Phố Văn Cao, trong cái ô vuông nhỏ nép mình khiêm tốn giữa bạt ngàn sắc mầu bảng quảng cáo. Tôi và Họa sỹ Văn chậm rãi, nhấm từng ngụm bia trong cái cốc xanh xù xì . Ông chủ quán quảng cáo “Sáng sớm, hôm nào nào xe của Nhà máy bia hơi Hà Nội cũng đến thả ở đây vài Bom”…

Nghề cơ khí…

Khẽ hất những sợi tóc mềm lòa xòa trên đôi kính cận như đã lơ đãng trước trăm vạn tấp nập cuộc sống xô bồ. Họa sỹ Lê Huy Văn kể về sự ra đời của chiếc cốc bia xanh đã trở thành “huyền thoại”, mà chúng tôi đang cầm trên tay. Để đến nay, sau hơn 40 năm tồn tại nó với tà áo dài thướt tha đã cùng vẽ nên một Hà Thành rất đặc trưng, cổ kính.

Nhấm thêm vài ngụm bia nhỏ sau cái chạm cốc chỉ đủ cho màu vàng hơi sóng sánh. Ông hồi tưởng ”Tôi sang Đức năm 12 tuổi để học phổ thông, sau đó được chuyển vào Trường dạy nghề Kamera - und Kinowerke Dresden. Nơi đây đã mang đến tay nghề cơ khí chính xác điêu luyện, giúp tôi có nền tảng thực tiễn sinh động để học tốt về design sau này. Kết thúc 3 năm học tại Dresden, tôi từ biệt bờ sông Elbe Dresden lãng mạn của nước Đức, về với mùi khói lam chiều, bữa cơm cà kho chốn quê nhà”.

{keywords}


Duyên nợ với nước Đức, có lẽ là dấu nhấn trong số phận chàng trai Văn. Năm 1965, ông trở lại Đức học đại học chuyên ngành thiết kế công nghiệp tại Đại học Mỹ thuật Burg Giebichenstein Halle.

Năm 1970, ông tốt nghiệp về nước và khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, ông được nhận học bổng của Viện hàn lâm trao đổi Đức (DAAD), để tiếp tục sang Đức nghiên cứu sâu về đồ họa. Nhà thiết kế hàng đầu của Đông Đức - cha đẻ của mẫu xe Moped - S50 - vang danh thập niên 60; Claus Dietel, đã trực tiếp truyền dậy cho ông những kỹ năng, tư duy thiết kế kế hiện đại nhất thời bấy giờ.

Ơ Halle, Văn tập trung thiết kế mô hình xe máy, xe búyt 24 chỗ ngồi; nghiên cứu về nghệ thuật chữ. Đặc biệt, bài tốt nghiệp của chàng trai Việt Nam được đánh giá cao và giữ ở kho lưu trữ các bài tốt nghiệp xuất sắc tại Burg Gibichenstein Halle…

Những năm sau này, trên cương vị Hiệu phó Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, ông vẫn luôn nỗ lực cho quan hệ hợp tác giữa hai nền nghệ thuật Đức - Việt, thông qua lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đào tạo design.

{keywords}

Một thời vang bóng

Vào giữa năm 1960, nhà máy bia Hà Nội tại phố Hoàng Hoa Thám được phục hồi. Thời đó, sự vất vả và cái đói như phủ một bức màn xám lên từng góc phố, ngõ nhỏ của Hà Nội; việc được uống một cốc bia hơi là sự cố gắng xa xỉ, là thú vui lớn và niềm mơ uớc của nhiều người. Uống bia họ được sôi nổi quên đi thực tại khó khăn, được trầm mặc để khát vọng về tương lai tươi sáng trong những tiếng chạm cốc keng keng.

Bia ngoài thị trường thời đó rất ít vì nhà máy bia chỉ bán hạn chế cho một số của hàng nhà nước; các điểm bản chỉ độ 1 giờ đồng là hết nhẵn, khi vẫn còn hàng dài người xếp hàng. Có thể mua bia ở Nhà Xanh (cạnh Đại học Sư phạm Hà Nội bây giờ), để nhắm với ít lạc rang. Hoặc ai muốn ôm cái cốc vại của Lê Huy Văn, tất phải mua một suất ăn ở Bia Đường Sắt…

Họa sỹ Văn cho biết, tại nơi làm việc đầu tiên của ông sau khi ở Đức về là Liên hợp Trung uơng Hợp tác xã Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu về vật dụng dùng cho việc uống loại nước “cao cấp” thời đó là bia Hà Nội. Ông bắt tay vào thiết kế và hoàn thành mẫu chuẩn sản phẩm trong 3 ngày với 4 phác thảo.

