Sân khấu là thánh đường để NSND Anh Tú thăng hoa, anh có thể mải mê với vở diễn đến độ coi sân khấu là giường, là thứ chính tồn tại duy nhất, sức khoẻ của anh chỉ coi là thứ yếu, cho đến khi....đổ gục.
NSND Anh Tú qua đời ở tuổi 56
Sau nhiều tháng chữa trị căn bệnh tiểu đường biến chứng, NSND Anh Tú đã qua đời lúc 12h35 phút trưa nay (20/12) ở tuổi 56.
NSND Minh Hằng buồn rầu thông báo, "Ngọn hải đăng" về sân khấu kịch nói, trong lòng chị và rất nhiều thế hệ học trò của NSND Anh Tú đã tắt. NSND Anh Tú ra đi khiến nhiều người tiếc nuối bởi lửa nghề trong anh vẫn luôn rực cháy, cho tới lúc mắt mờ chân run,...anh vẫn vậy.
NSND Anh Tú ra đi khiến nhiều người tiếc nuối bởi lửa nghề trong anh vẫn luôn rực cháy, cho tới lúc mắt mờ chân run,...anh vẫn vậy. |
Thoát xác trong từng vai diễn
Có một thời, các nghệ sĩ như Anh Tú, Lan Hương (Em bé Hà Nội), Lê Khanh, Minh Hằng,...tung tẩy trên thánh đường sân khấu. Ở đó, họ diễn hết mình như lời NSƯT Minh Hằng: “Anh Tú diễn xuất không còn gì để nói, tung hứng cực ăn ý với bạn diễn và chỉ có khi lên sân khấu, Anh Tú thực sự thăng hoa, Tú giống hoàng tử của sân khấu vậy”.
Ở Anh Tú, mỗi vai diễn chính của anh thường thoát xác cùng với đời sống tâm hồn của nhân vật, chân thực, nồng nhiệt và cũng rất trữ tình. NSND Anh Tú là người không ồn ào, không khoa trương ngay cả trong cuộc sống cũng như khi anh hoá thân vào nhân vật. Anh Tú vẫn chọn góc thể hiện nhân vật của mình thật hài hoà cùng ngữ điệu của tâm hồn, tiết chế, tự tại mà vẫn toát lên phẩm chất nhân vật.
Sinh thời, NSND Anh Tú từng chia sẻ, cách sống của anh cũng như cách mà anh xây dựng nhân vật trong các vở kịch đúng như thú chơi đá cảnh của anh - với nguyên tắc tự tại mà toát lên sắc đẹp thiên thần. Chẳng thế mà những nhân vật Vũ Như Tô (trong vở cùng tên), hay những vay diễn trong vở kịch Macbeth, Bến bờ xa lắc, Mùa hạ cay đắng, Tiếng chuông, Rừng trúc, Cuộc đời tôi... mà anh đảm nhiệm đều mang màu sắc trầm tĩnh, xù xì nhưng lại có sức thu hút người xem ở vẻ đẹp ánh sáng – ánh sáng như những hòn đá ngọc bích – đẹp mê hoặc.
Năm 2003, Anh Tú tốt nghiệp đạo diễn sân khấu với vở kịch thơ nổi tiếng của cố thi sĩ Hoàng Cầm - Kiều Loan - là một bản diễn đúng chất của Anh Tú, đẹp và đượm buồn như một tảng ngọc quý. Từ đây, NSND Anh Tú dàn dựng một loạt vở mới cho nhà hát như chùm kịch thiếu nhi về đề tài Tôn Ngộ Không, Thạch Sanh và hàng loạt vở kịch nổi tiếng như: Cô gái đội mũ nồi xám, Nhà có 5 anh em trai, Mùa yêu đương, Mùa hạ cay đắng.
Sau đó, Anh Tú còn là một trong những đạo diễn đầu tiên ở phía Bắc dựng vở kịch về đề tài đồng tính - Cầu vồng lục sắc (năm 2012). Đây là câu chuyện bi kịch của một đồng tính nam. Đạo diễn Anh Tú muốn qua vở kịch đưa ra một lời cảnh báo cho những quan niệm sai lầm về những người đồng tính và đưa ra một cách nhìn nhân ái và chia sẻ của cộng đồng xã hội với những cuộc sống gặp trắc trở về thân phận.
