Cô Nguyễn Đức Tâm An, giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay ở giai đoạn nước rút, trong quá trình luyện đề các học sinh không nên bỏ qua một phần quan trọng là luyện phân bổ thời gian khi làm bài.

“Từ giờ đến lúc thi, các học sinh hãy tập thói quen đeo đồng hồ và nhìn đồng hồ khi làm bài để căn giờ. Hãy cân đối thời gian theo tương quan giữa các phần của đề bài và khả năng làm bài của bản thân. Phần nào dễ, nhất là với câu hỏi nhỏ, hãy giải quyết thật nhanh, trong tối đa ¼ tổng thời gian làm bài, để dồn thời gian “đầu tư” cho phần khó, phần đoạn văn, phần nhiều điểm. Thậm chí với yêu cầu viết đoạn, các em cũng nên chia nhỏ thời gian theo các bước làm bài, ví dụ: 5 phút để lập dàn ý, 10 phút viết nháp và chỉnh sửa, 15 – 20 phút viết bài chính thức.

Các em nên căn sao cho trước khi hết giờ vẫn còn 5 – 10 phút để đọc soát lại toàn bộ bài làm của mình”.

{keywords}
Cô Nguyễn Đức Tâm An, giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Thư giãn cũng là một cách học Văn

Tuy nhiên, cô Tâm An cũng cho rằng, không phải cứ chỉ ngồi một chỗ, cả ngày “hùng hục” đọc và “chăm chắm” viết sẽ mang đến cho các học sinh hiệu quả ôn tập tuyệt đối. Thay vào đó, hãy dành ra 1 đến 1,5 giờ mỗi ngày để thư giãn đúng cách.

Cách thư giãn phù hợp nhất để mang lại lợi ích kép “vừa học vừa chơi”, đó là nghe nhạc, xem thời sự, lướt tin tức, đọc sách báo.

“Có những bạn dành 45 phút giờ cơm tối với gia đình để theo dõi tin tức trên tivi, cập nhật tình hình đời sống xã hội, những câu chuyện, nhân vật truyền cảm hứng,… thậm chí còn để cuốn sổ tay kề bên mình để kịp ghi lại làm dẫn chứng cho bài nghị luận xã hội. Cũng có những bạn nghe rap Đen Vâu để đắm mình trong những đoạn rap giàu ý nghĩa triết lí và truyền cảm hứng tích cực như “Lấy đam mê làm ánh mặt trời, để tâm hồn này không mất phương hướng/ Ta đi theo bóng mặt trời, từ hạ tới hay đông về qua/ Khi những đam mê, còn nồng cháy, thì con đường đó sẽ không hề xa” (Đi theo bóng mặt trời)…”, cô An đưa lời khuyên.

Tuy nhiên, cô An cũng cho rằng không có công thức nào cố định cả, do đó, các em hãy tự do tìm cho mình cách thư giãn đầu óc phù hợp nhất.

“Khi hài hòa được giữa ôn tập, nắm vững các kiến thức và kĩ năng cần thiết với việc nghỉ ngơi, thư giãn, chắc chắn các em sẽ bước vào phòng thi với tâm thế bình tâm, tự tin và đạt được kết quả mình mong muốn”, cô An nói.

Thiết lập thời gian biểu hợp lý trong ngày

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, việc này đặc biệt quan trọng. Bởi có thể giúp học sinh cân bằng giữa thời gian học tập, thời gian cho các hoạt động cá nhân, tập thể dục thể thao, giải trí.

{keywords}
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội), trước đó từng là giáo viên dạy Toán với nhiều năm kinh nghiệm luyện thi.

