Trong nhiều nền văn hóa, bạn có thể tìm thấy hình ảnh của một người đàn ông béo tốt bụng. Người ta cho rằng những người béo đặc biệt hạnh phúc và yêu đời. Hẳn phải có cơ sở nào đó để người ta tin như vậy chứ.
Những nhà văn hóa học cho rằng quan niệm này bắt nguồn từ thời Trung cổ. Người nông dân sống trong nghèo đói và chẳng mong gì hơn là được một bữa no nê. Họ nghĩ những người không bị đói chẳng có lý do gì để buồn phiền, nên luôn luôn vui vẻ và hạnh phúc.
Các bác sĩ ngày nay bác bỏ lý thuyết này. Họ nói hình ảnh của một người đàn ông béo luôn vui tính và tốt bụng chỉ là huyền thoại.
Người béo là những người dễ gần? Ảnh minh họa. |
Các nghiên cứu đã chứng minh những người béo phì dễ bị trầm cảm và trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh béo phì - một vòng tròn luẩn quẩn ấy cứ luân phiên trong cuộc đời họ nên khó tin rằng những người béo luôn là người luôn vui tính.
Tất nhiên cũng có những ý kiến ngược lại.
Các chuyên gia Trường Đại học McMaster (Canada) lại khẳng định thuyết cho rằng các vị béo ục ịch thường dễ gần vì tính cách xởi lởi và hay giúp đỡ người khác của họ.
Các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Canada chỉ ra rằng gen FTO, góp phần vào sự xuất hiện của trọng lượng dư thừa, lại chính là tác nhân làm giảm nguy cơ trầm cảm.
Cùng với các đồng nghiệp từ Thụy Sĩ và từ Vương quốc Anh, họ đã nghiên cứu bộ gen của 28.000 người, trên cơ sở đó kết luận rằng đột biến trong gen này đã làm khả năng bị trầm cảm giảm trung bình 8%. Nếu sự đột biến xảy ra ở gen của cả cha lẫn mẹ, thì con số này còn cao gấp đôi.
Cần lưu ý rằng hiệu quả chống trầm cảm của một đột biến gen còn phụ thuộc vào nhóm sắc tộc nữa. Nếu như con số này ở người Trung Quốc chỉ là 2,2% , thì ở người châu Phi một đột biến ở gen FTO có thể giảm nguy cơ trầm cảm 6,7%, và ở người châu Âu - giảm 5,3%. Vì vậy, người béo là những người “chơi được” cũng không quá xa sự thật.
Bảo Châu (Theo Sciencemagic)