Lương Thùy Vy, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) vừa trở thành thủ khoa khối C, Trường ĐH Luật TP.HCM với số điểm 26,5 (môn Địa: 10; Sử: 9,5; Văn 7).
Em Lương Thùy Vy. Ảnh nhân vật cung cấp |
Học địa lý trên sách báo
Là dân chuyên sử nên khi biết tin mình đạt điểm 10 môn Địa lý, Vy rất bất ngờ: “Trên lớp, hầu như môn nào em cũng được điểm trên 9. Nhưng hai môn Địa lý và Ngữ văn là có điểm thấp nhất. Dù làm bài tốt, em chỉ dám dự đoán được khoảng 7 đến 8 điểm là ổn rồi”.
Thùy Vy cho biết, trong 3 môn của khối C thì sức học với môn Địa là bình thường, trong lớp lại có nhiều bạn học giỏi hơn.
“Có điều khi học bài, dù là môn gì em vẫn phải cố gắng tập trung cao, lúc học thì chia ý ra để dễ nhớ. Trước hết phải nắm được nội dung các tiểu mục, nắm được vấn đề trọng tâm của từng đơn vị kiến thức. Nếu có thời gian thì em viết ra giấy để khắc đậm kiến thức một lần nữa”
Theo Vy, điều đầu tiên là nắm kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa (SGK). SGK có thể không đi sâu nhưng tất cả các ý đều đầy đủ và cơ bản. Sau khi nắm chắc được kiến thức về các vấn đề, sự kiện thì bắt đầu chia ra từng ý để học vì học theo ý sẽ dễ hơn.
Ví dụ nếu về địa lý vùng về các vùng như đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Bắc Bộ… thì thấy thế mạnh, điểm yếu; các điểm chung, điểm riêng của từng vùng từ đó việc rút ra những luận điểm lớn và từ các ý lớn này sẽ triển khai ra các ý nhỏ. Tương tự đây là “cái xương” và dạng đề chung cho tất cả các bài và vùng còn lại, như thế sẽ nhớ hơn.
Lương Thùy Vy (giữa) |
Thùy Vy cho rằng, quan trọng nhất là tìm ra mối liên hệ giữa từng bài, từng chương, rút ra những điểm tương đồng và khác biệt, rồi khái quát lại theo từng chương như tự nhiên, dân cư, địa lí các ngành kinh tế…Ngoài ra, nên dành khoảng 1 tiếng mỗi ngày để tập vẽ biểu đồ, nếu có gì không hiểu thì hỏi qua bạn bè, thầy cô.
Vy nhớ lại cách làm bài thi vừa rồi: “Khi đọc đề, em đọc theo thứ tự rồi lập dàn ý khái quát cho từng câu, câu nào dễ, chắc chắn thì làm trước, làm xong bài thì dành một ít phút xem lại lần nữa, trong quá trình làm bài luôn chú ý đọc lại câu hỏi để biết được mình đang đi đúng trọng tâm hay chưa”.
“Em làm thứ tự từ câu I đến IV, trong đó câu I có hai ý nhỏ gồm ý là ý 1 và ý 2, khi làm bài từ những ý này, mình chia ra các ý nhỏ hơn là a, b, c để cho bài được rõ ràng, đề yêu cầu như thế nào thì trả lời theo đúng trọng tâm giống như hình 1, 2, 3 rồi a, b, c….trong mục a, b, c lại có những ý nhỏ hơn tránh tình trạng sót ý”.
Vy (ngoài cùng bên trái) và các bạn |
Cô thủ khoacho rằng, sở dĩ học và làm bài theo kiểu này là do theo dõi về cách làm bài thi môn Địa lý và chấm điểm trong nhiều năm gần đây cho thấy đề thi môn này thường được chấm theo ý, vì vậy khi bài làm cũng triển khai theo ý gạch đầu dòng và viết rõ ràng ý nào ra ý đó.
“Càng học càng thấy thích môn này. Khi đã yêu thích thì say mê tìm hiểu, ngoài việc học trong SGK, cũng cần phải học trên sách báo vì môn Địa gần như gắn với đời sống xã hội và thực tiễn, từ những kiến thức lý thuyết có thể ứng dụng trong thực tiễn để bài học thêm sâu sắc” – Thùy Vy chia sẻ.
Không tin vì đỗ thủ khoa
Lương Thùy Vy cho biết, điều khó khăn nhất đối với những người học khối C là kiến thức dài, rộng, nếu chỉ nhìn vào những con chữ lý thuyết mà không biết vận dụng thì khó hiểu được cốt lõi vấn đề.
Sau thi tốt nghiệp THPT chỉ còn đúng 1 tháng để thi đại học, khối kiến thức để “so tài” đã được thầy cô cung cấp cả năm, vì vậy tháng cuối là thời điểm để Vy hệ thống hóa lại kiến thức này.
Trong suốt 12 năm học, Vy đều là học sinh giỏi toàn diện, năm lớp 11, Vy được chọn trong đội học sinh giỏi Sử, đi thi quốc gia, giành giải nhì môn Sử và là học sinh xuất sắc nhất khối. Lớp 12, Vy đạt giải ba môn Sử cấp quốc gia.
Hiện tại, bố Vy đã nghỉ hưu ở nhà phụ giúp gia đình; mẹ bán hàng gia dụng ở chợ Cồn (Đà Nẵng).
Lương Thùy Vy cho biết đã xác định thi vào ngành luật từ năm lớp 11. Cô thủ khoa nhận định: Luật thương mại cũng là ngành “hot” bởi kinh tế thị trường phát triển, doanh nghiệp ngày càng nhiều…cần luật thương mại nên cơ hội ra trường làm việc cũng rất "rộng cửa".
• Lê Huyền