Dù thiếu thốn nguyên liệu đặc trưng, gia đình giọng ca “Chưa bao giờ” vẫn cố gắng gói bánh chưng và đi chợ mua lá mùi tẩy trần vào ngày 30 Tết

 Nhiều năm đón Tết Nguyên đán bên Mỹ, cảm xúc của chị có gì khác so với thời gian còn ở Việt Nam?

- Khác nhiều chứ. Những ngày Tết bên Mỹ rất tĩnh lặng không được đông vui như ở Việt Nam. Thật lòng rằng, đón Tết cổ truyền ở bên nước ngoài thương lắm. 

Tôi không chỉ thương mình mà còn thương cả những người Việt xung quanh. Thời tiết, múi giờ, hoạt động bên đó đều không có không khí Tết, do vậy người Việt phải tự mình tạo ra.

{keywords}
Thu Phương sang Mỹ từ năm 2003 và sinh sống ở Mỹ từ đó đến này. Những năm gần đây, nữ ca sĩ thường xuyên về nước để tham gia hoạt động âm nhạc. Tết Đinh Dậu 2017, Thu Phương ăn Tết cùng với gia đình bên xứ sở cờ hoa. Ảnh: NVCC.

- Ở nơi đất khách quê người, chị chuẩn bị cho những Tết truyền thống như thế nào?

- Gói bánh chưng là không thể thiếu. Từ khi bố mẹ chuyển sang sống bên Mỹ, năm nào gia đình tôi cũng quay quần gói bánh chưng. Tất nhiên, nguyên liệu cũng rất thiếu thốn.

Bên đó, không có lá dong cũng không có lạt như ở Việt Nam. Lá dong cũng rất khó để mang sang vì là đồ tươi sống nên không thể mang kèm hành lý được.

Phần lớn gia đình Việt bên Mỹ gói bằng lá chuối và buộc bằng dây dứa. Tất nhiên, gói bằng lá dong thì bánh sẽ xanh và có mùi thơm đặc trưng hơn. Gói bằng lá chuối cũng rất mềm và dai nhưng khi bánh chín lại có màu hơi vàng vàng.

Trước 30 Tết, tôi cũng thường mặc áo dài đi chợ hoa, chọn những loại hoa ưng ý để trang hoàng cho ngày Tết. 

Và đặc biệt không quên kiếm lá mùi già để tắm rửa trong ngày cuối cùng của năm. Nhiều năm không kiếm được lá mùi già, tôi thay bằng lá mùi thường (cười).

- Chênh lệch múi giờ so với Việt Nam, đêm 30 Tết ở bên Mỹ của gia đình chị có gì khác biệt?

- Tối 30 Tết, khi Việt Nam bắt đầu cầu truyền hình trực tiếp thì bên Mỹ là 3h sáng. Tôi thức dạy từ lúc đó cho đến 9h sáng hôm sau, xem hết chương trình Táo quân đến thời điểm chúc Tết, tức chính thức bước sang năm mới. 

Một điều không thể thiếu được là năm nào vợ chồng tôi cũng đốt vàng mã và làm một mâm cơm, đặt ở ngoài sân để cúng giao thừa. Sau khi tàn hương, gia đình quây quần bên mâm cơm, chúc Tết, mừng tuổi. 

Những truyền thống đó, không khác gì nhiều so với khi ở Việt Nam. Thực sự là hạnh phúc, rất hạnh phúc.

- Đối với gia đình chị, những cái Tết xa quê có bao giờ trở nên qua loa, đại khái với suy nghĩ “những người dân bản địa xung quanh tất bật làm việc, mình cũng không cần dành quá nhiều thời gian cho giá trị truyền thống”?

- Mọi người thì tôi không biết như thế nào, nhưng với tôi, cảm xúc ngày Tết thiêng liêng lắm. Tết là truyền thống, là sum vầy, là những giá trị cố hữu không thể vứt bỏ hay thay thế. Càng ngày, tôi lại càng trân trọng những ngày Tết. Nếu không có Tết thì tiếc lắm.

Hàng xóm cạnh nhà tôi đều là người Mỹ. Từ nhà tôi đến khu có đông dân Việt phải lái xe mấy 20 phút. Gia đình tôi cũng rất muốn xuống đó để không khí Tết được ấm áp hơn nhưng các con phải đi học, chúng không được nghỉ học như ở Việt Nam mà việc học phải ưu tiên hàng đầu.

Nhưng không vì thế mà gia đình thiếu vắng không khí Tết. Vợ chồng tôi sẽ giữ mãi Tết truyền thống, sau này truyền lại cho con, hướng dẫn con cách trang hoàng nhà cửa và làm những món ăn ngày Tết. Tết là một cái gì đó rất thiêng liêng, do vậy, phải giữ cho bằng được, dù có ở đâu, phương trời nào.

{keywords}
Trong những ngày Tết Nguyên đán, Thu Phương thường dành thời gian để đi lễ chùa bên Mỹ.

- Những khoảnh khắc đón năm mới sum vầy bên gia đình, đủ đầy về vật chất của hiện tại có làm chị nhớ về cái Tết khó khăn và ắp đầy kỷ niệm thời thơ ấu?

- Nhớ lắm chứ, như vừa mới xảy ra, không thể nào quên được. Thời tôi còn nhỏ, Tết là mang quần áo ra giặt, mang chăn ra phơi khắp sân. Những ngày giáp Tết, dọn dẹp nhà cửa, lau lá bánh, cảm giác thậm chí còn vui và xốn xang hơn cả những ngày Tết chính. 

Sau đêm giao thừa, tôi vẫn còn nhớ là mình thường đi nhặt những cành khế để mang về nhà làm những cành lộc cho ngày Tết.

Những tháng ngày như thế nghèo mà thật ý nghĩa. Ký ức Tết nghèo đeo đẳng tôi mấy chục năm, đi qua nửa vòng trái đất. Và bây giờ, mỗi khi nhắc đến vẫn đầy ắp kỷ niệm.

Theo Zing