Ở bất kỳ lĩnh vực nào, có thương hiệu sẽ có tiền

Dịch COVID-19 hoành hành suốt năm 2021, giới biểu diễn nói chung và sân khấu nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh và các nghệ sĩ của nhà hát Tuổi Trẻ đã “cầm cự” như thế nào?

- Bạn dùng từ “cầm cự”, cũng đúng. Năm 2021, chúng tôi sản xuất 7 chương trình nhưng không diễn được buổi nào. Ở thời kỳ hoàng kim của Nhà hát Tuổi Trẻ, mỗi năm chúng tôi có khoảng 400 đến 600 suất diễn. Năm 2021, số suất diễn chỉ còn là 30.

Nhà hát hiện có 150 nhân sự đang hoạt động và 54 cán bộ tuổi hưu. Trong 150 nhân sự, 80 người là biên chế, được hưởng lương ổn định theo tháng. Những nhân sự tôi lo lắng nhất là những người làm hành chính, hậu đài... Họ không có nguồn thu nhập nào khác ngoài công việc chính. Với diễn viên, hầu hết vẫn sống khỏe, bởi họ có thể đi đóng phim truyền hình, chạy show. Nhiều diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ đang nổi lên nhờ phim truyền hình như: Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Lương Thu Trang, Đỗ Duy Nam... Thậm chí, nhiều người trong số họ còn “sung sướng” khi sân khấu tê liệt, vì đi đóng phim sẽ không phải xin phép (cười).

Việc hàng loạt nghệ sĩ sân khấu đang đổ xô đi đóng phim, kiếm sống từ truyền hình và nổi tiếng từ truyền hình... Anh có nghĩ, sân khấu bị “chảy máu tài năng”?

- Tôi sẽ trở về với câu chuyện về chữ “tâm, đức” của diễn viên. Nghệ sĩ nếu chỉ chạy theo mối lợi trước mắt, chỉ thấy hào quang bong bóng, tôi không trân trọng. Diễn viên của nhà hát chúng tôi đều là nghệ sĩ có tâm, đức. Họ có khát vọng và yêu sân khấu. Dù đi đâu, làm gì, chỉ cần sân khấu sáng đèn sẽ lại vội vã quay về. Bạn cứ đi hỏi Thu Quỳnh, Thanh Sơn mà xem, họ yêu sân khấu như thế nào. Khi họ đi đóng phim truyền hình, có thương hiệu cá nhân riêng, đơn vị chủ quản cũng có lợi. Bởi vậy, tôi không nghĩ đó là chảy máu tài năng.

Nhiều năm trở lại đây, anh cũng đi đóng phim truyền hình. Anh có xếp mình trong danh sách những nghệ sĩ sân khấu cần đến truyền hình để thêm thu nhập?

- Nhiều người cứ nghĩ vì sân khấu khó khăn, nên diễn viên phải đi đóng phim truyền hình để thêm thu nhập. Sự thật không phải như vậy.

Việc đóng phim, cả điện ảnh hay truyền hình, là cơ duyên. Để có mối duyên này, nghệ sĩ cần phải có tài năng, thực lực và cả sự may mắn. Nếu nghệ sĩ không có tài, có cố cũng không có được. Khi bạn có tài, và một chút may mắn, biết tận dụng cơ hội với phim ảnh, bạn sẽ vụt sáng và có thương hiệu riêng. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, có thương hiệu sẽ có tiền.

Chúng tôi không sang đóng phim truyền hình để làm giàu. Như tôi, được biết đến với nhiều vai diễn, cũng được khán giả yêu mến ở Táo Quân, có năm nhận phong bì cát-xê, tôi còn không mở ra xem, vì tôi biết chắc chúng tôi không phất lên, giàu ngay với vài vai diễn truyền hình. Đóng phim còn giúp nghệ sĩ tôi luyện kỹ năng diễn xuất. Đi đóng phim nhưng có lịch tập ở sân khấu là quay về ngay. Như Thu Quỳnh, cô ấy có là ngôi sao ở đâu, chỉ gọi là chạy về diễn cho sân khấu với cát-xê 150 nghìn đồng/đêm.

Diễn viên sân khấu chúng tôi giống như vật phát sáng, cứ có ánh đèn chiếu vào là quên tất cả, là cháy hết mình với vở diễn.

“Khi khát vọng và cả tham vọng không còn, tâm sẽ bình yên trở lại”

Anh đã đi qua những năm tháng thăng trầm nhất của sân khấu. Anh từng có quãng thời gian, “đêm là ông hoàng bà chúa trên sân khấu, sáng ra nhẵn mặt ở chợ trời bán hàng”, theo anh, nỗi lo nghệ thuật và nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, nỗi lo nào khổ hơn?

- Tôi là người quản lý nghệ thuật có nhiều phẩm chất bẩm sinh. Tôi vẫn tự hào như vậy. Tôi khai thác thương mại trong nghệ thuật. Tôi không coi “cơm áo gạo tiền” là một mối lo. Cơm áo sẽ đến khi nghệ sĩ có đầy đủ phẩm chất, tài năng. Tiền không có ở nghệ thuật, không mọc lên từ sân khấu, mà từ thương hiệu của mỗi cá nhân nghệ sĩ. Khi bạn có tài, biết nỗ lực, biết giữ hình ảnh, biết xây dựng thương hiệu, ắt sẽ có tiền.

