Sáng 17/7, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tuyển sinh đại học năm 2019, các lãnh đạo ngành giáo dục cùng đại diện hơn 300 trường đại học trên toàn quốc đã có những nhìn nhận thẳng thắn về kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vừa qua.

Đánh giá chung về kỳ thi, các đại biểu đều nhận định việc tuyển sinh đang diễn ra suôn sẻ và thành công với phổ điểm phản ánh thực chất của học sinh trên cả nước.

{keywords}

Ông Lê Trường Tùng kiên trì với đề xuất chỉ tổ chức thi để xét tốt nghiệp THPT cho 30% học sinh

Đề xuất 30% thí sinh học lực thi tốt nghiệp, còn lại xét đặc cách

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT cho rằng, việc thay đổi về tỉ trọng tính điểm tốt nghiệp cùng những điều chỉnh trong cách thức tổ chức, cách ra đề thi, nếu duy trì trong nhiều năm tới sẽ đảm bảo được sự ổn định.

Tuy nhiên, để phù hợp với lộ trình thay đổi của chương trình Giáo dục phổ thông mới diễn ra trong vài năm tới, khi các môn học thay đổi, việc thi cử cũng sẽ phải thay đổi theo.

“Kỳ thi THPT quốc gia nhằm 3 mục tiêu là xét tốt nghiệp; hỗ trợ để các trường tuyển sinh CĐ, ĐH; cung cấp số liệu đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương nhằm kịp thời đưa ra những giải pháp hỗ trợ.

Với 3 mục tiêu như vậy, tôi nghĩ trong tương lai cần phải xem xét để có một số thay đổi. Cụ thể, về việc xét tốt nghiệp THPT, hàng năm số lượng tốt nghiệp đều lên tới trên 90%. Điều này đã thành một thông lệ.

Ngay cả năm nay khi thay đổi tỉ trọng xét tốt nghiệp 70-30, các tỉnh thấp nhất cũng có tỉ lệ tốt nghiệp trên 80%. Nên chăng ta có thể thay đổi cách thức không nhất thiết phải thi quá đông như vậy”, ông Tùng nêu quan điểm.

Đưa ra ví dụ, ông Tùng cho rằng, đối với các địa phương có thể chỉ tổ chức đánh giá cho 30% thí sinh có học lực yếu theo danh sách của các trường nêu lên. Số còn lại ủy quyền cho địa phương đặc cách, xem xét cho tốt nghiệp luôn.

“Nói chung tỉ lệ tốt nghiệp bao giờ cũng trên 80%, thậm chí nhiều địa phương còn tiệm cận con số 100%. Bắt tất cả đi thi là không cần thiết.

Tất nhiên có nhiều quan điểm không thi thì thí sinh sẽ không học. Nhưng để được vào nhóm 70% cũng là một động cơ khiến thí sinh phải học. Việc có thí sinh phải thi, có thí sinh không phải thi sẽ tạo cơ chế giám sát xã hội, đem lại sự công bằng trong học tập”.

Vì vậy ông Tùng đề xuất, không cần thi 100%. Kết quả thi của 30% là đủ số liệu đánh giá chất lượng của các địa phương.

Mặt khác theo ông Tùng, khi không phải thí sinh nào cũng thi sẽ là áp lực đẩy các trường đại học vào thế cần tự chủ tuyển sinh hơn nữa.

Không nên đổi mới quá nhiều để đảm bảo uy tín ngành

Trong khi đó, ông Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục lại cho rằng, không nên đổi mới quá nhiều để đảm bảo uy tín của ngành giáo dục.

“Phương thức này tương đối ổn và nên duy trì trong 1,2 năm tới. Có chăng chỉ nên có những hiệu chỉnh nhỏ, còn tinh thần nên là như vậy”, ông Trung nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó giám đốc Trường Đại học Y Hà Nội cũng đóng góp ý kiến, dù có cải tiến thế nào chăng nữa, trong nhiều năm tới, Bộ GD-ĐT vẫn nên là người “cầm” khâu ra đề.

“Dù có tổ chức chung hay riêng thì khâu ra đề trong nhiều năm tới cũng không nên để các trường tự lo. Nếu chúng ta quay lại thời kỳ trước đây để các trường tự ra đề, tự tổ chức thi sẽ nảy sinh rất nhiều tiêu cực. Việc này không có trường nào làm tốt hơn là Bộ GD-ĐT”.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, chính sách xét tuyển học bạ hiện nay vẫn chưa được các trường đại học tốp trên tin tưởng. Mặc dù theo thông lệ thế giới cũng xét theo học bạ, nhưng dường như các trường chưa thực sự tin vào kết quả đánh giá ấy.

“Chúng tôi cũng đã thống kê giữa kết quả xếp loại học bạ và kết quả thi THPT quốc gia. Ví dụ một trường đạt 90% khá giỏi nhưng kết quả THPT liệu có đạt được 90% khá giỏi không.

Đây là một chỉ số tốt để Bộ GD-ĐT có thể làm căn cứ cũng như để các cơ sở đào tạo xem xét lại, trên cơ sở đó sẽ tin tưởng và yên tâm hơn vào sự chuẩn xác của chính sách xét tuyển học bạ”, ông Tú nói.

Tiếp thu những đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ xem xét những ý kiến trên, nhưng kỳ thi THPT quốc gia vẫn phải là căn cứ quan trọng để Bộ đánh giá nội dung chương trình và đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương.

"Còn phương thức thi THPT quốc gia sẽ ổn định cho đến năm 2020", Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

"Chúng tôi thống kê thì nhận thấy tỉ lệ học sinh đạt điểm 8 trong kỳ thi THPT quốc gia cao hơn năm ngoái, trong đó môn Toán gấp 5 lần, môn Vật lý gấp 3 lần, môn Hóa học gấp 2 lần nhưng môn Ngữ văn giảm đi một nửa. Chính vì thế các trường tốp trên sẽ có độ cạnh tranh cao; những ngành hot sẽ có điểm thi vào sẽ cao hơn. Nhờ vậy các trường có thêm điều kiện để tuyển được những học sinh tốt. Tôi cho đây là một thành công của công tác ra đề thi năm nay", ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá.

Thúy Nga - Thanh Hùng

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Các trường vẫn mất nhiều tâm sức xét tuyển"

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Các trường vẫn mất nhiều tâm sức xét tuyển"

- Động viên đừng sợ bị chê yếu, Bộ trưởng Giáo dục kêu gọi các trường xây dựng giáo dục đại học sao cho trung thực, chất lượng.