Hướng tới một nền giáo dục phát triển toàn diện, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thể hiện quyết tâm xây dựng mô hình trường công lập chất lượng cao. Song đi kèm với đó thì mức thu học phí đối với các HS theo học tại trường này cũng khá cao tạo nên những trăn trở trong dư luận. Vấn đề là các cơ sở giáo dục phải quản lý về tài chính hợp lý và đảm bảo được chất lượng dịch vụ giáo dục.

Băn khoăn về mức học phí

Tại Hà Nội, vấn đề xây dựng mô hình trường công chất lượng cao tại các trường đã được Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội thông qua đầu tháng 7.

Theo Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 17/7/2013, từ năm học 2013 - 2014, Hà Nội sẽ áp dụng mô hình trường chất lượng cao (CLC) với những tiêu chí, cơ chế tài chính cụ thể.

{keywords}

Loại hình trường này cũng phải đảm bảo nhiều tiêu chí bắt buộc của trường CLC gồm: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Tùy theo cấp học, các tiêu chí có sự điều chỉnh, song đều hướng tới mục đích cuối cùng là bảo đảm điều kiện chăm sóc, dạy học tốt nhất để tạo ra những "sản phẩm" giáo dục có chất lượng toàn diện.

Với mô hình này, mức học phí áp dụng tối đa trong năm học 2013 - 2014 đối với trường mầm non và tiểu học là 2,9 triệu đồng/tháng; trường THCS và THPT là 3 triệu đồng/tháng. Đến năm học 2014 - 2015, các mức học phí tương ứng là 3,2 triệu và 3,4 triệu đồng/tháng. Hiện thành phố đã thực hiện thí điểm 18 trường công lập chất lượng cao và theo kế hoạch tới năm 2015 sẽ có khoảng 30 trường đào tạo theo mô hình này.

Mong muốn để con có được môi trường học tập tốt với đội ngũ GV giỏi về lĩnh vực chuyên môn và năng lực sư phạm là tâm nguyện của phụ huynh.

Nhưng với khoản tài chính lớn phải đóng góp hàng tháng thì rất nhiều gia đình không thể cho con theo học được.

Anh Tuấn ở phố Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Con trai đầu của anh năm nay chuyển lên cấp THPT. Mặc dù cháu rất hào hứng khi biết Trường THPT Lê Lợi là một trong những trường công xây dựng theo mô hình trường chất lượng cao nhưng khi được biết năm nay mức thu học phí với loại hình trường khá cao nên gia đình không thể đáp ứng được yêu cầu của con.

Anh Tuấn còn bày tỏ sự băn khoăn rằng mức thu học phí cao hơn rất nhiều so với các trường công lập khác thì liệu chất lượng giáo dục có tương xứng với việc đóng góp của phụ huynh?

Chị Liên ở Cầu Giấy cũng bày tỏ tâm tư: Với mức thu nhập hiện tại của các gia đình công chức như chị, tổng thu nhập là gần 10 triệu đồng/tháng nuôi hai con ăn học cộng với chi tiêu hàng ngày thì con không thể có cơ hội được học những ngôi trường như thế.

Phải kiểm soát được học phí và chất lượng đào tạo

Được xây dựng theo mô hình trường tự chủ về tài chính, Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội) đã có những thay đổi về diện mạo đặc biệt là chất lượng giáo dục.

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp, tự chủ về tài chính nên mức thu học phí của nhà trường cũng cao hơn so với các trường công lập.

Song để trường tồn tại và khẳng định được thương hiệu của mình thì BGH, đội ngũ GV và nhân viên đã không ngừng cố gắng về chuyên môn nghiệp vụ, có như vậy thì mới thu hút được phụ huynh và HS gắn bó với trường.

{keywords}

Chia sẻ về mô hình trường công lập chất lượng cao, GS Đinh Quang Báo – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Mô hình nào hướng tới việc nâng cao chất lượng giáo dục đều tốt, nhưng vấn đề là cơ chế tạo ra mô hình ấy như thế nào? Trường công được chuyển sang mô hình dịch vụ chất lượng cao có những thuận lợi vì các trường tư thục phải dành 60% tiền học phí phải chi trả cho cơ sở vật chất còn trường công thì thuận lợi hơn rất nhiều về cơ sở vật chất.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nêu ý kiến: Hiện nay, kinh phí dành cho giáo dục chưa thật đầy đủ và không thể cào bằng giữa các khu vực. Trên thực tế, nhu cầu hưởng thụ chất lượng giáo dục cao trong người dân là có. Một bộ phận người dân có thu nhập cao, có điều kiện cho con thụ hưởng mô hình giáo dục chất lượng cao nên đã cho con học ở một số trường dân lập dịch vụ cao hoặc du học ở nước ngoài. Nhiệm vụ của ngành Giáo dục cũng cần phải tìm ra mô hình giáo dục chất lượng cao vì vậy không chỉ các trường ngoài công lập mà ngay cả những trường công lập cũng phải tìm ra hướng đi riêng. Song để thực hiện được mô hình này cần có một cơ chế rõ ràng và cụ thể.

Hiện HĐND Thành phố Hà Nội cũng đã đưa ra nghị quyết về việc xây dựng và thí điểm mô hình tại một số trường.

Tuy nhiên các cấp có thẩm quyền cũng cần quy định rõ hơn về việc đóng góp học phí đối với những HS có hoàn cảnh khó khăn muốn theo học mô hình chất lượng cao này.

Bên cạnh đó, vai trò giám sát cũng phải đưa lên hàng đầu. Nhân dân có vai trò giám sát cộng đồng suốt trong quá trình thực hiện để đảm bảo việc đóng góp học phí phải tương ứng với việc hưởng thụ mô hình giáo dục chất lượng cao của con em họ.

Trong quá trình này đòi phải công khai, minh bạch, các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm giải trình với xã hội về các khoản thu chi. Sau một năm hoạt động các trường cũng cần sự kiểm định về chất lượng và phải được kiểm toán nhà nước kiểm tra về tài chính.

Theo Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 17/7/2013:

- Nguyên tắc thực hiện trường CLC: Bảo đảm công bằng về cơ hội học tập và phát triển của HS trong thụ hưởng ngân sách giữa HS trường công lập và HS trường công lập CLC; tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa trường công lập CLC và trường ngoài công lập CLC. Học phí của trường công lập CLC được thu tương xứng với tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy được kiểm định.

- HS trường công lập CLC vẫn được áp dụng các chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập như đối với HS tại các trường công lập. Phần kinh phí được miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập được ngân sách nhà nước chi trả trực tiếp cho HS.

- Cơ sở giáo dục công lập đang thực hiện thí điểm mô hình dịch vụ CLC trong năm học 2013 - 2014 chưa đạt tiêu chí để được công nhận là CLC được tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đang áp dụng đến hết năm học 2014 - 2015. Từ năm học 2015 - 2016 trở đi, nếu chưa được công nhận là cơ sở giáo dục CLC thì được chuyển về cơ sở giáo dục công lập bình thường.

 Theo Giáo dục - Thời đại