- Theo TS Nguyễn Kim Dung, Viện phó Viện nghiên cứu sư phạm (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cơ sở vật chất, trang thiết bị, lòng nhiệt tình của giáo viên bên cạnh năng lực của học sinh là những yếu tố rất quan trọng làm nên trường chất lượng cao.

{keywords}

TS Nguyễn Kim Dung: "...Phải có sự công bằng trong giáo dục, bất kể học sinh xuất thân từ thành phần nào, đều có thể tiếp cận với nền giáo dục cao"

Phải nghiên cứu để con nhà nghèo không thiệt

- Quan điểm của bà thế nào về việc xây dựng các trường chất lượng cao?

Không một nhà giáo dục, hệ thống giáo dục, xã hội nào lại không ủng hộ trường chất lượng cao.

Trong xã hội hiện đại, nhu cầu bỏ tiền ra để nhận một nền giáo dục có chất lượng là chính đáng.

Nhà nước nên để cho người dân tham gia vào việc làm sao để có trường chất lượng cao ở những thành phố như Hà Nội và TP.HCM, còn những địa phương khác nơi người dân chưa có điều kiện thì giáo dục phải bao cấp.

Nghiên cứu các nước trên thế giới cho thấy, không thể nào trả tiền ít cho một cơ sở giáo dục chất lượng cao nếu như không có sự tham gia của nhà nước. Mà nhà nước cũng phải tham gia đầu tư xứng đáng mới có nền chất lượng cao.

Vì vậy, ở góc độ nào đó, nếu người dân nghĩ rằng có thể trả ít tiền cho điều họ mong muốn thì hậu quả của sự đầu tư ít được thấy rõ như tỉ lệ dân chúng có trình độ thấp, đồng nghĩa với tỉ lệ thất nghiệp, tội phạm cao…

Đó là hệ quả của một nền giáo dục rẻ tiền. Ai cũng hiểu là muốn có một nền giáo dục chất lượng thì phải tốn rất nhiều tiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu là nếu bằng lòng với giáo dục rẻ tiền, chúng ta càng phải trả giá nhiều lần.

Thực tế cho thấy, trong điều hiện nay, chi phí người dân dành cho giáo dục không ít. Người dân trả tiền cho con em mình học thêm rất nhiều, ở trường học sinh đi học một buổi, sau đó về nhà luyện thi… Tại sao không chính thức hóa một cách đàng hoàng, giáo viên dạy đàng hoàng và nhà trường có một kế hoạch minh bạch, rõ ràng chứ không phải trong tình trạng mờ ảo giữa lương và thu nhập như hiện nay?

Tuy nhiên, vấn đề mà xã hội chưa thể đồng tình ở đây là chưa có một lộ trình rõ ràng. Ví dụ: Bao nhiêu trường sẽ tham gia vào kế hoạch trở thành trường chất lượng cao này, bao nhiêu trường có khả năng là trường chất lượng cao?

Tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn đầu ra để người dân hình dung trường chất lượng cao khác chất lượng không cao ở chỗ nào? Bao nhiều trường có thể đạt được điều đó và bao nhiêu trường có thể cần phải trợ giúp để trở thành trường chất lượng cao?

Tôi nghĩ, chúng ta nên có những nghiên cứu cẩn thận để trả lời những câu hỏi trên. Nên xem xét đối tượng thu nhập của người dân và thành phần của người dân, đối tượng phụ huynh có thể đóng học phí cao. Nếu không nghiên cứu mà làm ồ ạt, đưa tất cả các trường có điều kiện tốt hơn vào chất lượng cao thì vô hình trung, trường chất lượng cao là dành cho con nhà giàu, còn con nhà nghèo lại phải học trường chất lượng không cao.

Không giải thích rõ mô hình dễ bị phản đối

- Thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng không phải học phí cao là có chất lượng cao, hơn nữa trường chất lượng cao chỉ dành cho con nhà giàu, trong khi đó một bộ phận chịu được nhiệt thì cho rằng việc lập ra trường chất lượng cao để có một sự cạnh tranh trong học tập cho các em. Quan điểm của bà như thế nào?

Những câu hỏi của mọi người đều rất chính đáng, nếu không được giải thích rõ ràng thỏa đáng thì sự thắc mắc, chống đối, phản đối mô hình này là luôn xảy ra.

Nếu xét ở những con số thống kê, cơ sở khoa học thì có thể kết luận là hiện nay, ai cũng muốn cho con em mình học trường chất lượng cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng cho con em mình theo học những trường như vậy.

Ví dụ: Khi khảo sát tại một trường THPT chất lượng cao tại TP.HCM, dữ liệu cho thấy có khoảng 25% số học sinh là con em lao động.

Điều đó có nghĩa là cũng có nhiều phụ huynh không thuộc tầng lớp nhà giàu vẫn sẵn sàng trả tiền cho con em mình học ở một ngôi trường có kinh phí cao hơn (tất nhiên học sinh phải đáp ứng được những tiêu chuẩn đầu vào).

Chúng tôi cũng đã từng khuyến khích các trường này nên dành 10- 15% học bổng cho những em gia đình nghèo vì có được những học sinh học giỏi trong trường là một chiến lược dài hạn của rất nhiều trường hiện nay.

