Bậc lương cho nhà giáo phải có ưu đãi

Tại cuộc họp của Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi chiều 21/2, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lương nhà giáo, đảm bảo nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội.

Thường trực ủy ban cũng đã đề xuất hai phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội xung quanh vấn đề này. Phương án thứ nhất đề xuất, Luật Giáo dục sửa đổi cần quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp.

Ở phương án hai, cần quy định phụ cấp ngành giáo dục có hệ số cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò đặc thù của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội.

{keywords}

“Không nên quy định nghề giáo có phụ cấp cao nhất”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm, không nên quy định bảng lương riêng cho nhà giáo. Như vậy là trái với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW có 3 bảng lương.

Ngoài ra, cũng không nên quy định nghề giáo là nghề có mức phụ cấp cao nhất. Chủ tịch quốc hội cho rằng, bậc lương cho nhà giáo nên có những ưu tiên phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Khắc Định cũng đồng tình rằng, việc đề xuất nghề giáo có mức phụ cấp cao nhất là không ổn. Thực tế vẫn còn rất nhiều nghề khó khăn hơn. Do vậy, phương án nhà giáo được ưu tiên xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ là phù hợp hơn cả.

Phân luồng để tránh tâm lý nặng nề khoa bảng

Về quy định hướng nghiệp, phân luồng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, khi học sinh bước vào THPT cần có sự phân luồng rõ.

“Khi vào cấp THPT thì có THPT toàn phần là bước phát triển sau này lên đại học, đồng thời cũng có học THPT kết hợp học nghề”.

Theo ông Hiển, những năm 2004-2005, đã có những trường THPT dành thời gian buổi chiều cho học sinh học kỹ thuật. Khi tốt nghiệp 3 năm, các em vừa có thể có bằng tốt nghiệp, vừa có bằng công nhân kỹ thuật bậc 3.

“Đó cũng là hướng đi đúng, tạo ra lực lượng lao động hợp lý, tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Các em học nghề có thể học liên thông, muốn nâng cao tay nghề thì học cao đẳng nghề. Đó là cách hợp lý nhất giúp tiết kiệm nguồn nhân lực và tài chính cho xã hội”.

{keywords}

Phân luồng là hướng đi đúng, tạo ra lực lượng lao động hợp lý, tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”

Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc phân luông là vấn đề rất lớn. Nếu không giải quyết thực tế này, học sinh sẽ đổ xô vào học đại học, cao đẳng.

Giải quyết việc phân luồng cũng là để phụ huynh xác định được con em mình học đến mức độ nào đó thì đi tiếp vào đại học hay học nghề, có công ăn việc làm, có thu nhập và vẫn được xã hội tôn vinh, tránh tình trạng nặng nề khoa bảng kéo dài từ xưa đến nay.

Trẻ em mầm non và học sinh công lập được miễn học phí

Về chính sách học phí, theo ban soạn thảo, vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với quy định trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí.

Đối với hệ dân lập, tư thục sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí. Cũng có một số ý kiến cho rằng, nên miễn hoàn toàn học phí và các chi phí khác ngoài học phí cho các đối tượng học sinh thuộc diện phổ cập trong nhà trường thuộc các loại hình.

Về nội dung này, Chính phủ đồng ý với ý kiến của đa số nhân dân và giữ quy định: “Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức thu học phí được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định. Đối với các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học”.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu sự đồng tình nên có chính sách học phí.

“Trong Hiến pháp quy định phải phổ cập Tiểu học. Tôi cho rằng phải miễn học phí cho cấp Tiểu học. Đối với trường dân lập, tư thục chúng ta có hỗ trợ tùy thuộc vào khả năng, ngân sách nhà nước. Mức hỗ trợ này có thể bằng mức chi cho những học sinh ở trường công lập.

Đối với đối tượng học sinh THCS cần tính toán thêm. Có thể ở những nơi vùng sâu, vùng xa, miền núi có chính sách miễn, còn lại những nơi khác phải tùy thuộc vào tình hình thực tế địa phương”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ.

 

 

Về vấn đề một chương trình nhiều bộ SGK, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến, với điều kiện đất nước hiện nay, trước hết vẫn nên có một bộ SGK thống nhất dùng chung. Tất nhiên vẫn cần đi theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương, tức có lộ trình hướng tới cho xây dựng nhiều bộ SGK. Nhưng mục tiêu này sẽ tiến tới khi trình độ dân trí, nhận thức xã hội nâng cao hơn.

 

Thúy Nga

Đề xuất tuyển dụng ngành sư phạm như quân đội

Đề xuất tuyển dụng ngành sư phạm như quân đội

 - Phó Chủ tịch Quốc Đỗ Bá Tỵ cho rằng tuyển dụng giáo viên nên theo cách như quân đội; ứng viên không cần thi công chức, nhưng phải có ràng buộc đối với sinh viên.