Hai bộ phim gây sốt trên màn ảnh thời gian qua đã thực sự làm thay đổi bộ mặt của phim truyền hình Việt vốn một thời bị gắn mác 'thảm họa' với việc tạo ra vô số 'chuyện lạ'.

Thời điểm 2011, khán giả từng xôn xao bàn tán với sự xuất hiện của nhiều bộ phim bị gắn mác thảm họa mà một trong số đó thậm chí còn bị dừng chiếu giữa chừng. Nhiều người khi ấy còn tuyên bố tảy chay không bao giờ xem phim Việt Nam trên truyền hình vì quá dở.

Tuy nhiên, tình hình đã trở nên đổi khác với sự xuất hiện của hàng loạt bộ phim truyền hình chất lượng gây sốt trên màn ảnh đủ sức kéo lại lượng lớn khán giả thờ ơ với phim truyền hình nội, mà đáng kể nhất chính là 'làn sóng' hâm mộ 'Tuổi thanh xuân' (2014), kế đến là 'Zippo, mù tạt và em', 'Tuổi thanh Xuân 2' (2016) và đỉnh điểm là 2 bộ phim 'Người phán xử' và 'Sống chung với mẹ chồng' với làn sóng hâm mộ cực lớn.

Rating và tiền quảng cáo kỷ lục

Chưa bao giờ phim truyền hình do Việt Nam sản xuất lại đạt rating gần như tuyệt đối như vậy, với độ phủ sóng cực lớn khắp các mặt báo, diễn đàn và mạng xã hội.

{keywords}

Ngay từ khi tung trailer hồi tháng 3, 'Sống chung với mẹ chồng' đã tạo nên cơn sốt mạnh mẽ, thu hút hàng triệu lượt xem, chưa kể lượt chia sẻ rất lớn. Hiếm có bộ phim nào được bàn tán sôi nổi như vậy theo từng tập phim, các báo lớn nhỏ đều đưa tin về từng tập trước và sau phát sóng, điều chưa từng xảy ra trước đó với phim truyền hình Việt.

Tương tự với 'Người phán xử', suốt 47 tập phim được phát sóng suốt năm trời, bộ phim này đã gây nên một cơn chấn động thực sự trên màn ảnh Việt, được người hâm mộ bàn tán rộng khắp và chờ đợi từng tập phim. Nếu như trước đây dòng phim khai thác thế giới tội phạm của Việt Nam đa phần bị chê là 'quê', 'lỗi thời', 'giả tạo' thì 'Người phán xử', một bộ phim được Việt hóa xuất sắc từ kịch bản nước ngoài đã chinh phục hầu hết khán giả với những thước phim chân thực và hấp dẫn.

{keywords}

Bộ phim gây sốt đến nỗi giá quảng cáo trong khung giờ phát sóng được đẩy lên tới hơn 200 triệu đồng cho mỗi spot quảng cáo chỉ kéo dài nửa phút. Chưa từng có bộ phim nào mỗi tập phim có thể thu về hơn 4 tỉ đồng cho nhà đài với 10 phút quảng cáo như 'Người phán xử' (chưa kể banner chạy dưới phim). Rating 'Người phán xử' có thời điểm cao nhất lên đến 19%, trong khi 'Sống chung với mẹ chồng' đạt tới 14% - là những con số chưa phim truyền hình nào đạt tới.

Đây cũng là lần đầu tiên phim truyền hình Việt tiến hành quay thêm số tập để đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ. Dù đã kết thúc quay khá lâu nhưng cả 'Người phán xử', 'Sống chung với mẹ chồng' đều tập hợp diễn viên quay thêm trong thời gian đang lên sóng. Cũng chưa từng có phim Việt nào mà chuyện hoãn phát sóng 1 tập phim lại được khán giả quan tâm bình luận như 'Sống chung với mẹ chồng' đã làm được. Điều đó cho thấy sức hút của các bộ phim này là có thật, không cần đến bất cứ công cụ PR nào.

Clip đặc biệt kết hợp 'Người phán xử' và 'Sống chung với mẹ chồng' từng gây sốt. 

Diễn viên viết 1 status thu ngay 30 triệu

Không chỉ áp đảo trên màn ảnh, 'Người phán xử' và 'Sống chung với mẹ chồng' còn gây sốt trên mạng xã hội với lượng theo dõi trên fanpage của mỗi phim lên tới nửa triệu người. Các địa chỉ facebook lấy tên các nhân vật trong phim cũng mọc lên như nấm. Lời thoại và hình ảnh của các nhân vật trên phim thì tràn ngập mạng xã hội. Thậm chí việc làm tóc, xăm hình các nhân vật và lời thoại trong phim 'Người phán xử' cũng trở thành xu hướng trong giới trẻ.

{keywords}

Sức hút từ 'Người phán xử' và 'Sống chung với mẹ chồng' cũng đẩy tên tuổi dàn diễn viên từ chính đến phụ của hai bộ phim này lên hàng các sao hot với các hợp đồng quảng cáo dày đặc cùng cát sê cao ngất. Chuyện một diễn viên chính của phim thu 30 triệu đồng cho mỗi status quảng cáo trên facebook cá nhân là rất bình thường. Ngay một diễn viên phụ như Thanh Bi (vai Vân Điệp) cũng thừa nhận cô thu được 3 tỉ đồng từ quảng cáo khi 'Người phán xử' phát sóng.

Sẽ còn rất lâu nữa các diễn viên tham gia hai bộ phim được gọi bằng tên các nhân vật như Phan Quân, Phan Hải, Phan Hương, Khải 'sở khanh', Lương 'Bổng', Bảo 'ngậu' hay bà Phương, Thanh, Minh Vân.... 

Tuy nhiên, đi kèm với đó, các địa chỉ facebook mạo danh fanpage chính thức của phim cũng như các diễn viên cũng xuất hiện dày đặc khiến 'chính chủ' nhiều lần phải lên tiếng. Chưa kể hình ảnh của các diễn viên 'Người phán xử' và 'Sống chung với mẹ chồng' liên tục bị sử dụng cho những quảng cáo 'trên trời rơi xuống' để trục lợi khiến các nhân vật chính nhiều lần rơi vào những tình huống dở khóc dở cười.

{keywords}

Có lẽ chính bản thân nhà sản xuất cũng như các diễn viên không thể ngờ hiệu ứng mạnh mà các bộ phim 'Người phán xử' và 'Sống chung với mẹ chồng' mang lại. Sức hút của bản thân hai bộ phim đến từ kịch bản hay (do được Việt hóa từ chất liệu nước ngoài), nội dung đánh trúng tâm lý và nhu cầu của khán giả, chất lượng hình ảnh tốt cùng diễn xuất đạt của dàn diễn viên đã tạo nên hiệu quả mạnh mẽ, giúp đẩy phim truyền hình nội lên một cấp độ mới. Đây chắc chắn là động lực lớn để các nhà sản xuất đầu tư để cho ra những bộ phim truyền hình Việt gây ấn tượng với khán giả Việt.

Hoàng Vy