Nhiều doanh nhân kinh doanh thủy sản ở miền Tây, một thời phất lên như diều gặp gió, có người xài tiền giống “công tử Bạc Liêu” và được phong là “đại gia”. Nhưng mấy năm trở lại đây, không ít doanh nhân liên tiếp vỡ nợ, người thì vướng vào vòng lao lý, kẻ thì “mất tích” khiến hàng trăm nông dân đứng ngồi không yên.

Theo tìm hiểu của PV, năm 2014 Công ty Thuận An đã triển khai dự án “chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra”. Dự án này có sự tham gia 3 bên gồm: Công ty Thuận An, Ngân hàng và các hộ nuôi cá tra. Trong đó, người nuôi được vay vốn từ  ngân hàng nhưng không nhận tiền mặt mà thông qua việc nhận thức ăn nuôi cá được ngân hàng trả tiền thay.

Khi cá nuôi đến định kỳ sẽ được bán “độc quyền” cho Công ty Thuận An, công ty này sẽ thanh toán tiền cho người nuôi, sau khi trừ đi khoản tiền mua thức ăn mà các hộ dân đã nhận trong vụ nuôi do ngân hàng trả trước đó.

{keywords}

Từ 11/2016, lãnh đạo công ty Thuận An bất ngờ đi nước ngoài “công tác”, đến nay chưa thấy về khiến những hộ nuôi cá tra này rơi vào cảnh điêu đứng.

Trong khoảng 2 năm đầu, bà con nuôi cá rất vui, vì dự án đã tạo đầu ra hiệu quả, nâng cao giá trị cũng như thu nhập cho người nuôi cá tra.Tuy nhiên, từ tháng 11/2016, lãnh đạo Công ty Thuận An bất ngờ đi nước ngoài “công tác”, đến nay chưa thấy về khiến những hộ nuôi cá tra này rơi vào cảnh điêu đứng.

Theo UBND tỉnh An Giang, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco, An Giang) là ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc công ty (ông Sơn và bà Trinh là vợ chồng).

Theo báo cáo của công ty và cơ quan chức năng, ông Sơn và bà Trinh đã đi Trung Quốc tham dự hội chợ nghề cá ở Trung Quốc từ ngày 29/10/2016 đến nay vẫn chưa trở về.

Từ khi ông Sơn và bà Trinh vắng mặt, ông Hoàng Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc công ty đã điều hành hoạt động của công ty theo giấy ủy quyền. Công ty hiện đang nhận gia công cho công ty cổ phần Vĩnh Hoàn. Nguồn thu từ hoạt động này dùng để trả lương cho công nhân và duy trì hoạt động công ty.

Đại gia cá tra Sóc Trăng - Lâm Ngọc Khuân một đi không trở lại

Trong nhiều đại gia thủy sản miền Tây “ngã ngựa” với món nợ khổng lồ, đáng chú ý nhất có lẽ là ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam, Sóc Trăng).

Chỉ trong bốn năm, từ 2008 đến 2012, công ty này đã vay nhiều ngân hàng với tổng số tiền lên đến trên 16.000 tỉ đồng. Sau đó ông Khuân trốn sang Mỹ, để lại món nợ trên 1.679 tỉ đồng khiến nhiều ngân hàng lao đao và 25 cán bộ ngân hàng vướng vào vòng lao lý.

{keywords}

Biệt thự của "đại gia thủy sản" Lâm Ngọc Khuân ở Sóc Trăng

Cụ thể, theo hồ sơ tố tụng, Công ty Phương Nam được thành lập năm 1998, sau đó 2 năm Doanh nghiệp này trở thành công ty cổ phần, vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Ngoài Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân, 3 cổ đông còn lại là bà Trần Thị Mỹ - vợ ông này và con gái Lâm Ngọc Hân cùng cháu trai Huỳnh Phúc Quế (chỉ đứng tên 24% cổ phần nhưng thực tế không góp vốn). Phó giám đốc Công ty Phương Nam là Trịnh Thị Hồng Phượng (35 tuổi); Lâm Minh Mẫn (35 tuổi) là Kế toán trưởng.

Từ khi thành lập đến tháng 9/2012, Công ty Phương Nam kinh doanh thua lỗ trên 996 tỷ đồng. Để đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp đã lập 19 báo cáo tài chính gian dối về kết quả kinh doanh với nội dung năm nào cũng có lãi.

Từ những hồ sơ này, khi quan hệ tín dụng với 8 ngân hàng, Phương Nam đã vay từ năm 2008 đến 2012 lên đến trên 16.169 tỷ đồng. Trong đó, công ty chỉ sử dụng vốn vay đúng mục đích để duy trì sản xuất kinh doanh là 5.971 tỷ, còn lại hơn 10.198 tỷ được doanh nghiệp sử dụng sai mục đích, chủ yếu là đáo nợ và trả lãi vay.

