Tên lửa đẩy Vega sẽ chính thức phóng lên không gian từ bãi phóng French Guiana vào 9h6 phút sáng 4/5 (giờ Hà Nội), mang theo vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam.
Tên lửa đẩy Vega sẽ mang theo 3 vệ tinh, trong đó có VNREDSat-1 của Việt Nam lên quỹ đạo vào ngày 4/5. |
Tại thời điểm này, Vega đã được đặt ở trạng thái sẵn sàng cao nhất cho đợt phóng. Trước đó, tên lửa này đã hoàn tất các khâu kiểm tra cuối cùng tại Spaceport, trang arianespace.com cho biết. Hành trình trong không gian của nó này sẽ kéo dài 2 tiếng, 48 giây từ Guiana đến vị trí dự kiến đặt 3 vệ tinh được chuyên chở đợt này là Proba-V, VNREDSat-1 và ESTCube-1.
Trong đó, Proba-V do nhà thầu QinetiQ Space của Bỉ sản xuất cho Cơ quan Không gian châu Âu ESA. Tiếp theo là vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 do Astrium sản xuất theo đặt hàng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và cuối cùng là ESTCube-1, một vệ tinh do Viện thiên văn Phần Lan phối hợp với Trung tâm không gian Đức chế tạo.
Được giao cho nhà thầu Astrium từ năm 2010, chương trình VNREDSat-1 là nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc thiết lập hạ tầng không gian, cho phép theo dõi, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu hiệu quả hơn, cũng như dự đoán chính xác, có các biện pháp dự phòng kịp thời trước thiên tai, thảm họa. Đồng thời, sứ mệnh của VNREDSat-1 cũng là tối ưu hóa các nguồn lực tự nhiên của quốc gia. Theo hợp đồng giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ ký kết với Astrium, nhà thầu nước ngoài sẽ chịu trách nhiệm phát triển, sản xuất và phóng VNREDSat-1 lên quỹ đạo.
Thông tin từ Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho hay, vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 bao gồm một vệ tinh quang học có khả năng chụp hình với độ phân giải 2,5 mét, bộ điều khiển mặt đất đi kèm, trạm thu và xử lý hình ảnh. Các kỹ sư Việt Nam cũng sẽ được tham gia một khóa huấn luyện về vận hành vệ tinh này từ các chuyên gia của ESA và Astrium.
"Vệ tinh VNREDSat-1 được lắp ráp tại nhà máy của Astrium tại Toulouse (Pháp). 15 kỹ sư của Việt Nam đã trực tiếp tham gia dự án này, cũng như được đào tạo bởi ê-kip chuyên gia cấp cao của Astrium", đại diện Astrium cho biết. Về cấu hình, vệ tinh nặng 130 kg, phạm vi quét 17.5 km và sẽ quay quanh Trái đất ở độ cao 600-700km cùng chiều chuyển động với Mặt trời.
Thời điểm có thể thu nhận được tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh VNREDSat-1 dự kiến vào lúc 14h30 ngày 4/5. Sau 2 ngày, mặt đất sẽ có thể thu nhận được những bức ảnh chụp Trái đất đầu tiên của VNREDSat-1 và sau đó 1 ngày là những bức ảnh chụp khu vực lãnh thổ Việt Nam. Tiếp theo là giai đoạn vận hành thử nghiệm để đánh giá và hiệu chỉnh các thiết bị đặt trên vệ tinh kéo dài trong 3 tháng.
Dự án VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro (tương đương hơn 1.500 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp và 64.820 triệu đồng từ vốn đối ứng của Việt Nam. Tuổi thọ của VNREDSat-1 theo thiết kế là 5 năm.
Trả lời trên các phương tiện truyền thông, đại diện Viện Công nghệ Vũ trụ, Văn phòng Chính phủ cho rằng, trước đây để có được những bức ảnh của vệ tinh, các cơ quan Việt Nam phải đặt mua về với giá 2.000 - 5.000 USD/ảnh và mất 1 - 2 tháng mới nhận được nhưng với VNREDSat -1, chúng ta sẽ có được những bức ảnh gần như tức thời. Khi đi vào hoạt động, vệ tinh này sẽ kết hợp với hệ thống thu nhận, lưu trữ và xử lý ảnh các vệ tinh viễn thám của Bộ Tài nguyên & Môi trường, tạo ra hệ thống giám sát hoàn chỉnh, độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm xử lý phân phối dữ liệu ảnh viễn thám tại Việt Nam. Với chức năng quan sát và chụp ảnh bề mặt Trái đất, Vệ tinh VNREDSat -1 của Việt Nam sẽ có quỹ đạo làm việc khác rất nhiều so với các vệ tinh viễn thông đã đưa lên quỹ đạo trước đây. Cụ thể, vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2 đang làm việc ở độ cao khoảng 35.800 km trên quỹ đạo địa tĩnh, tức là có vị trí tương đối gần như không thay đổi so với Việt Nam. Còn vệ tinh viễn thám VNREDSat -1 nằm trên quỹ đạo cực đồng bộ mặt trời (SSO) cho phép vệ tinh chuyển động trên toàn cầu và có khả năng chụp ảnh quang học tất cả các vùng trên bề mặt Trái đất từ độ cao xấp xỉ 663 km. |
Trọng Cầm