- Quyết định không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nước ở Đà Nẵng đang tạo nên nhiều luồng phản ứng khác nhau.
Khoa tại chức là.. khoa thịt chó?
Ủy ban Nhân dân (UBND) TP Đà Nẵng vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành, quận, huyện chỉ đạo không tiếp nhận mới sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước.
Quyết định "táo bạo" này đang tạo nên nhiều luồng phản ứng khác nhau. Luồng ý kiến chiếu vào các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước thì Đà Nẵng đã không đi "lề bên phải". Nhưng số đông chung quan điểm đây là cách làm mới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, bởi "mặt trái" của hệ đào tạo tại chức đến lúc phải xem lại.
Không ngẫu nhiên khi một cán bộ trường ĐH ở Hà Nội nhận định khoa Tại chức là..."khoa Thịt chó". Không ít lãnh đạo các trường ĐH, CĐ cho rằng, hệ tại chức là "cần câu cơm" của mình?
Trao đổi với báo chí, phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Phan Mạnh Tiến khẳng định, Nhà nước không phân biệt bằng cấp trong hệ thống giáo dục quốc dân, kể cả bằng giáo dục từ xa. Tuyển dụng là việc của TP Đà Nẵng nhưng không được phép phân biệt bằng cấp. Bằng các loại hình đào tạo đều có giá trị sử dụng như nhau. Nếu muốn nâng cao chất lượng thì cứ tổ chức thi tuyển công bằng, sòng phẳng, ai giỏi thì được chứ không được phân biệt bằng cấp.
Tại khoản 2, Điều 36 của Luật Cán bộ, Công chức hiện hành quy định về đối tượng “không được đăng ký dự tuyển công chức” gồm 3 đối tượng.
Cụ thể là đối tượng không cư trú tại Việt Nam; Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Do vậy, việc đưa ra chỉ đạo không tiếp nhận mới sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước là trái với Luật Cán bộ, Công chức hiện hành. Vì luật không có quy định nào đề cập đến việc người tốt nghiệp hệ tại chức thì không được quyền dự tuyển vào các cơ quan nhà nước.
Đà Nẵng nói không phạm luật
Theo quan điểm của GS Nguyễn Minh Thuyết, xét về thực chất, phải thẳng thắn nhìn nhận là mặt bằng chung đào tạo chính quy và tại chức vẫn khác nhau. Nhiều người đi học tại chức theo kiểu “đánh trống ghi tên”, việc tổ chức kiểm tra thi cử thì hệ tại chức cũng kém chặt chẽ hơn là chính quy.
Chính vì vậy, việc làm của UBND Đà Nẵng cho thấy một thực tế là: chất lượng đào tạo hệ tại chức chưa được xã hội tin tưởng, ông Thuyết nói.
Có thể một số cơ quan lo ngại rằng nếu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp tại chức thì khó có thể tránh khỏi trường hợp con ông cháu cha không đỗ vào ĐH chính quy lại đi theo một “con đường khác” để vào chiếm chỗ trong cơ quan nhà nước trong khi những người có năng lực thực sự, đỗ ĐH có điểm cao... nhưng vì không có mối quan hệ này khác thì không vào được cơ quan nhà nước.
Lo ngại nêu trên có thể là một căn cứ thực tế khiến UBND TP Đà Nẵng đưa ra quy định như vậy? - GS Thuyết nghi vấn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Công Ngữ, giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết, sở dĩ TP có quyết định không tuyển sinh viên hệ tại chức vào các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao đội ngũ cán bộ ngày càng có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
Mặt khác, hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ nguồn kinh phí của TP còn rất lớn, số sinh viên có trình độ chuyên môn cao này sau khi ra trường sẽ được bổ sung, tiếp nhận vào các cơ quan nhà nước.
Bởi vậy, quyết định "không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức" là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế về nguồn cán bộ hiện nay của TP và không vi phạm về luật theo các quy định hiện hành. - ông Ngữ khẳng định.
Ông Ngữ lập luận, “tất cả công việc tiếp nhận cán bộ của TP luôn công bằng cho mọi đối tượng. Ngoài việc không tiếp nhận sinh viên tại chức, công tác tiếp nhận cán bộ của TP cũng được tiến hành rất chặt chẽ để lựa chọn được những người tài nhằm tạo nguồn lãnh đạo kế cận. Việc tiếp nhận cán bộ chặt chẽ, chất lượng đến mức hằng năm TP còn mở các cuộc thi tuyển khi tiếp nhận đối với các sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy để tiếp tục tham gia các lớp đào tạo”.
Cùng trao đổi Tuổi trẻ phó Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng Đào Tấn Bằng cho hay, quyết định trên vừa được Thành ủy Đà Nẵng thống nhất thông qua và giao cho UBND TP thực hiện. Số cán bộ hiện đang công tác tại các cơ quan nhà nước tốt nghiệp ĐH tại chức vẫn làm việc bình thường....
Hệ tại chức bị tẩy chay?
Việc chính quyền Đà Nẵng nói “không” với bằng tại chức được giải thích là xuất phát từ ý tưởng muốn nâng cao năng lực của bộ máy Nhà nước.
Quyết định tẩy chay hệ tại chức của TP Đà Nẵng là một cú sốc để ngành giáo dục nhìn lại hệ đạo tạo này. Rõ ràng, từ khi ra đời tới nay, tại chức đã bị gắn nhãn mác dễ dãi và kém chất lượng mà ngành giáo dục không chịu sửa đổi.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM Nguyễn Văn Thư cho rằng, ba năm trở lại đây, kỳ thi tuyển sinh ĐH tại chức cũng sử dụng đề chung hai môn trắc nghiệm do Bộ GD-ĐT ra, đề toán do các trường tự ra. Điểm sàn ba môn cũng đã 12 điểm, không thấp hơn là mấy so với điểm sàn hệ chính quy. Đầu vào, chất lượng hệ tại chức bây giờ đã khác trước.
"Thực tế, nhiều khi giảng viên cũng châm chước cho sinh viên tại chức nhưng chúng tôi yêu cầu phải quan tâm gắt gao hơn" - ông Thư nói.
Còn TS Phạm Tấn Hạ, phó Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) nhìn nhận, mỗi hệ đào tạo có những đặc thù riêng. Điều kiện đi học của người học cũng khác nhau, đầu vào khác nhau.
Trong quá trình dạy, giảng viên có thể cảm nhận được sức học của hệ tại chức và cho đề thi ở mức độ dễ hơn. Tuy nhiên, trường vẫn kiểm soát chất lượng. Trong các lớp tại chức cũng có những học viên học rất tốt.
Còn vấn đề người học đáp ứng được yêu cầu như thế nào của người tuyển dụng phải qua thực tế. Chúng ta tuyển người vào làm việc và cần xem họ có đáp ứng được yêu cầu chuyên môn công việc hay không chứ không phải vấn đề bằng cấp.
Theo quan điểm của phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng Lê Tấn Duy, về bản chất, đào tạo tại chức không thua kém gì chính quy. Vấn đề quyết định là sinh viên ra trường làm được việc, chất lượng là đó chứ không phải bằng cấp.
Việc đào tạo tại chức tại ĐH Đà Nẵng được sàng lọc rất cao, thậm chí là khắt khe. Vì vậy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tại đây chỉ đạt 30-50%. Tuy nhiên, nhiều trường đào tạo tại chức có thể đã quá dễ dãi khiến xã hội có cái nhìn không tốt về chất lượng đào tạo chung của hệ này.
-
Nguyễn Hiền (tổng hợp)