Có nhiều bạn sinh viên trẻ khi đến xin việc ở sân khấu, tôi nói với các bạn: “Nếu đến với sân khấu để làm giàu, tìm kiếm sự giàu sang, tôi khuyên các bạn nên chuyển việc. Ở sân khấu, tôi chỉ có thể cho các bạn khát vọng, tình yêu với nghệ thuật, và cơ hội để phát triển bản thân”.

Nhìn lại một hành trình làm nghề rất dài phía sau, anh thấy mình được và mất gì?

- Tôi được là một Chí Trung, được nhiều người biết đến và yêu mến. Cũng có anti-fan. Nhưng biết làm sao được. Tôi chỉ là một con người bình thường, có người yêu người ghét. Đến độ tuổi này, tôi quan trọng nhất là được làm chính mình.

Tôi vốn không chọn nghề. Tôi sinh trưởng trong gia đình nghệ sĩ, nhưng bố tôi lại nghèo, nên tôi không chọn. Nhưng mọi thứ như cơ duyên, nghề nghiệp cuốn tôi vào lúc nào không hay. Đến khi về Nhà hát Tuổi trẻ, lại gặp người yêu, rồi có vợ con. Nhặt nhạnh, chắt bóp, cũng mua được nhà. Cứ thế, mải mê với công việc nhà hát. Nghề đã chọn tôi và cuốn tôi đi theo cách như vậy.

Chắc bạn sẽ không đặt câu hỏi, nên tôi sẽ tự đặt, rằng nếu có kiếp sau, tôi có chọn nghề diễn viên không? Câu trả lời vẫn là: tôi không chọn. Vì làm nghề này khổ quá. Kiếp này tôi đã có duyên, đã may mắn nhiều rồi, kiếp sau sẽ không được may mắn như kiếp này, nên chắc chắn không chọn. Năm 2022 này, tôi sẽ nghỉ hưu, sẽ thanh thản trở về cuộc sống bình thường, được là người bình thường.

{keywords}
NSƯT Chí Trung.

Anh sẽ mang theo điều gì khi về hưu và xa rời sân khấu?

- Tôi mang theo sự thanh thản. Tôi thanh thản khi đã không còn gánh nặng nào trên vai, không bị sức ép kiếm tiền như những năm tháng đã qua. Người ta nói, “Sướng khổ tại tâm”. Khi bạn cứ băn khoăn, đau khổ, dằn vặt, sẽ khổ. Còn khi bạn nhìn cuộc đời, nhận thấy mọi việc đều có duyên, có phận, có phúc, sẽ không thấy khổ.

Tôi đã đi qua đủ mất mát, đổ vỡ, để những thứ khác đều trở nên nhỏ bé. Khi mọi khát vọng, và cả những tham vọng không còn, chúng ta sẽ bình yên trở lại.

Anh đã đi qua đủ thăng trầm, mất mát, để thấy mọi thứ trở nên bé nhỏ. Tôi muốn hỏi anh, vậy suy cho cùng, điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời một con người?

- Tôi đã từng mua rất nhiều sách, nhưng về cứ để đó, vì không có thời gian đọc, thậm chí ni-lông bọc ngoài cũng chưa kịp bóc ra. Gần đây, tôi mới lấy ra đọc, những cuốn như “Hành trình về Phương Đông”, tôi đọc và thấm thía từng chữ.

Trước đây, phần vì không có thời gian đọc, phần vì tâm không đủ tĩnh để đọc, nhìn tựa sách hành trình về Phương Đông chỉ thấy hành trình đi tìm tiền, bây giờ, sau khi đã đi qua cả chặng đường dài của cuộc đời, đi qua đủ thăng trầm, mới thấy mỗi con chữ đều thấm đẫm nỗi niềm, sự trải nghiệm.

Tôi đã bỏ quên bản thân quá lâu, cứ cắm cúi lo mưu sinh, tất cả ngược xuôi, thậm chí còn quên ngắm cả cảnh vật hai bên đường, không nhìn thấy vẻ đẹp của công viên, của những người nắm tay nhau đi tản bộ.

Tôi bây giờ như một thanh niên bước vào cuộc sống bình thường, thấy mình khỏe mạnh, an nhiên và hưởng thụ. “Hưởng thụ” ở đây chẳng có gì to tát, chỉ đơn giản là cà phê sáng với bạn gái, xem phim, đọc sách... 

Được sống là mình, làm chủ thời gian, làm chủ cuộc sống chính mình, sống chậm lại. Dù đang lên cao hay xuống dốc, cũng hãy cứ bình tĩnh, rồi đâu sẽ có đó. Chỉ cần bạn luôn giữ được cái tâm tốt, hướng thiện, dù cuộc sống đang lên hay xuống.

Tôi nhận ra bản thân mình mới là điều quan trọng nhất. Thấy yêu cuộc sống vô cùng.

Đó là tôi của hiện tại.

Theo Lao Động

Chí Trung lên tiếng khi bị đồn nguy kịch vì đột quỵ

Chí Trung lên tiếng khi bị đồn nguy kịch vì đột quỵ

NSƯT Chí Trung bức xúc vì ảnh anh nhập viện cách đây 7,8 năm bị lôi ra giật tít câu view.