- Gặp cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Xuyên vào một ngày mưa trước thềm năm học mới chỉ vài ngày, cô cho biết, mấy hôm nay lên trường không làm được việc gì vì phải đi dỗ các con mới vào lớp 1.
Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) vài ngày trước lễ khai giảng năm học 2018-2019. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Cô Xuyên về làm Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) từ tháng 1/2017. Chưa đầy 2 năm nhưng cô đã rất thông hiểu hoàn cảnh học sinh, giáo viên ở ngôi trường mà mình được phân công quản lý.
“Mấy hôm nay, mới chỉ cho các con lên làm quen với trường lớp, ôn lại bài vở. Các cháu lớp 1 còn nhỏ đã phải xa gia đình, ăn cũng khóc, ngủ cũng khóc, lên lớp lại khóc. Có đứa từ thứ Hai đến hôm nay khóc không ngớt, vì lâu quá không được về, nhớ mẹ”.
Đó là chị Xuyên đang kể về những học sinh lớp 1 – những em bé 6 tuổi đã phải xa gia đình đi học bán trú tuần ở điểm trường chính. Bán trú tuần tức là các em sẽ học, ăn, ngủ ở trường từ thứ Hai tới thứ Sáu, cuối tuần mới được về nhà với gia đình.
Vừa là cô giáo, vừa là bảo mẫu
Có thâm niên 22 năm đứng lớp, trong đó đã có 8 năm dạy lớp 1, cô Tô Thị Miên – giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu – đã quá quen với sự vất vả khi đảm nhiệm lớp đầu cấp.
Cô Miên nói, dạy lớp 1, đặc biệt lại là trường bán trú, cô giáo còn kiêm luôn bảo mẫu. Những ngày đầu tiên đến trường, các con bật khóc bất cứ lúc nào nhớ nhà. Có em khóc suốt 3 tháng đầu. Nhiều đứa nhớ nhà quá lại trốn về cùng với các chị lớp trên. Các cô lại đuổi theo, thuyết phục các con quay lại trường.
“Thỉnh thoảng các cô lại tặng quyển vở, cái bút, chiếc khăn mặt để ‘dỗ’ học sinh ở lại. Cuối tuần các con về nhà là lại dúi gói bánh, gói kẹo để các con vui khi có quà cầm về nhà” – cô Miên kể.
Một học sinh vừa vào lớp 1 khóc vì nhớ nhà mặc dù đã có chị gái bên cạnh |
Để chăm sóc, quản lý hơn 150 đứa trẻ, mỗi ngày trường phân công 1 quản sinh và 2-3 giáo viên coi sóc khu nội trú. Với học sinh THCS, các cô nhàn hơn vì các em đã tự lo được cho mình. Với những đứa trẻ 6 tuổi còn đang khóc oe oe đòi mẹ, ngoài việc chăm lo bữa ăn hằng ngày, các cô phải tắm rửa, hướng dẫn các con làm vệ sinh cá nhân.
Cô Miên tâm sự, trẻ trên này không giống trẻ dưới xuôi. Vào lớp 1 vẫn chưa biết đánh răng, tắm gội vì ở nhà bố mẹ chúng cũng không quan tâm nhiều đến mấy việc đó. Các cô lại là người nhắc nhở các con thay quần áo hằng ngày, hướng dẫn từ cách dội nước khi đi vệ sinh...
“Ở đây người dân đi vệ sinh không bao giờ dùng giấy, toàn dùng cây que. Các con lớp 1 thiếu ăn, người bé xíu, trông rất tội” – cô Xuyên, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Thậm chí, có những em “ị” ra quần mà không biết nói. Chuyện đó cô Miên gặp thường xuyên và bây giờ cô coi đó là chuyện đương nhiên khi được phân công dạy lớp 1.
“Năm ngoái, lớp của tôi còn có em đi học vẫn còn cởi truồng. Con đi học mầm non cũng khóc ròng rã, cô bế suốt trên tay. Chính tay mình phải đi xin anh em họ hàng từng cái quần, cái áo cho con mặc”.
Phải mất từ 2-3 tháng để đưa học sinh lớp 1 vào nề nếp. Sau đó, những công việc vệ sinh cá nhân hằng ngày các con sẽ dần tự làm được, hoặc nhờ các anh chị lớp lớn giúp.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Hà Lâu, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh |
Học bán trú tuần, những đứa trẻ lớp 1 sẽ được sắp xếp ở cùng phòng với các anh chị lớp lớn, vì những ngày mưa gió các con sợ sấm chớp, rồi lúc nhớ mẹ oà khóc, những đứa trẻ lớn hơn sẽ kịp thời báo cho cô.
