"Một số bạn quá thụ động và quá thực dụng"
Trò chuyện với đạo diễn Lê Hoàng trong chương trình "Cho ngày hoàn hảo" mới đây, diễn viên - đạo diễn NSƯT Công Ninh, chủ nhiệm khoa Đạo diễn của Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM đã có những chia sẻ về thế hệ sinh viên học điện ảnh - sân khấu, các diễn viên mới bước vào nghề…
Khi đạo diễn Lê Hoàng than phiền nhiều bạn trẻ bây giờ không có khái niệm "sống chết với nghề", thụ động, ít xem phim cũng như tiếp cận môi trường sân khấu, phim ảnh; NSƯT Công Ninh bộc bạch: "Đây là điều tôi trăn trở nhiều lắm. Không chỉ riêng tôi, các thầy cô khác cũng trăn trở lắm. Tôi ví dụ, lẽ ra diễn viên phải cập nhật, phải biết đến những sân khấu của thành phố mình. Họ phải tiếp cận phim trường, talkshow…
Tôi có tìm hiểu tâm tư của các em. Khi lên lớp dạy, hay khi trao đổi với các sinh viên, các em nói rằng: "Thật ra, chúng em rất muốn đi xem các sân khấu nhưng vé đắt quá, chúng em không kham nổi".
Vấn đề này, ở các nước, người ta giải quyết cho các sinh viên trường Điện ảnh rất đơn giản. Tôi học bên Nga tôi biết mà. Tôi chỉ cần cầm thẻ sinh viên đến trước quầy vé của nhà hát đó đăng ký xem buổi biểu diễn là họ đưa cho mình số ghế. Tất nhiên, đó không phải ghế vip, ghế ở xa tít, nhưng tôi vẫn theo dõi được toàn bộ vở kịch đó. Tôi có thể xem xiếc, buổi biểu diễn tạp kỹ hoàn toàn miễn phí.
Giá như trường Sân khấu có quyền như vậy, để các em cầm thẻ sinh viên của trường đến các sân khấu để mà đăng ký xem thì tôi nghĩ các em sẽ đi xem rất đông.
Nhiều em khao khát được làm nghề, chứ không phải đứa nào cũng thụ động. Vấn đề là các em không có tiền mua vé. Mỗi lần xin vé mời không đơn giản. Giờ toàn sân khấu xã hội hóa có phải muốn xin vé mời là xin được đâu. Cho nên cũng khổ các em lắm!"
Bên cạnh đó, nam diễn viên "Đời cát", "Ai xuôi vạn lý" cũng thừa nhận nhiều bạn trẻ bây giờ thiếu lửa, thiếu ý thức nghề nghiệp. "Một số bạn quá thụ động và quá thực dụng", NSƯT Công Ninh nói.
"Trên sân khấu, chúng lộng lẫy lắm mà ở ngoài nhìn bèo nhèo, lếch thếch"
Anh chia sẻ thêm: "Bản thân tôi cũng thắc mắc về sinh viên trường mình. Lúc các cô, các cậu bước vào trường thi nhìn ai cũng lộng lẫy lắm. Nhìn choáng váng luôn. Trời ơi, đẹp quá, đứa nào cũng sạch sẽ, sáng trưng hết.
Đến khi chúng vào trường học, mình nhìn không ra, nó bèo nhèo, ăn mặc lôi thôi, lếch thếch. Chúng không hiểu là mình bước chân vào môi trường nghệ thuật, ngày nào đó sẽ là nghệ sĩ tương lai vì thế phải để ý phong cách chứ.
Chắc sau buổi trò chuyện với anh Lê Hoàng, tôi phải về trao đổi với sinh viên của mình. Tôi thấy uổng quá. Có mấy đứa cứ lên đồ đẹp lắm, mà chúng nó lại ăn mặc lè phè. Người đẹp nhờ lụa mà!
Tôi nghĩ có thể môi trường học, lúc tập, học lăn lê bò toài nên không mặc đẹp sợ… hư đồ.
Tôi cũng ngạc nhiên, sao lúc thi đứa nào cũng đẹp lộng lẫy, bước lên sân khấu là mình muốn cho đậu liền. Đến khi mấy đứa vào trường, tôi nghĩ thầm: "Sao mấy đứa bé này mà mình cho đậu được?" Trong khi chỉ cần chúng thay bộ đồ, trang điểm là nhìn khác liền luôn. Cứ đến buổi thi là chúng thoát xác một cách hoàn chỉnh luôn".
Đạo diễn Lê Hoàng đồng tình: "Giờ khán giả xem phim, khâu phục trang quan trọng lắm. Nói thật với Ninh, những cô gái đến chương trình, ngồi ghế Ninh đang ngồi, không cô nào không make up kỹ càng. Càng ngày vẻ bề ngoài càng được chú trọng.
Anh về nhắc nhở sinh viên của mình hãy chú ý đến hình thức. Trước khi mình là nghệ sĩ với ai thì hãy đặt câu hỏi: mình có nghệ sĩ với chính mình hay không? Nếu mình muốn trở thành diễn viên hài thì xem mình mặc có hài không?
Bao nhiêu lần anh cử sinh viên đến gặp tôi, cứ nhìn một cái là… thôi rồi!
Diễn viên phải ăn mặc đẹp, phong cách, tôn hình thức và tôn cả tâm hồn. Thế mới có câu "y phục xứng kỳ đức".
NSƯT Công Ninh cũng nhắn nhủ đến các học trò của mình: "Để trở thành một nghệ sĩ, một ngôi sao tương lai thì các em ngoài việc trau dồi kỹ thuật biểu diễn, ca, hát, múa… thì các em còn phải chú ý tới yếu tố rất quan trọng- là điều kiện để tạo ấn tượng trong mắt công chúng đó là phải chú ý hình thức khi bước vào cuộc sống, bước vào môi trường nghệ thuật. Các em phải có style riêng làm nổi bật trong ánh mắt của công chúng và đồng nghiệp"…
Theo Dân Trí
NSƯT Công Ninh: 'Đọc sách thể hiện văn hóa của người làm nghệ thuật!
"Với những nghệ sĩ - được hiểu là người công chúng, họ cần ý thức và trách nhiệm hơn với vốn hiểu biết của mình....", NSƯT Công Ninh chia sẻ quan điểm.