Ngày 30/11/2011, ông Khuân và vợ xuất cảnh sang Mỹ với lý do trị bệnh nhằm bỏ trốn. Lâm Ngọc Hân thay cha làm giám đốc công ty và xuất cảnh trở lại Mỹ ngày 11/7/2012. Lúc này, dư nợ của Phương Nam tại các ngân hàng lên đến 1.679 tỷ đồng.

“Đại gia” thủy sản Cần Thơ -Tòng Thiên Mã vướng vòng lao lý

“Đại gia thủy sản” Phan Bá Tòng, hay gọi là “Tòng Thiên Mã” - một trong những đại gia thủy sản một thời nổi đình, nổi đám ở Cần Thơ bị công an “sờ gáy” hồi cuối tháng 3/2016 vì có hành vi sai phạm về kinh tế liên quan đến một số ngân hàng tại Cần Thơ.

Tòng “Thiên Mã” từng được xem là một hiện tượng lạ khi kinh doanh thủy sản phất lên như diều gặp gió. Thậm chí đại gia này còn nộp đơn đề xuất mua cả máy bay trực thăng và đi học làm phi công. Tòng “Thiên Mã” sinh năm 1974 Tòng từng làm nghề tiếp tân, sau đó chuyển sang làm cho một doanh nhân người Mỹ chuyên thu mua hàng thủy sản xuất khẩu sang Mỹ. Từ đó, Tòng “Thiên Mã” bắt đầu bước chân vào con đường kinh doanh bằng cách mở đại lý, làm đối tác thu mua thủy sản tại Cần Thơ và xuất hàng qua Mỹ.

{keywords}

Chân dung "đại gia thủy sản" Cần Thơ - Tòng Thiên Mã

Thật ra, trong giới kinh doanh thủy sản ở đất Tây Đô từ lâu đã có hai tên gọi “nhúm chút chất giang hồ” khi đề cập đến hai đại gia ở vùng đất này. Đó là “Tòng thây ma và mẹ bí ẩn”! “Mẹ bí ẩn” là để chỉ đại gia thủy sản tên H. (đã phá sản), còn “Tòng thây ma” là để chỉ Phan Bá Tòng (hay Tòng Thiên Mã)! Một người trong giới thủy sản, nói về “biệt danh Tòng Thây Ma”: chính là ở chỗ Tòng chuyên bán “cá chết”! Điều đó nói lên phần nào tính kinh doanh “khá quái” của Tòng.

Sau vài năm làm ăn với nước ngoài thuận lợi, tích lũy được một số vốn không nhỏ và thị trường còn đang rộng mở, Tòng “Thiên Mã” bắt đầu tách ra mở công ty riêng vào năm 2005 với tên gọi Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Mã, thuê đất tại khu công nghiệp Trà Nóc để mở trụ sở, xây nhà máy chế biến cá tra.

Như có khiếu và mát tay nên Tòng làm tới đâu trúng tới đó, tiền và đô la chảy vào như nước khiến vị đại gia này càng vung tiền mua đất, nhà, mở rộng vùng nguyên liệu khép kín từ nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu. Công ty Thiên Mã chế biến thủy sản có ngày đạt 150 tấn và đỉnh điểm của 3 nhà máy là 400 tấn/ngày. Doanh nghiệp này từng có hơn 10 trang trại nuôi thủy sản khép kín và thời điểm phát đạt lên đến 40.000 tấn cá/năm.

Vào năm 2011, Công ty Thiên Mã nợ 5 ngân hàng với số tiền hơn 430 tỷ đồng, gấp 8 lần vốn điều lệ của công ty. Bên cạnh đó, công ty nợ nhiều chủ nợ bên ngoài hơn 50 tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Ba nhà máy của công ty ngưng hoạt động.

Cuối 2012, Thiên Mã tiếp tục thua lỗ, mất khả năng thanh toán khoản nợ gần 600 tỷ đồng của các ngân hàng ở Cần Thơ, Hậu Giang và các doanh nghiệp, người dân nuôi cá…

Sau khi thông tin này bị phát giác trên các phương tiên thông báo chí, “đại gia” Tòng thừa nhận, không có khả năng trả lãi cho ngân hàng và chờ tái cơ cấu. Ngày 31/3/2016, ông Tòng cùng Kế toán trưởng Công ty Thiên Mã đã bị Cục cảnh sát Kinh tế (C46, Bộ Công an) bắt giữ.

Có thể nói, những “góc khuất đầu tư theo phong trào” nuôi cá tra dần lộ ra những khiếm khuyết trầm trọng của kiểu đầu tư “chụp giật”. Nhiều người lo lắng, liệu có kéo theo ngành ngân hàng càng dè dặt hơn trong cho vay đối với người nuôi cá sau những đổ bể của các “đại gia dỏm”!

(Theo Dân trí)