Tất cả chúng ta đều đã quen thuộc với các dấu hiệu không thể cưỡng lại của quá trình lão hóa như đầu gối kẽo kẹt, tóc muối tiêu hay những nếp nhăn chồng chất quanh mắt, … Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, không chỉ da và các khớp của chúng ta bị tàn tạ theo thời gian mà cả hệ miễn dịch của chúng ta cũng bị lão hóa, dần dần trở nên kém hiệu quả trong việc đẩy lui các mầm bệnh.
Quá trình lão hóa thậm chí còn khiến hệ miễn dịch của chúng ta mất dần “trí nhớ” của nó và “quên” việc đã từng chạm trán với các mầm bệnh nhất định trước đó.
Miễn dịch kém sẽ đẩy bạn tới nguy cơ mắc hàng loạt các bệnh, từ rối loạn tiêu hóa gây nôn mửa do norovirus gây ra tới ung thư.
Dẫu vậy, cũng giống như một số người có tóc muối tiêu trước những người khác, hệ miễn dịch của một số người cũng hư hại nhanh hơn của những người khác. Chẳng hạn như, một người trong độ tuổi 50 có thể sở hữu hệ miễn dịch của người 80 tuổi.
Hệ miễn dịch của con người cũng lão hóa theo thời gian. Ảnh: Health News |
Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã giúp tìm ra những phương pháp giúp đảo ngược đồng hồ sinh học. Dưới đây là những quan điểm mới nhất về hệ miễn dịch của con người cũng như cách chúng ta có thể ngăn chặn quá trình lão hóa của nó, theo thống kê của trang Daily Mail:
Tác dụng tiêm vắc-xin giảm nếu bạn trên 40 tuổi
Hệ miễn dịch bảo vệ chúng ta trước các virus, vi khuẩn và ký sinh trùng. Nó bao gồm nhiều loại tế bào khác nhau, thực thư những nhiệm vụ cụ thể nhất định, tương tự như binh sĩ thuộc các đơn vị khác nhau trong quân đội. Tuy nhiên, một hệ miễn dịch đang lão hóa sẽ có ít tân binh hơn để chiến đấu chống những kẻ xâm lược chưa từng được biết đến cũng như có nhiều binh sĩ tàn tạ vì chiến trận, chỉ còn khả năng chống chọi với một số loại kẻ thù nhất định từng gặp trước đây hơn.
Một nhóm các tế bào miễn dịch gọi là "tế bào T ngây thơ” có nhiệm vụ tuần tra cơ thể và rung chuông báo động khi chúng phát hiện nhiễm trùng. Dẫu vậy, khi chúng ta có tuổi, số lượng tế bào này còn hoạt động sẽ giảm xuống vì tuyến ức - một tuyến nhỏ phía sau xương ức, nơi nuôi dưỡng chúng – đã bắt đầu co lại từ tuổi dậy thì.
Tương tự như cách con người chật vật nhớ các tên người khác khi già đi, hệ thống miễn dịch cũng vật lộn để gợi nhớ xem nó từng chạm trán với một loại vi khuẩn hay virus trước đó hay chưa do sự lão hóa của các “tế bào T trí nhớ”.
Các tế bào miễn dịch khác cũng trở nên kém hiệu quả hơn, chẳng hạn như sự suy yếu của neutrophil – các tế bào xuất hiện nhanh chóng tại nơi có tổn thương và nuốt chửng những kẻ xâm nhập. Các thử nghiệm do giáo sư Janet Lord thuộc Đại học Birmingham (Anh) tiến hành, cho thấy, các neutrophil ở người cao tuổi chỉ có còn ½ hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn so với những tế bào miễn dịch cùng loại ở người trưởng thành trẻ hơn.
Một hậu quả nghiêm trọng nữa của sự lão hóa hệ miễn dịch là nó làm giảm tác dụng của vắc-xin. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia, hiệu quả của việc tiêm vắc cúm chỉ đạt 30 – 40% ở người trên 65 tuổi.
