Mấy hôm nay, xem những clip về cảnh chồng đánh vợ trước mặt con nhỏ, những ký ức xưa cứ ùa về với tôi. Tôi cũng từng là đứa trẻ lớn lên trong bạo lực gia đình. 

Tôi là con gái thứ hai của bố mẹ. Những năm là học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3 tôi liên tục chứng kiến cảnh bố đấm, tát vào mặt mẹ. Có lúc, bố dùng cả chiếc xe đạp ném vào người mẹ. Mẹ gãy tay, phải đi bệnh viện cấp cứu. Thương mẹ, tôi muốn đến trước mặt bố và hét lên, 'ông là người tồi tệ'. Nhưng lúc đó, tôi không thể. Tôi chỉ biết tranh việc nấu cơm, giặt quần áo, phụ làm vườn cho mẹ đỡ khổ.

{keywords}
Ảnh: N.H.

Cô bạn thân của tôi ở nhà bên có bố mẹ rất hạnh phúc. Bố bạn ấy chẳng bao giờ đánh hay mắng chửi vợ. Nhìn gia đình bạn, tôi chỉ ước mình cũng được sống trong gia đình không có bạo lực, ước mình có thể thay mẹ đánh bố một trận cho ông chừa cái thói vũ phu. Nhưng là con, tôi không thể làm khác. Chữ hiếu, phong tục, tập quán không cho phép tôi được đánh bố. Dù gì ông cũng là bố - người đã sinh ra tôi, cho tôi được sống, được yêu thương. Tôi bị trầm cảm, sống khép kín và hận bố từ đó.

Tuổi thơ của tôi không có chuyện được bố cõng trên vai, chở đi chơi, đi học. Tôi cũng không bao giờ nhổ tóc sâu, tóc bạc cho bố. Không bao giờ nói chuyện hay thủ thỉ chuyện gì với bố. Tôi luôn lảng tránh bố.

Có hôm chỉ hai bố con ở nhà. Đến bữa cơm, tôi vờ bảo mình đang no, không muốn ăn, nhưng thật ra, tôi không muốn ngồi chung mâm với bố. Cũng vì thế mà bố đánh tôi, nói tôi là đứa con bất hiếu. Tôi đã hét vào mặt ông rằng: 'Bố đánh mẹ thì không xứng đáng là đàn ông'. Trong cơn giận, tôi đã thấy bố khóc.

Mãi đến khi học xong đại học, đi làm, tôi mới hết trầm cảm. Và hiện nay, bố không còn đánh mẹ nữa. Bố cấm chị em tôi làm mẹ buồn. Mẹ cũng đã tha thứ cho bố. Mẹ nói, bố đánh mẹ là trong lúc say rượu, nghe lời bà nội, các chú bác, một phần do mẹ đã nói hỗn.

Thật ra, bố yêu mẹ, chăm chỉ làm ăn. Bố cũng rất thương tôi. Tôi đi xa nhà, bố luôn khóc và lo lắng cho tôi. Nhưng những hình ảnh bố đánh mẹ năm xưa cứ hiện ra trước mắt tôi, làm tôi không thể tha thứ.

Suốt những năm đi học, đi làm xa nhà, những lần tôi gọi về cho bố chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lần tôi gọi cho mẹ, bố là người cầm máy nghe. Nói chuyện với bố nhưng tôi cứ hỏi mẹ đâu. Bố đã khóc và nói: 'Con đang nói chuyện với bố mà'. Tôi chỉ xin lỗi bố và tắt máy. Xong, nước mắt tôi lại rưng rưng và không hiểu vì sao mình khóc. Liệu tôi có phải là đứa con bất hiếu?

Cuộc trao đổi của 2 bên thông gia sau khi võ sư đánh vợ bị mời lên công an

Cuộc trao đổi của 2 bên thông gia sau khi võ sư đánh vợ bị mời lên công an

 Gia đình vợ võ sư Nguyễn Xuân Vinh cho biết: 'Chúng tôi bị em rể đe dọa. Cả ngày nay, tất cả thành viên trong gia đình nghỉ làm, trẻ em nghỉ học vì lo sợ'.

P.H.H (Nghệ An)