“Một ngày của các em nên bắt đầu sớm một chút, chẳng hạn khoảng 5h-5h30 dành cho tập thể dục tại gia đình giúp thể lực được duy trì. Việc này không quá to tát, chỉ cần những động tác thể dục tại chỗ là được. Sau khi ăn sáng, việc học buổi sáng theo thời gian ôn tập trực tuyến của các thầy cô. Sau ăn trưa, cần nghỉ ngơi, ngủ trưa khoảng 30 phút – 60 phút và bắt đầu cho giờ chiều từ 13h30. Thời gian chiều nên dành cho ôn tập ngay lại những nội dung buổi sáng các thầy cô đã dạy. Sau thời gian học chiều cũng cần một vài động tác thể dục tại chỗ. Buổi tối, sau ăn tối, nên nghỉ ngơi, giải trí một chút, trò chuyện với các thành viên trong gia đình. Việc học buổi tối nên từ 19h30 tới khoảng 22h30, việc học nên kết thúc sớm để giữ sức khỏe cho một thời gian dài”, thầy Cường đưa lời khuyên.

Học trực tuyến thế nào cho hiệu quả?

Thầy Cường cho hay, nhiều học sinh nghĩ rằng học trực tuyến cũng như học trực tiếp và do đó có tâm thế đợi thầy cô giảng rồi chép bài vào là xong. Tuy nhiên, theo thầy Cường, các học sinh không nên có suy nghĩ như vậy. Mà trước hết cần biết được nội dung các thầy cô sẽ dạy ở buổi hôm đó là về nội dung gì.

“Học sinh nên tìm hiểu trước hoặc nếu là đề ôn tập thì cần làm trước buổi học. Khi học trực tuyến, ngoài những vấn đề về thiết bị, đường truyền, không gian yên tĩnh thì việc chuẩn bị tâm thế để lắng nghe, trao đổi cùng các bạn và thầy cô rất quan trọng. Cần ghi chép cẩn thận lại các nội dung được giảng dạy. Sau buổi học trực tuyến, cần tự sửa chữa hoặc hoàn chỉnh lại bài ghi của mình. Sau những buổi chữa đề của các thầy cô, học sinh nên tự làm lại một lần nữa để tự kiểm tra lại kỹ năng của mình so với đáp án đã biết”, thầy Cường chia sẻ.

{keywords}
Cô Phạm Thu Trà, giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội)

Còn cô Phạm Thu Trà, giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, với giai đoạn gần sát kỳ thi này, các học sinh cần cố gắng luyện làm thật nhiều đề nhất có thể. Mỗi đề Tiếng Anh là 40 câu, do đó, cần cố gắng mỗi ngày làm được 2 đề.

"Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là làm đề xong và giở phần đáp án để biết được bao nhiêu điểm, mà các em cần kiểm tra lại mình đúng hay sai ở những câu nào và nguyên nhân việc sai hay kể cả đúng đó là gì. Đây không phải là việc để thử sức mình mà là cơ hội để mình trám những lỗ hổng. Với những câu sai, các em có thể lấy bút nhớ gạch chân lại để sau này xem lại những câu mình thường hay sai để không bị mắc lại lỗi đó”, cô Trà đưa lời khuyên.

Thanh Hùng

Thi vào lớp 10: Cách ôn tập và làm bài thi môn Toán đạt điểm cao

Thi vào lớp 10: Cách ôn tập và làm bài thi môn Toán đạt điểm cao

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) lưu ý các thí sinh thi vào lớp 10 năm nay một số nội dung cần ôn tập và cách làm bài thi môn Toán.

Thi vào lớp 10: Phương pháp ôn thi môn Ngữ văn hiệu quả

Thi vào lớp 10: Phương pháp ôn thi môn Ngữ văn hiệu quả

Kỳ thi vào lớp 10 đang sắp sửa diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước và đây là thời gian mà các sĩ tử cần có chiến thuật ôn luyện hợp lý và hiệu quả để có thể có được kết quả tốt nhất.

Thi vào lớp 10: Cách ôn thi môn Tiếng Anh trong giai đoạn nước rút

Thi vào lớp 10: Cách ôn thi môn Tiếng Anh trong giai đoạn nước rút

Cô Phạm Thu Trà, giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình) đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích giúp học sinh có phương pháp ôn thi môn Tiếng Anh hiệu quả trong giai đoạn nước rút trước kỳ thi vào lớp 10.