Vì vậy, một giải pháp khả thi mới là, nên tiêm vắc-xin trên da thay vì mô phía dưới để tạo ra phản ứng tốt hơn trong hệ miễn dịch.
Liên tục sổ mũi – dấu hiệu xấu của lão hóa miễn dich
Như đã biết, hệ miễn dịch của những người khác nhau lão hóa với tốc độ khác nhau. Các yếu tố về gen cũng như số nhiễm trùng chúng ta từng mắc phải có thể quyết định điều này.
Nếu bạn là người hay bị cảm lạnh, có thể hệ miễn dịch của bạn đã “già” hơn thân chủ. Đặc biệt, nếu ai đó bị nhiễm cytomegalovirus (CMV), một thành viên trong họ virus mụn giộp, có thể lây lan qua hôn hoặc quan hệ tình dục, hệ miễn dịch của bạn có thể lão hóa nhanh hơn vì phải liên tục tiêu phí năng lượng đánh bại nó. Điều này là do, một khi bị nhiễm CMV, virus này sẽ theo bạn tới tận khi xuống mồ.
Sơ đồ mô phỏng một phản ứng miễn dịch trong cơ thể người. Ảnh: Health News |
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, phụ nữ phải chăm sóc trẻ hoặc cha mẹ ốm yêu mãn tính, những người mắc các rối loạn căng thẳng sau chấn thương, và những người bị lạm dụng, stress mãn tính đều có telomere (mũ bảo vệ) của các tế bào miễn dịch ngắn hơn, khiến hệ miễn dịch của họ bị lão hóa.
Cách ngăn chặn hệ miễn dịch lão hóa
Mặc dù hiện vẫn chưa có “thần dược” nhưng các nhà khoa học đã tìm ra một số giải pháp, chẳng hạn như tập luyện thể dục thể thao điều độ sẽ giúp tăng cường khả năng chống nhiễm khuẩn của cơ thể. Một nghiên cứu đối với người trưởng thành từ 20 – 70 tuổi từng phát hiện, thể dục thể thao giảm 29% nhiễm trùng ở đường hô hấp trên.
Việc duy trì mức năng lượng tốt sẽ giúp tăng cường phản ứng miễn dịch, vì vậy những người thiếu cân hoặc theo đuổi chế độ ăn kiêng hà khắc có thể đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn lớn hơn.
Chuyên gia miễn dịch Richard Aspinall đến từ Đại học Cranfield nhấn mạnh: “Để làm đúng chức năng, hệ miễn dịch cần nhiều năng lượng. Để có phản ứng miễn dịch tốt, điều quan trọng là bạn phải nhận được năng lượng dồi dào từ chế độ ăn, hàng loạt các vitamin và những nguyên tố vi lượng như kẽm và selen”.
Ăn thêm các thực phẩm như thịt bò, cá mòi, sữa chua bổ sung lợi khuẩn (probiotic), dầu ô liu, hạt thông, xoài và lựu vốn có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao cũng giúp hỗ trợ phản ứng miễn dịch, theo tổ chức từ thiện Age UK.
Nếu bạn không muốn thấy hệ miễn dịch của mình tàn tạ sớm, lời khuyên của các chuyên gia là không nên ngủ quá nhiều hoặc quá ít. Các xét nghiệm máu cho thấy, 2 loại tế bào miễn dịch hoạt động tốt hơn ở những người ngủ trung bình 7 – 8 tiếng một ngày, so với những người ngủ từ 6 tiếng trở xuống hoặc hơn 8,5 tiếng một ngày.
Bạn cũng không nên uống quá nhiều rượu cồn vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thói quen này có thể cản trở khả năng tái tạo của các tế bào miễn dịch cũng như hạn chế khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư của hệ miễn dịch.
Tuấn Anh