Năm 1976, chiếc cốc thủy tinh “nguyên thủy” màu xanh, chính thức thành hình trên tấm giấy thô ráp. Cốc có hình côn, phần miệng loe to thân đáy nhỏ nhằm giúp cho việc xếp những chiếc cốc vào nhau thuận tiện; thân cốc có gờ tròn để các ngón tay bám được chắc, thoải mái. Chất liệu chế tác cốc từ thủy tinh tái chế, có tính bảo vệ môi trường, giá thành rẻ…và có độ cứng nhất định để khi chạm cốc không bị vỡ, sứt.

Tôi thắc mắc với họa sỹ Văn, sao ông chưa bao giờ gọi mẫu cốc của mình là một tác phẩm, khi nó được nhiều người đón nhận và sử dụng bền vững theo thời gian và được đánh giá là Good Design vì hội tụ đủ 5 yếu tố: ý tưởng, thiết kế, chất lượng, công năng và hình dáng tốt. Họa sỹ nhỏ nhẹ “ Là nhà thiết kế, anh phải tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”. Ông thêm, “Guenter Gnauck - một họa sỹ tài năng của Đức - khi sang Việt Nam có tặng tôi tờ thiệp đề chữ: Đừng để mất cái Đầu !!!”.

Cái đầu, theo ông không phải để suy nghĩ về cách thức tạo ra hào quang cho bản thân; mà phải luôn suy nghĩ về việc có thể giúp ích giúp cho đời… Họa sỹ Văn là người khiêm nhường, trước đó đến nhà gặp ông đặt vấn đề viết bài, tôi thấy ông ngạc nhiên: “Mình có cần ai biết đến đâu ?”.

{keywords}

Bao giờ mất đi?

Từ nơi sản xuất đầu tiên của chiếc cốc uống bia do họa sỹ Văn thiết kế, tại Hợp tác xã Thủy tinh dân chủ Hà Nội. Thời gian sau, khi bia có nhiều, thói quen uống bia cũng trở nên phổ biến; không ít hợp tác xã thủy tinh cũng làm loại cốc đó hàng loạt.

Tuy vậy, do phương pháp chế tạo thủ công mỗi nơi khác nhau đã làm mai một kiểu dáng nguyên thủy của cốc cũ. Họa sỹ Vũ Như Cẩn từng bực mình, thấy…ghét khi chiếc cốc sau này miệng bớt loe và dung tích lớn hơn đến 0,5 lít so với cốc cũ. Nhưng cũng nhờ kiểu sản xuất “chẳng nơi nào giống nhau”, đã tạo cho mỗi mẻ cốc ra lò sự khác biệt, hấp dẫn riêng; với các bọt khí phân bổ không đều và sắc độ màu, chiều cao khác nhau.

Julio de Leo, nhà thiết kế và tiếp thị người Ý, từng nhận xét “Cảm giác vị ngọt của bia Hà Nội là nhờ ở cốc bia có bọt thủy tinh” và mua tới 5 kontent loại cốc đó để xuất khẩu sang Ý vào năm 1991.

Việc sản xuất cốc bia xanh vào thập kỷ 80 - 90, đã trở thành nguồn thu chủ lực của nhiều hợp tác xã thủy tinh. Ở Hà Nội, trước có Xí nghiệp thủy tinh Thanh Đức tại Trương Định chuyên sản xuất cốc. Đến nay, làng nghề thổi bình, lọ thủy tinh Xối Trì, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực (Nam Định) vẫn còn 3 hộ dân duy trì nghề làm cốc bia với trung bình một ngày, mỗi lò làm ra khoảng 1.500 chiếc cốc.

