Chồng tôi vốn là lái xe ở công ty thiết bị y tế. Tôi là công nhân kĩ thuật. Khi 2 con đang học cấp 2, chúng tôi đã xây căn nhà 3 tầng khang trang nhất xóm.
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như chồng tôi không xảy ra biến cố. Anh lái xe không may đâm trọng thương một chị hàng rau, phải bồi thường số tiền lớn. Sếp lập tức chuyển anh sang bộ phận bảo vệ, anh bất mãn nộp đơn về hưu sớm.
Lương hưu của anh gần 4 triệu, anh chỉ ở nhà lo cơm nước, mặc kệ vợ quay cuồng đi làm tối ngày.
Những tháng gần đây, cơ quan tôi cổ phần hóa, thiếu việc làm, công nhân phải thay nhau nghỉ. Lương của tôi chỉ còn 3 triệu, các con đang tuổi ăn học, vô cùng tốn kém. Tôi ngược xuôi tìm việc làm thêm, từ quét dọn phụ quán ăn đến dọn nhà theo giờ... không ngại bất cứ việc gì miễn có thêm tiền.
Trước đây ai cũng khen tôi mặn mà, ăn mặc gọn gàng mà giờ nhìn vào gương, tôi không nhận ra chính mình. Tóc tai tôi xơ xác vì lâu rồi không được chăm sóc. Da dẻ của tôi thì xám xịt, nám đầy mặt vì những giờ lao động chân tay ngoài trời. Tôi buồn đến mức, nhiều hôm vừa dọn nhà thuê, tôi vừa khóc một mình, không ngờ có những lúc tôi lại tất tả, khổ sở thế này.
Chồng tôi chưa đến 60 tuổi, sức khỏe anh hơn đứt vợ, anh có thể xin làm bảo vệ ở siêu thị, nhà hàng, tiệm vàng quanh thị trấn. Nhưng anh không đi mà chỉ quanh quẩn ở nhà, chăm cây cảnh, đánh cờ tướng với mấy bác già trong xóm, nấu cơm cho vợ.
Hễ tôi giục đi làm thêm là anh cáu gắt um nhà. Anh nói, thời trẻ anh lăn lộn ngày đêm kiếm tiền nên quá mệt mỏi, giờ anh an phận với đồng lương hưu, tôi hãy để anh yên thân.
Khổ nỗi, anh không chịu đi làm nhưng lại luôn ca thán việc vợ đi chợ mua bán so đo, thực phẩm toàn rau, đậu, cá, lạc họa hoằn mới có thịt, không đủ chất cho chồng con.
Ức quá, tôi đưa cho chồng sổ ghi chép chi tiêu hàng ngày. Tôi bảo, anh chỉ ở nhà nấu ăn, không đi chợ nên anh không biết giá cả leo thang đến chóng mặt.
Anh cầm quyển sổ ném ra sân và quát tháo ầm ĩ. Anh nói tôi ki bo, keo kiệt, chỉ tham tiền không quan tâm gì đến chồng con. Chồng đưa hết lương mà vẫn than vãn, đầy nhà chồng cờ bạc, nợ nần, họ vẫn không dám hé răng nói chồng nửa lời.
Tôi nhẫn nhịn không cãi nhau với chồng vì con đang chuẩn bị thi cuối cấp, sợ con suy nghĩ tiêu cực. Chồng thấy vợ nhịn thì lại làm tới, anh cầm tiền đi chợ mua bán thừa mứa, thức ăn thừa ít hay nhiều anh đổ đi hết.
Chưa hết, anh bật điều hòa triền miên cả ngày. Tháng vừa rồi, tiền điện nhà tôi hết 1,5 triệu.
Tôi cảm thấy rất uất ức. Nhưng nếu nói ra thì vợ chồng tôi lại cãi nhau. Tôi phải làm sao để thay đổi được suy nghĩ của chồng tôi. Mong mọi người cho tôi lời khuyên.
Tôi khó xử vì anh trai chồng 40 tuổi vẫn không chịu đi làm
Anh chồng tôi 40 tuổi vẫn ở nhà ăn bám, sẵn sàng xin tiền em dâu mua sắm. Gánh nặng kinh tế nuôi 2 đứa con và anh chồng khiến tôi kiệt quệ.
Độc giả Nguyễn Thị Thu (Hà Nội)