm rả. Thanh niên, già trẻ rủ nhau chơi bài ăn tiền, thậm chí phụ nữ cũng tham gia nhiệt tình. Họ đóng cửa kín mít, đề phòng bị chính quyền kiểm tra, còn cho người ra ngoài cổng ‘trinh sát’.

Giữa cảnh tang gia bối rối, tiếng sát phạt cờ bạc, tiếng nâng chén xen lẫn trong tiếng khóc, tiếng kèn trống chẳng khác nào vở bi hài kịch.

Sau này, tôi tham dự thêm vài đám hiếu trong họ hàng nhà chồng. Cuộc sống hiện đại, nhiều thứ thay đổi, văn minh hơn. Tuy vậy, những thủ tục rườm rà, thói xấu trong các đám hiếu này vẫn tồn tại.

Với quan điểm cá nhân, tôi không phản đối việc tổ chức tang ma cho người thân chu toàn, đầy đủ. Đây là lễ nghi, tục lệ truyền thống từ bao đời nay. Tuy nhiên, cần tổ chức sao cho gọn gàng, bỏ những hủ tục không cần thiết. Như vậy, vừa tiết kiệm tiền bạc, thời gian và tránh nảy sinh tệ nạn xã hội, va chạm đáng tiếc.

Làm dâu nhà đại gia, con gái bối rối mỗi lần bố mẹ ruột lên thăm

Làm dâu nhà đại gia, con gái bối rối mỗi lần bố mẹ ruột lên thăm

 Hai mươi tám tuổi, tôi bước chân vào làm dâu gia đình giàu có, trí thức nhưng mỗi lần mẹ đẻ lên thăm tôi lại ngượng ngùng vì lối ứng xử của bà. 

Độc giả V.T