Suốt 8 năm dạy lớp 1, chuyện phải ở lại sau giờ chính khóa để kèm thêm những học sinh yếu, chậm là công việc quen thuộc của cô Miên.
“Có một thời gian, gia đình cũng phàn nàn tại sao lại về muộn thế, sao thứ Bảy người ta được nghỉ mà mình vẫn lên trường. Tôi chỉ biết nói rằng, học sinh của mình yếu thì mình phải có trách nhiệm. Có những hôm từ trường về nhà, đường đã lên đèn. Mua thức ăn nấu sẵn ngoài chợ là chuyện thường xuyên. Rồi gia đình cũng quen và hiểu cho công việc của mình”.
Nhà cô Miên cách trường 28km. Trừ cuối tuần, chưa một ngày nào cô nghỉ ở nhà. Cô nói, rất may là con cái cô đã lớn, nên có thời gian để dành cho các em nhiều hơn.
Một kỷ niệm mà đến giờ cô Miên vẫn còn nhớ mãi xảy ra cách đây 5 năm. Em học sinh ấy tên Toàn. “Học hết năm lớp 1 mà em vẫn chưa biết gì nên phải ở lại thêm một năm nữa”.
Em bị bệnh gì đó khiến da tay bong tróc. Tay em cứng như que củi, không cầm nổi cây bút để viết. Mỗi lần cô cầm tay để uốn thì em kêu đau. Ngày nào cô Miên cũng ở lại cuối giờ để rèn cho cậu học trò.
Tưởng chừng hết hi vọng, thì đến một ngày em reo lên: “Cô ơi, con viết được rồi!”. Thế rồi em bật khóc.
Hai cô trò đều mừng. Ngày hôm sau, cô khen em trước lớp. Từ đó, như có đà, cậu bé ngày một tiến bộ. Trong vòng một tháng, em bắt đầu viết được các nét. Hết học kỳ 1, em viết được chữ như các bạn. Mẹ Toàn cũng lên khoe với cô, rồi bật khóc nói rằng: "Em tưởng con em không viết được".
Những lát cắt giáo dục cận kề ngày khai giảng
Trưa thứ Tư, trời mưa tầm tã. Thầy trò trường Wellspring háo hức đón khách New Zealand tới trao giải cuộc thi biến đổi khí hậu. Còn ở Yên Bái, thầy cô đang tỏa đi các bản làng kéo học sinh đến trường sau lũ.
Trước đó, Toàn tự ti, không bao giờ cười nói gì, nhưng từ khi viết được chữ, em bắt đầu sôi nổi hơn. Bây giờ, cậu bé Toàn đã học lớp 6 và trở thành một trong những học sinh khá của lớp. Các cô giáo dạy em sau này đều nhận xét cậu bé ham học, tích cực phát biểu trong lớp.
Khi được hỏi, cô mong muốn gì cho năm học mới, cô Miên nghĩ ngay đến những bộ quần áo trắng cho các con. “Ở vùng cao không có khái niệm mua quần áo trắng cho con. Quần áo trắng toàn là do các cô đi xin”.
Cô Miên kể, mỗi lần có đoàn từ thiện gửi quần áo lên, các em mừng lắm. Những phụ huynh gần đó cũng đến chọn quần áo cho những đứa còn đang học mẫu giáo.
“Quần áo từ thiện nhưng nhiều bộ còn mới lắm, còn tốt hơn nhiều những bộ quần áo đã đen bết mồ hôi mà các con vẫn mặc”.
Làm bán trú tốt, phụ huynh sẽ đồng thuận
Phòng ở bán trú tuần của học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Thực hiện Đề án 25 về việc sáp nhập các điểm trường lẻ, sau 3 năm, Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu đã giảm được 5 điểm trường, hiện tại còn 6 điểm tính cả điểm trường chính. Vì thế, học sinh ở những điểm bị xoá phải về điểm chính học. Có những cháu nhà cách trường 7-8km, phải qua sông suối nên không thể đi về trong ngày, phải ở bán trú tuần tại trường.
Theo cô Xuyên, hiệu trưởng nhà trường, chủ trương ghép điểm trường là một chủ trương đúng đắn. 5 điểm lẻ của trường Hà Lâu đã được xoá có tới 23 lớp với 56 học sinh. Năm ngoái có điểm trường chỉ có 2 lớp, mỗi lớp 4 học sinh. Số học sinh quá ít dẫn đến khó tập trung đầu tư vào cơ sở vật chất cho các em, chưa kể đến việc thiếu thầy cô bộ môn, chất lượng dạy học không được giám sát chặt chẽ.
