LTS: Cuốn sách chân dung TÂM, của nhạc sĩ Quốc Bảo viết về ca sĩ Mỹ Tâm (Phanbook & NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019) đang gây chú ý không chỉ với những người ái mộ Mỹ Tâm. Xoay quanh chân dung một ngôi sao, tác giả Quốc Bảo cung cấp khá nhiều chuyện 'bếp núc' thú vị của nền nhạc pop Sài Gòn một thời.
Và đáng lưu ý, Mỹ Tâm là số ít ngôi sao gây nhiều tranh cãi nhất vì cô đứng giữa các lằn ranh: nghệ thuật và giải trí, tính chuyên môn học thuật và bản sắc thị trường.
Hẳn nhiên, tài năng, cá tính, đam mê cùng những nỗ lực vượt trội của nhân vật chính đã được thể hiện trong cuốn sách khá đầy đủ. Quốc Bảo cũng giúp người đọc trả lời cho câu hỏi vì sao Mỹ Tâm lại có một sức sống bền vững đặc biệt như vậy trong lòng khán giả.
VietNamNet xin trích giới thiệu kỳ 3 từ nội dung cuốn sách trên.

Kỳ 3: Đặt mình thấp để được lên cao

Trước câu hỏi của báo giới về những phẩm chất để thành một ngôi sao lớn, tôi thấy khó mà trả lời một cách ổn thỏa. Các fan của Tâm chắc chắn không thể lý giải tại sao mình yêu Mỹ Tâm. Đẹp? Hát hay? Ồ nếu chỉ đơn giản thế thì nhạc Việt đã có một triệu Mỹ Tâm.

Ta hãy đi sâu hơn một chút nào.

Vì sao không có một triệu Mỹ Tâm?

Có nhiều kiểu đẹp, Tâm không thuộc loại đẹp cổ điển, ở em có chút gì đó không cân đối, hơi khác thường, song lại hài hòa và gây cuốn hút. Vẻ đẹp hình thức Tâm có được phần lớn từ bên trong toát ra, ta hay dùng từ “thần thái”; nhờ thần thái mà thành nụ cười đó, nhờ thần thái mà vầng trán sáng rộng, nhờ thần thái mà đôi mắt có hồn, nhờ thần thái mà dáng đi thế ngồi gợi cảm.

Còn hát hay? Thiếu gì giọng hát hay. Tâm là một trong số ấy, nhưng khác biệt nằm ở chỗ em làm bài hát tỏa sáng, em tự đặt mình thấp hơn bài hát, làm mình chìm đi, chỉ câu chuyện là đáng kể. Mà lẽ đời, hễ ta đặt mình thấp thì lại được lên cao.

{keywords}
Bìa sách "TÂM" - tư liệu quý về Mỹ Tâm với nhiều góc khuất mà fan ruột chưa chắc biết.

Năng khiếu thẩm âm của Tâm vô cùng tốt, nên thay vì chật vật với những bản xướng âm, em chỉ cần nghe qua giai điệu là thuộc lòng, biết cách sửa giai điệu ấy như thế nào để không lỗi hòa thanh. Thế rồi với mỗi ca khúc, em tập theo một phương pháp mà tôi cho là tối ưu: ấn định một cách xử lý, cách lấy hơi, chia bài thành nhiều phần nhỏ và tập từng phần sao cho ghép lại thì tổng thể vẫn nhất quán một dòng cảm xúc. 

Và theo mô thức đã định, em tập nhuần nhuyễn. Những chỗ fill-in - ngẫu hứng, thật ra là đã được tập trước. Hát không nhạc, hát với guitar, hát với bản phối chính thức, là như nhau. Hát studio và hát live, là như nhau. Mọi thứ trong tầm kiểm soát.

Nhớ chuyện coach (hướng dẫn, dàn dựng - pv) bài qua điện thoại, hẳn cũng bắt nguồn từ Tâm, chính em tạo ra tiền lệ. Trước đó, nếu Thanh Lam hay Tam ca 3A thu hát ở Hà Nội, tôi để họ tự do hát rồi có thể sửa chữa sau khi nhận được băng gửi vào; còn ở Saigon thì tôi luôn dựng bài với ca sĩ trực tiếp trong studio. Cả khi bị sốt, bị mất giọng, tôi vẫn “coach” ca sĩ như thường (trường hợp Thu Phương với “Cô gái đến từ hôm qua”).