Một điều nữa, khi phụ huynh sẵn sàng đóng góp thì tiêu chí chất lượng cao cũng phải được định nghĩa rõ ràng.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, lòng nhiệt tình của giáo viên bên cạnh năng lực của học sinh là những yếu tố rất quan trọng làm nên trường chất lượng cao.

Trong đó, năng lực của học sinh đóng vai trò quyết định nhất, còn năng lực giáo viên, chính sách của nhà trường, cơ sở vật chất, trang thiết bị sẽ là những yếu tố đóng vai trò quan trọng kế tiếp. Vì vậy, phải định nghĩa rõ ràng những yếu tố làm nên chất lượng đó.

Giàu, nghèo là một vấn đề nhạy cảm của bất cứ xã hội nào, nếu không có những chính sách rõ ràng có thể gây tranh cãi.

Cái logic là gia đình khá giả lo cho con họ tốt hơn, con họ học tốt hơn thì học ở những trường chất lượng cao hơn. Nếu như trước kia họ không phải đóng tiền, thì bây giờ phải đóng tiền. Những học sinh nào mà phụ huynh không có khả năng, vẫn được học ở các trường mà ngân sách nhà nước sẽ được rót vào nhiều hơn để nâng cao chất lượng.

Còn nếu nói rằng, việc lập những trường chất lượng cao chỉ cho còn nhà giàu là không phải. Hãy bảo vệ con nhà nghèo bằng cách tốt nhất cho thể, không nên nói suông rằng "tôi phải dành trường đó cho con nghèo".

- Theo bà các chủ thể tham gia vào việc thành lập trường chất lượng cao cần phải như thế nào?

Nếu nhìn tổng thể, Luật Giáo dục Việt Nam đã quy định rõ về các cấp học và mong muốn gì ở các cấp học.

Ở đây chỉ xét đến cấp học THPT, các em học xong THPT có hai định hướng là học lên cao hoặc tham gia vào thị trường lao động.

Trường chất lượng cao phải xác định được định hướng cho học sinh. Thực tế hiện nay cho thấy phần lớn những học sinh học ở trường chất lượng cao, có học lực xuất sắc đều muốn đi học lên đại học.

Nhà nước phải có những hoạch định, dựa vào các nghiên cứu rõ ràng.

Hiện nay nhà nước đã thực hiện phân cấp nhiệm vụ này xuống các sở, các trường thì các bộ phận này phải có lộ trình, kế hoạch chiến lược nhất định. Lộ trình nghiên cứu trở thành chất lượng cao có chấp nhận được hay không, đặc biệt là từ phía những người dân nơi địa bàn trường đang đóng. Khi nhà trường đã vạch ra được lộ trình có nghiên cứu thì phải lên kế hoạch và nhà nước dựa vào kế hoạch đó để đồng ý hoặc không đồng ý, tham mưu ý kiến của một hội đồng khoa học và người dân.

Về phía giáo viên, phải được yêu cầu đóng góp ý kiến vào lộ trình của nhà trường và cam kết thực hiện, đặc biệt trong điều kiện có vấn đề khúc mắc giữa dạy thêm và dạy trong trường.

Người giàu cho con học tử tế là không sai

- Bà nghĩ như thế nào khi có ý kiến rằng cho rằng việc thiết lập trường chất lượng cao là đang công khai thiết lập một xã hội đẳng cấp chính thức, điều này có nằm trong định hướng XHCN?

Cần phải hiểu rằng hiện nay ngân sách dành cho giáo dục của chúng ta không nhiều. Nếu yêu cầu nhà nước phải bỏ nhiều ngân sách hơn để lo cho giáo dục thì tiền đâu để nhà nước lo? Tất cả cũng là từ tiền thuế của người dân. Nếu có những người dân sẵn lòng cùng lo với nhà nước, tại sao không?.

Mục tiêu lập ra những trường chất lượng cao là mong muốn của những trường mà phụ huynh có khả năng giúp cho trường tự lo cho mình, để nguồn ngân sách của nhà nước dành cho các trường khác. Mục tiêu này không chống lại định hướng XHCN.

Mục tiêu XHCN là tất cả mọi người dân đều được đi học, được hưởng những thành quả do mình tạo ra. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa có người giàu nhưng xã hội xã hội chủ nghĩa không chống lại họ. Người giàu đã làm việc cật lực để có tiền, và có tiền để cho con cái học hành tử tế là không sai và là mục tiêu để người chưa giàu phấn đấu.

Như vậy mục tiêu của nhà nước nên là tạo điều kiện để cho ai cũng có thể trở thành người giàu, chứ không phải mục tiêu để tất cả mọi người phải nghèo. Đừng lập luận rằng chúng ta đều nghèo, ai cũng phải vào học trường nhà nghèo, bằng lòng với cái nghèo của mình. Còn nếu đặt vấn đề là có những người giàu không chính đáng thì mục tiêu của nhà nước là làm sao để không còn tồn tại việc có người giàu một cách không chính đáng đó.

- Cảm ơn bà!

  • Lê Huyền (Thực hiện)