Vốn học về công nghệ thông tin, không chút liên quan gì đến máy móc nhưng anh Nguyễn Hải Châu (Liên Mạc – Từ Liêm – Hà Nội) lại sáng chế và cải tiến thành công hàng trăm máy cơ khí đa năng, phục vụ đắc lực cho nông nghiệp. Đặc biệt hơn, những sáng chế của anh đã đánh bật nhiều máy móc của Trung Quốc, Nhật Bản và đem về thu nhập hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Sáng tạo độc đáo

Có lẽ, biệt danh “kĩ sư Hai lúa” cũng đã phần nào nói lên tính chất tay ngang, nghiệp dư của anh Nguyễn Hải Châu khi tiến vào địa hạt sáng tạo máy móc. Dù vậy, nhưng với niềm đam mê cơ khí cũng như sự cật lực lao động, anh Châu đã lần lượt cho ra đời nhiều loại máy móc tiện dụng, gây bất ngờ không nhỏ đối với các chuyên gia. Đó là máy băm nghiền đa năng 3A, máy ép cám viên, máy nghiền vỏ dừa… phục vụ cho bà con nông dân.

Theo anh Châu, việc khởi nghiệp với máy móc là sự…vô tình. Bởi khi anh đang là cán bộ dự án phát triển nông thôn, sống và làm việc với bà con nên nhận thấy bà con nông dân thiếu các công cụ lao động phù hợp với điều kiện kinh tế và thói quen sản xuất. Anh Châu nghĩ phải chuyển giao cho bà con một chiếc máy chạy bằng nguồn điện gia đình, làm được các việc để chế biến thức ăn gia súc ngay tại nhà bằng chính những nguyên liệu bà con có.

{keywords} {keywords}

Anh Châu đang bắt tay vào việc cải tiến máy móc - ảnh Trí Lâm

Đề xuất dự án những đặt mua nhưng không có, đặt chế tạo cũng không có nơi nào nhận. Vậy là anh Châu xin nghỉ phép để tự chế tạo. Hết phép vẫn chưa chế tạo xong nên anh đã xin nghỉ việc để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. Rồi chiếc máy cũng ra đời.

Chiếc máy băm nghiền đa năng của anh Châu có thể thực hiện đồng thời 3 chức năng là băm, nghiền, thái nhiều nguyên liệu cùng lúc mà không sợ lẫn với nhau. Cấu trúc của máy lại không quá phức tạp, nhỏ gọn, chỉ khoảng 50 kg, có thể tháo rời từng bộ phận một cách dễ dàng. Trong khi, máy của Trung Quốc, của Nhật Bản lúc đó cũng không thể làm được như vậy. Hơn nữa, giá thành chiếc máy được anh Châu đưa ra chỉ 4-6 triệu đồng, phù hợp với túi tiền của nông dân nên rất được ưa chuộng.

Sự thành công của máy 3A đã tạo động lực cho anh Nguyễn Hải Châu tiếp tục sáng chế ra hàng loạt thiết bị khác như: máy thái cá, máy bóc bẹ ngô, máy tách hạt, máy nghiền ngô, máy nghiền cua, máy băm cỏ… khiến tổng số máy lên đến hơn 30 chiếc. Mỗi máy trước khi đưa ra thị trường đều được đưa cho chính bà con thử nghiệm nhiều lần.

Điều đặc biệt là những sáng chế của anh Châu chỉ dùng điện dân dụng chứ không phải dùng điện công nghiệp như các loại máy móc khác nên sản phẩm càng tiện dụng. Những chiếc máy do anh Châu sản xuất đã đồng hành cùng người nông dân ở nhiều miền quê và xuất sang cả Lào, Campuchia.

Thành công từ những gian nan

Hiện nay, mỗi tháng, cơ sở của anh Châu cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 chiếc máy thông qua hơn 40 đại lý trên toàn quốc với giá bán dao động từ 2-15 triệu đồng/chiếc, tùy loại. Số sản phẩm đó đem về cho anh Châu hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Tất nhiên, theo anh Châu chia sẻ, con đường dẫn đến thành công không bao giờ trải hoa hồng. Đã có thời gian, anh Châu vì sản xuất và buôn bán những chiếc máy này mà trở thành con nợ, vay lãi khắp nơi.

Chiếc máy tiện ích nhưng không đến được ngay với những người cần đến nó bởi sản phẩm của anh Châu mới chỉ đạt các yếu tố về chất lượng, công dụng… , chưa phải là sản phẩm thương mại. Lúc đó anh Châu cũng chưa có kiến thức cần thiết để khởi nghiệp nên sản phẩm không bán được.

{keywords}

Sau những gian nan, anh Châu đã có một xưởng sản xuất khá lớn - ảnh Trí Lâm

Đã thế, vì đam mê cải tiến sản phẩm nên anh Châu vẫn chế tạo, dẫn đến hàng tồn đọng nhiều. Khi đó, số vốn huy động từ gia đình và bạn bè đã sử dụng hết, anh Châu tiếp tục thế chấp nhà vay ngân hàng và trở thành con nợ. Không những nợ nần mà liên tục phải làm việc với cơ quan quản lý như Công an phòng cháy chữa cháy, Thuế, Quản lý thị trường, Thanh tra lao động…

Thấm thía gian nan, buộc anh Châu phải chuyển các máy đã làm được cho các hộ chăn nuôi mượn dùng thử và đóng cửa xưởng để nghiên cứu hoàn thiện thêm, học kiến thức kinh doanh.

Có lần, anh Châu bán được 20 chiếc máy cho một đại lý, cầm trước nửa tiền. Niềm vui chẳng tày gang, hơn 60 triệu cho nợ lại rất khó đòi, anh Châu phải đi đi về về rất nhiều lần với hàng trăm km, thậm chí sát Tết còn phải ở lại để đòi nợ mà không khác gì “xin” con nợ của mình.

Tạo việc làm cho người khuyết tật

Bên cạnh đó, anh Châu còn tham gia nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật và trực tiếp dạy công nghệ thông tin và mời các bạn về làm việc cùng anh, giao cho phụ trách điều hành trang web của xưởng.

Anh Châu chia sẻ rằng, sức khoẻ của các cháu không tốt nên tiếp thu rất chậm. Có cháu đang học thì lăn ra đất, chân tay co giật sùi bọt mép. Chúng tôi sợ hết hồn, gọi xe cấp cứu đưa vào viện. Sau này mới biết cháu đó có tiền sử động kinh nên chuyện đó diễn ra hàng tuần.

“Làm việc cùng các cháu khuyết tật, tôi học được tính kiên trì và ý chí vươn lên phi thường của các cháu. Hiện nay, thu nhập của các cháu đã ổn định được hơn 6 triệu/tháng, có thể tự nuôi sống bản thân mình” – anh Châu cho hay.

Hiện nay, sản phẩm của anh nhận được phản hồi khá tốt của bà con nông dân và cạnh tranh được với hàng của nước ngoài. Anh đã nhận được nhiều bằng khen, bằng sáng chế độc quyền của nhiều cơ quan, ban ngành. Anh Châu cũng tạo việc làm cho gần 50 lao động tại xưởng của mình và sắp tới, anh cũng sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa việc xuất khẩu máy nông nghiệp mang thương hiệu của Việt Nam đến với thế giới.

Theo MTG