Vậy mà cuối năm 2002, một buổi ghi âm của Tâm trùng với việc quan trọng của tôi, tôi không đến studio được. Tâm phone, “Anh ơi bé thu gần xong rồi, nhưng anh nghe lại giùm bé đi, anh đang ngồi với chị V. đúng không, anh nghe qua điện thoại xem được chưa nhé”, xong cười hê hê. Từ đấy tôi có thói xấu: chỉ đạo từ xa.

Thì “Bí mật”, “Ngày hôm qua” và “Và em có anh” không chỉ đạo từ xa hay sao? Tâm từ studio Hàn Quốc gọi về cho tôi ở Saigon, anh nghe bé hát đoạn này, chỗ này bé muốn thêm một bè nữa, anh viết gì đó cho bé đi, chỗ kia phải cắt bớt lời chứ bé hát nhiều chữ quá không rõ. Chỉ những ai nắm thật chắc và kiểm soát được mọi hành động của mình mới có thể đặt những câu hỏi trực tiếp, vào ngay vấn đề như thế. Kỷ niệm “Bí mật”, “Ngày hôm qua”, “Và em có anh” giờ nhắc lại vẫn tươi mới như thể Tâm vừa gọi tôi xong.

Thế mà đã hơn mười năm…

Biết giấu cái 'điên'

Trong thần thoại Hy Lạp, Apollo là thần Bảo trợ Nghệ thuật còn Dionysus là thần Rượu. Một bên đường hoàng chính thống, bên kia phóng khoáng bất tuân luật lệ. Vậy thì hiện tượng Mỹ Tâm gần với Apollo hay với Dionysus đây?

Về phong cách và đời sống xã hội, Tâm chỉn chu mực thước như một Apollo. Em chưa gây ra một scandal nào dù là tình ái hay tiền bạc, không mua chuộc ai, lúc còn nghèo thì chịu khó chịu khổ, ở một mình trong ký túc xá đại học, căn phòng tuềnh toàng cửa nẻo xộc xệch đến mức có hôm em than, “Bé phải đi mua ổ khóa mới, mấy đêm nay ngoài phòng có ai đó trêu ghẹo”.

{keywords}
Với tư cách người đồng hành cùng Mỹ Tâm thời kỳ đầu, NS Quốc Bảo đã viết những bình phẩm rất chuẩn xác thay câu trả lời vì sao Mỹ Tâm trở thành ngôi sao.

Ở phòng thuê, đi xe Astrea cũ, ăn mặc giản dị, không ưa làm điệu làm màu, lo cho gia đình và gắn bó với giới văn nghệ trên cơ sở một tình thân bình đẳng, không quỵ lụy. Nổi tiếng rồi, ổn định mọi bề rồi vẫn cắp sách đi luyện thanh với cô Minh Huệ. Cô Minh Huệ, người thầy mẫn tiệp về lý thuyết và kỹ thuật của rất nhiều ca sĩ.

Học trò của cô hãnh diện và vững chãi bước vào nghề hoặc dùng những kiến thức thực tiễn của cô để luyện nội công thâm hậu thêm. Tâm “luyện” miệt mài vậy đó. Còn cái “điên”, em giữ sâu trong lòng - người ta chỉ thấy em điên lúc em hát, em giao lưu, lúc em vui quá mức và buồn rầu quá mức.

Thần Rượu Dionysus chỉ nhập vào em khi em… uống rượu. Rượu thì chắc hẳn không ai đọ nổi với em, tôi thua là cầm chắc! Lúc lên sân khấu cũng thế, hềnh hệch cười và nói chuyện hài hước là cái phần Dionysus; còn Apollo nấp trong cánh gà, em đã tập luyện kỹ như thí sinh học làu làu trong kỳ thi, có sự cố âm thanh cũng chả sợ, trời sập cũng chả sợ.

Quốc Bảo

Mỹ Tâm 'đụng độ' gia đình Năm Cam ở Cadilac

Mỹ Tâm 'đụng độ' gia đình Năm Cam ở Cadilac

Trong kỳ đầu tiên, VietNamNet giới thiệu đến độc giả trích đoạn thú vị về lần "đụng độ" giữa Mỹ Tâm và trùm giang hồ Năm Cam trong cuốn "TÂM" của NS Quốc Bảo.