Báo cáo kết quả đánh giá học sinh quốc tế mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) làm dấy lên nhiều lo ngại về chất lượng và năng lực của học sinh Thái Lan, trong khi đó cũng gợi nhiều tò mò về hệ thống giáo dục của Singapore và Việt Nam.


Kết quả của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế năm 2015 (hay còn gọi là PISA 2015) cho thấy điểm số của học sinh Thái Lan giảm xuống, trong khi Singapore đánh bại Trung Quốc đã giành vị trí dẫn đầu trong số 70 quốc gia tham gia đánh giá.

{keywords}Một ngạc nhiên khác là điểm số của học sinh Việt Nam – quốc gia có vị trí xếp hạng tăng đáng kể so với lần đánh giá trước đó vào năm 2012 – tăng từ vị trí thứ 17 lên vị trí thứ 8, “vượt mặt” cả một số quốc gia phát triển.

Thái Lan xếp vị trí thứ 54, trong đó điểm số tất cả các môn đều giảm so với năm 2012. Cụ thể, môn toán của học sinh Thái Lan đứng thứ 54, môn đọc xếp thứ 57 và môn khoa học ở vị trí thứ 54.

Lần đầu tiên Thái Lan tham gia PISA là năm 2000. Bài thi này là cuộc khảo sát định kỳ được tiến hành bởi OECD để đánh giá học sinh 15 tuổi ở các kỹ năng: đọc hiểu, toán học và khoa học.

Vậy, lý do nào giúp Singapore và Việt Nam thành công?

Trong một văn bản gửi cho BBC, giám đốc giáo dục của OECD – ông Andreas Schleicher cho rằng, yếu tố then chốt là chất lượng giảng dạy. Kết quả của Singapore không có khác biệt nhiều giữa học sinh giàu và học sinh nghèo. 

“Singapore đầu tư mạnh tay vào lực lượng giảng dạy chất lượng nhằm nâng cao uy tín và vị thế của nghề giáo để thu hút những sinh viên giỏi nhất” – ông Schleicher viết. Ông cũng cho biết thêm rằng, quốc gia này tuyển dụng giáo viên từ tốp 5% sinh viên tốt nghiệp đại học giỏi nhất.

Còn với trường hợp của Việt Nam, ông Schleicher cho rằng thành công này là nhờ tầm nhìn xa trông rộng của các lãnh đạo, là nhờ chương trình học tập trung, là nhờ vị trí xã hội cao và sự đầu tư vào giáo viên.

{keywords}

Ông cũng rất quan tâm tới chương trình học của học sinh Việt Nam – một chương trình được thiết kế cho phép học sinh có thể hiểu sâu về các khái niệm cốt lõi và rèn luyện tốt các kỹ năng cốt lõi – trái ngược với chương trình học “rộng hàng dặm nhưng sâu chỉ vài inch” của các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ.

“Gần 17%  học sinh 15 tuổi nghèo nhất của Việt Nam nằm trong số tốp 25% học sinh có thành tích cao nhất trong số tất cả quốc gia và nền kinh tế tham gia bài kiểm tra PISA. Trong khi đó, tỷ lệ trung bình của tất cả các quốc gia OECD là 6%” – bài viết trên BBC đưa thông tin.

Viện Đẩy mạnh giảng dạy khoa học và công nghệ Thái Lan cho rằng, kết quả PISA phản ánh một sự đứt vỡ của xu hướng: thành tích giáo dục có liên quan tới GDP và ngân sách đầu tư cho giáo dục của quốc gia đó.

Viện này cho biết, đạo đức làm việc của người Việt nam đảm bảo rằng các giáo viên phải làm việc rất vất vả, có trách nhiệm, có kỷ luật và hiếm khi có thời gian rảnh rỗi.

Học sinh Việt Nam cũng rất thích học. Nghiên cứu cho thấy, không giống như học sinh Thái Lan, học sinh Việt Nam không sợ môn toán.

Học sinh Việt dành trung bình 227 phút mỗi tuần để học toán, trong khi học sinh Thái dành trung bình 206 phút, mặc dù học sinh Việt Nam chỉ dành tổng số 31 giờ học mỗi tuần – thấp hơn học sinh Thái với 36 tiếng mỗi tuần.

Vậy điều gì đang diễn ra ở Thái Lan?

Ông Athapol Anunthavorasakul – một học giả về giáo dục của ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) cho rằng kết quả PISA đã phản ánh sự chênh lệch nghiêm trọng giữa học sinh ở những trường nổi tiếng và học sinh nông thôn ở nước này.

“Nó cho thấy Thái Lan đang không đầu tư nguồn lực cho giáo dục một cách công bằng” – ông nói.

Ông Athapol cho hay, trong 2-3 năm qua, Bộ Giáo dục Thái Lan đã đầu tư tiền bạc để có được kết quả PISA tốt hơn bằng việc đào tạo giáo viên và học sinh chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá của PISA, thế nhưng kết quả vẫn tệ.

“Tôi cho rằng Bộ đang đi sai hướng. Thay vì chi tiền cho việc đào tạo giáo viên và học sinh ở một số trường để thi PISA, thì Bộ nên tập trung thu hẹp khoảng cách giữa học sinh ở các trường chuyên với học sinh ở vùng nông thôn, xa xôi hẻo lánh”.

Ông Athapol cũng cho biết, những trường tham gia PISA sẽ được chọn ngẫu nhiên, vì thế có thể xem xét quan điểm cho rằng điểm số của một quốc gia chỉ là kết quả trung bình của một nhóm học sinh được chọn. Một quốc gia có thể có điểm trung bình tương đối cao nhưng cũng có thể có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm học sinh khác nhau.

“Trong PISA 2012, có những học sinh tới từ các trường đã được ôn luyện và các trường thuộc Princess Chulabhorn College (các trường chuyên về toán, khoa học, công nghệ, môi trường), và đó là lý do tại sao chúng ta thấy điểm số của Thái Lan có tăng nhẹ trong năm đó” – ông giải thích.

Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin thừa nhận rằng ông cũng thất vọng với thành tích của học sinh nước này. Ông nói, kết quả này phản ánh khoảng cách lớn về khả năng của học sinh ở những trường ưu tú với học sinh ở những vùng xa xôi.

Ông Teerakiat lưu ý, thành tích các môn khoa học, đọc hiểu và toán học của học sinh ở một số trường như Mahidol Wittthayanusorn và Chulabhorn Wittayalai là tương đương với các trường ở các nước được xếp hạng cao ở PISA.

Tuy nhiên, kết quả PISA phản ánh thành tích chung của học sinh tất cả các trường, vì thế, kết quả này là một sự thất vọng – ông nói.

Ngô Nguyễn (Theo Bangkok Post)

http://www.bangkokpost.com/news/general/1162805/thai-education-system-fails-to-deliver