Trích đoạn phim Của để dành - NSND Anh Tú diễn cùng diễn viên Quách Thu Phương:
Cứ từ từ mà tiến
Về làm Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật và sau lên làm Quyền giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Anh Tú vẫn say sưa dựng vở. Những vở như: Tai biến, Chấm hỏi chấm than, Ba trong một, Trong mưa giông thấy nắng, Lâu đài cát cũng đều để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người xem. Là diễn viên giỏi, đạo diễn tài, NSND Anh Tú từng kể, anh ít khi tỏ ra vội vã, bận rộn mà khoan thai, chậm rãi, cái gì cũng từ từ mà… tiến. Đến thì nhận không cuống cuồng.
Ngay chuyện vào nghề của anh, anh bảo cũng chẳng phải hoài bão gì ghê gớm. Đến lúc gần tốt nghiệp phổ thông, anh cũng chưa biết sẽ theo nghề gì, cũng chẳng thấy mình có tài gì nên thi một lúc 3 trường, một rớt, hai đậu, trong đó có khóa đào tạo diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ.
Nhớ lúc thi vào Nhà hát, thí sinh rất đông, Anh Tú tuy thích, nhưng rất sợ, nhất là lúc tuyển hình thể phải cởi trần. Vậy mà đến khi thi tiểu phẩm Chú bé chơi với con chim trong lồng do mình tự biên tự diễn, cậu thí sinh Anh Tú vẫn dám “cãi” ban giám khảo để bảo vệ cái lý của mình. Nhớ lại, anh lắc đầu cười, không hiểu sao mình lại đậu.
Cả khi được chọn là một trong hai học viên sáng giá nhất cho vai Romeo trong vở Romeo - Juliet, đánh dấu sự ra ràng đầy hứa hẹn của “lứa” diễn viên khóa đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ, Anh Tú cũng thấy… bình thường thôi, không có gì phải quá háo hức.
Vậy mà, công việc cứ đẩy anh đi, càng đi càng thích thú. NSƯT Anh Tú như chàng kỵ sĩ trên thánh đường sân khấu. Nghiệp diễn ngấm vào máu anh từ từ và cho tới tận lúc sức tàn, anh vẫn vẫn sôi sục như thế. Mỗi lần nói đến sân khấu khuôn mặt anh sáng bừng, "nói không kịp phanh".
NSND Anh Tú đóng cùng NSƯT Kim Oanh trong Chiều ngang qua phố cũ:
Nhiều nghệ sĩ ở Nhà hát Kịch Việt Nam kể rằng, những ngày trước khi Anh Tú vào viện cấp cứu, gần như đêm nào NSND Anh Tú cũng ngủ tại Nhà hát. Ngày dựng vở, tối đau đáu với những thân phận trên sàn diễn và sân khấu là giường. Kịch với Anh Tú là thứ chính, sức khoẻ của mình anh coi như thứ yếu.
Những ngày nằm viện, bạn bè vào thăm Anh Tú, ai cũng chỉ động viên một câu: “Khoẻ nhanh rồi về dựng vở, học sinh đang chờ” – bởi họ biết, chỉ có động viên như thế, Anh Tú mới thực sự có động lực.
Vào nghề một cách “hồn nhiên” không toan tính, đi chậm mà chắc, sau hơn 30 năm, NSND Anh Tú đáng tự hào với không ít những vai diễn để đời, với những vở dựng hay, và nhiều lớp học trò kính nể và một gia đình yên ấm, hạnh phúc.
Không chỉ giới hạn mình ở sân khấu, NSND Anh Tú còn xuất hiện trên truyền hình với nhiều vai diễn trong các bộ phim: Của để dành, Đàn trời, Chiều ngang qua phố cũ, Ánh sáng trước mặt,…vai nào của anh cũng để lại ấn tượng tốt.
Nói như lời NSƯT Minh Hằng thì: “Cuộc sống của Tú, cũng đã trọn đam mê và có trách nhiệm với nghề, Tú ra đi, chắc cũng thanh thản, không có gì hối tiếc. Chỉ có người ở lại tiếc, vì một đạo diễn đang hừng hực với nghề như thế, lại sớm ra đi”.
Tình Lê