“Mục đích của Đề án 25 sáp nhập các điểm trường lẻ là vì mỗi lớp chỉ có 3-4 học sinh mà vẫn phải có đủ giáo viên các bộ môn, kéo theo rất nhiều thứ. Về trường chính, các em được hưởng chung cơ sở vật chất tốt hơn, tham gia các hoạt động tích cực hơn, chất lượng dạy học cũng nâng lên hẳn”.
Tuy nhiên, để thuyết phục được phụ huynh và các em về điểm chính thì công tác bán trú phải làm tốt.
Ở trường Hà Lâu, theo chị Xuyên, hiện tại đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía phụ huynh. “Ban đầu bỏ điểm lẻ ở Bản Danh, Khe Tao, bà con nói ‘có điểm trường mà cô giáo không dạy, phá điểm trường ấy đi, không cho học sinh ra lớp nữa’. Mình cũng rất sợ. Nhưng khi các em ra đây học thì thấy thích. Phụ huynh thấy con em mình được chăm sóc tốt, cũng rất ủng hộ. Trước đây, học sinh của trường bỏ học nhiều nhất huyện. Nhưng từ năm ngoái đến nay, không có học sinh nào bỏ học”.
Dự kiến trong năm học này, điểm chính của Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu có 155 học sinh bán trú tuần. Mỗi em nhận chế độ 520 nghìn đồng/ tháng và 15 kg gạo.
Hiện khu bán trú của trường Hà Lâu có 18 phòng, mỗi phòng được bố trí 8 em, mỗi em một giường. Năm nay số học sinh lớp 1 tăng, dự kiến sẽ có 155 học sinh bán trú tuần, nghĩa là sẽ có phòng phải ghép 9-10 em mới đủ.
Cô Xuyên cho biết, nếu muốn tiếp tục dồn ghép điểm lẻ thì cơ sở của khu bán trú cần phải được đầu tư mở rộng thêm. Hiện tại, thậm chí có những em xin ở bán trú nhưng không đủ điều kiện để ở.
Theo ông Nguyễn Văn Ty – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, huyện Tiên Yên là địa phương đi đầu trong việc tinh giảm, sắp xếp lại các điểm trường và trường học.
Từ năm 2014 đến 2017, toàn địa bàn huyện đã giảm được 48 điểm trường, trong đó có 24 trường mầm non, 23 trường tiểu học và 1 trường THCS; sáp nhập 2 trường tiểu học.
“Việc dồn ghép điểm trường giúp nguồn chi ngân sách ngành giáo dục huyện tiết kiệm từ 20-24 tỷ/ năm. Số tiền đó được dành để đầu tư cơ sở vật chất cho những điểm trường chính, như tăng phòng học, phòng bán trú…”.
Bà Vũ Liên Oanh – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau gần 3 năm, tỉnh này đã giảm được 9 trường, 188 điểm trường.
Trong giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh dự kiến có 9/14 địa phương cấp huyện tiếp tục giảm 20 trường. Từ giai đoạn 2018-2021, có 10/14 địa phương cấp huyện dự kiến giảm 82 điểm trường, 64 lớp; 4 địa phương dự kiến giảm 44 điểm trường và 4 lớp.
Nguyễn Thảo
Thầy trò vùng tâm lũ Thanh Hóa lội bùn dự ngày khai giảng
Trong khi cả nước tưng bừng đón ngày khai giảng năm học mới, tại các vùng tâm lũ ở Thanh Hóa nhiều điểm trường phải lùi ngày khai giảng, hàng trăm học sinh không thể đến trường.
Những lát cắt giáo dục cận kề ngày khai giảng
Trưa thứ Tư, trời mưa tầm tã. Thầy trò trường Wellspring háo hức đón khách New Zealand tới trao giải cuộc thi biến đổi khí hậu. Còn ở Yên Bái, thầy cô đang tỏa đi các bản làng kéo học sinh đến trường sau lũ.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai giảng năm học mới
Cùng với gần 22 triệu học sinh sinh viên cả nước, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự lễ khai giảng năm học mới sáng nay.
Thầy cô oằn mình đẩy bùn lũ trong lễ 2/9 để trò khai giảng đúng ngày
Sau chạy lũ, các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt đang khẩn trương khắc phục hậu quả, rửa dọn trường lớp để các học sinh có thể được khai giảng năm học mới 2018-2019 đúng ngày 5/9.
Bộ trưởng Giáo dục đến nơi thầy trò Sơn La chạy lũ ngày cận kề khai giảng
Hôm nay 1/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ đã đến thăm điểm trường tại Sơn La nơi mà cách đây ít ngày các giáo viên và học sinh phải chạy lũ.