Quy trình “chế” cốc bia xanh khá đơn giản, chủ yếu dựa vào sức khỏe và kỹ thuật của người thợ. Theo đó, mảnh kính vỡ được đập thành mảnh nhỏ loại bỏ tạp chất rồi cho vào lò nung 1.800 độ C trong 6 tiếng; khi thủy tinh nóng chảy người thợ dùng chiếc ống dài khoảng 1,5m lấy thủy tinh ra và dùng hơi thổi, xoay đều tạo hình cốc. Cốc sau đó được cắt mép, làm tròn miệng và ủ nguội bằng tro từ 12 - 15 tiếng…

Thời điểm sản phẩm cốc bia xanh ra đời, Bộ Nội thương là nơi duy nhất thu mua, bán buôn đến các nhà tiêu thụ. Gía mỗi chiếc cốc thời điểm đó chỉ 500 đồng/chiếc; bán buôn cho cửa hàng bia khoảng 2.05 đồng/cốc. Hiện chợ đầu mối Gầm Cầu (Hà Nội) được biết đến là nơi duy nhất phân phối cốc cho toàn Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành lân cận; với giá bán buôn từ 6000 - 6.500 đồng/cốc, bán lẻ khoảng 10.000 đồng/cốc. Theo chia sẻ của một số chủ hàng, vào những tháng hè thị trường buôn bán cốc luôn trở lên sôi động vì nhu cầu uống bia tăng mạnh, cốc sản xuất đến đâu bán hết đến đó, không có hàng đọng.

Được biết, tuy đánh giá cao chiếc cốc vại truyền thống với “công lao” đã tạo dựng một phần thương hiệu cho bia hơi Hà Nội. Nhưng khoảng năm 2010, CTCP Thương mại bia Hà Nội (HABECO Trading) đã đưa ra phương án thiết mẫu cốc mới, với lý do đặc điểm của cốc không còn phù hợp với thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Loại cốc thiết kế mới có quai màu trắng, hình trụ hơi thuôn đáy to, thân cốc có tạo đường vân dọc và vân hình ô van. Chi phí khuôn mẫu cho cốc bia được Habeco Trading dự tính từ 120 - 150 triệu đồng; năm 2011 dự kiến có khoảng 50 - 75 nghìn chiếc cốc được sản xuất.

Tuy nhiên, phương án trên có lẽ đã phá sản với thực tế đến cả gần chục năm sau; các nhà hàng, quán bán bia vẫn thấy đầy rẫy những chiếc cốc xanh bọt khí xù xì. Có nơi mạnh dạn thử thay đổi loại cốc khác, nhưng phần lớn cũng thất bại, bởi sự khác biệt họ tạo ra không được sự ủng hộ từ người tiêu dùng. Bạn tôi, anh Tuấn - con của chủ hệ thống bia hơi hơn Lan Chín nổi tiếng tại Hà Nội - cho biết, các quán nhà anh vẫn dùng loại cốc xanh vì giá rẻ, dễ sử dụng.

Về sức sống của chiếc cốc họa sỹ Văn thổ lộ, trước kia ông định thay đổi mẫu, nhưng chưa thành do giá thành đắt vì khuôn mẫu phức tạp hơn”...Nhưng có lẽ chính vẻ đẹp mộc mạc, dù không trong vắt như pha lê; nhưng lại cho người ta cảm giác thích thú, an nhiên khi chạm những ngón tay vào và tạo sự hứng khởi, vui mắt vì những bọt thủy tinh xanh long lanh, đan xen nhẹ nhàng với màu vàng của bia… đã len lỏi vào tâm thức nhiều người và tạo ra một thói quen tiêu dùng bền vững, "giữ" chiếc cốc tồn tại trong suốt hơn 40 năm qua.

Họa sỹ Văn từng tiên lượng, chiếc cốc ông vẽ mẫu rồi sẽ trở thành vật lưu niệm. Nhưng điều ấy chưa xẩy ra, vì vẫn có những lò sản xuất cốc đỏ lửa. Như vậy chiếc cốc cổ lỗ còn tương lai. Âu đó cũng là “định mệnh” của nó. “Phải sống để san sẻ vui buồn với đời”. Mà trong chốn nhân gian, vui buồn biết bao giờ hết?

Chiều muộn, khi Họa sỹ Văn chia tay tôi, ông trầm ngâm như một đúc kết đời mình “Việc nào làm được mình đã làm rồi; khát vọng, mơ ước là vô hạn, sức ta là hữu hạn; chỉ có rũ bỏ mọi thứ mới có được Tự do”…Đúng, Họa sỹ Văn là người tự do,vì ông đã không bị trói buộc bởi ánh hào quang của sự nổi tiếng. Với ông, sáng tạo chỉ để phục vụ cho đời.

(Theo Pháp luật Việt Nam)