Tuy nhiên, cuộc đời của nữ đại gia sinh năm Mậu Tý (1948) cũng có những bước thăng trầm, khi thì tột đỉnh giàu sang, lúc nợ nần chồng chất...

Ngày 15-3-2021, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên sơ thẩm xét xử bà Diệp về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cùng ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP và 8 bị cáo cũng nguyên là cán bộ các sở, ban ngành về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Từ hai bàn tay trắng...

Sinh ra từ đất võ Bình Định, bà Diệp được chọn ra Bắc học tập. Năm 1971, bà Diệp tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và được điều về làm cán bộ lao động tiền lương tại Chi nhánh Thủ công mỹ nghệ Hải Phòng. Sau đó chuyển về làm việc tại Tổng kho Trung Trung Bộ, trụ sở tại quê nhà Bình Định.

“Thuyền theo lái”, phận nữ nhi, bà lần nữa rời quê, theo chồng vào Nam sinh sống tại An Giang và làm việc tại Công ty Vận tải thủy tỉnh An Giang. Có thông tin cho rằng có lần bà thoát chết sau vụ dám đứng ra đấu tranh nạn ăn cắp xăng dầu tại đây. Không biết có phải vì vậy mà sau đó bà chuyển công tác về Công ty Bao bì xuất khẩu của Bộ Ngoại thương tại thành phố Hồ Chí Minh?

{keywords}
Dẫn giải Bà Dương Thị Bạch Diệp tới tòa.

Năm 1984, bà xin nghỉ cơ quan nhà nước ra làm ăn bên ngoài. Hành trình trở thành “đại gia” bất động sản của bà bắt đầu đi lên từ như những căn nhà... cũ. Những căn nhà cũ, nhỏ bà mua với giá rẻ, sửa lại rồi bán giá cao hơn gấp đôi, gấp ba... Cứ như vậy đến một ngày bà có trong tay số tài sản lên đến hàng ngàn lượng vàng.

Năm 2002, với số tiền hàng ngàn lượng vàng trong tay cùng nhiều tài sản khác tích lũy được, bà đứng ra thành lập Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, có trụ sở chính tại 179 Bis Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Như bà trình bày trước HĐXX, khi thành lập, công ty có 2 thành viên, bà và con gái. Vốn điều lệ hơn 900 tỉ đồng. “Bị cáo chiếm hơn 51% cổ phần. Vốn điều lệ bị cáo đưa vào công ty có hiện kim khoảng 500 tỷ đồng tính theo giá vàng lúc đó và cả tài sản. Hiện kim lưu trữ tại nhà cũng có, mua bán cũng có”.

Sau đó Diệp Bạch Dương tiếp tục thành lập Công ty Nam Nam Phương, trụ sở chính tại số 28 Lê Văn Hưu, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh, do con trai bà làm người đại diện theo pháp luật và chủ doanh nghiệp. Từ ngày 25-10-2016, bà trở thành chủ doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của Nam Nam Phương.

Ngoài 2 công ty nói trên, bà Dương Thị Bạch Diệp còn là người đại diện theo pháp luật của 2 công ty khác, gồm Công ty TNHH Bất động sản Châu Sơn và Công ty TNHH Bất động sản Nam Đông Dương, cả hai công ty này đã ngừng hoạt động.

Trở thành đại gia

Cuối những năm 90 và thập niên 2000, cái tên Dương Thị Bạch Diệp và Công ty Diệp Bạch Dương nổi như cồn. Nhiều tin đồn rằng, tối nhắm mắt lại, sáng mở mắt ra bà đã thu về hàng tỉ đồng. Quả thật, như bà từng chia sẻ với báo giới, bà Diệp từng sở hữu nhiều biệt thự và khu “đất vàng” tại TP Hồ Chí Minh như: Dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong's Senla Boutique (Senla Boutique tại 111 Hai Bà Trưng); dự án Khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị, tiệc cưới cao cấp tại số 179 Bis Hai Bà Trưng; 7 mặt bằng tại số 31 Lê Duẩn (quận 1). Như vậy, con số hàng tỉ đồng thu về sau một đêm như tin đồn xem ra còn ít.

{keywords}
 
{keywords}
Các bị cáo tại tòa.

Đại gia thì phải có siêu xe, ngày 23-11-2007, bà Diệp mua xe Rolls-Royce Phantom. Đây là mẫu chính hãng đầu tiên nhập về Việt Nam. Khi đó giới nhà giàu trên thế giới không phải ai cũng có thể sở hữu chiếc xe được lắp ráp hoàn toàn thủ công như vậy. Ngày 28-1-2008, xe về đến Việt Nam. Giá xe sau thuế là 1,3 triệu USD (tương đương 23 tỉ lúc bấy giờ), trở thành chiếc ôtô đắt nhất Việt Nam. Riêng tiền thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng khi đó bà Diệp phải nộp là hơn 13 tỉ đồng. Cả Việt Nam khi đó xe chính hãng dường như chỉ duy nhất chiếc Rolls-Royce Phantom của bà. Hãng cung ứng xe cho bà đã phải cử 2 chuyên gia kỹ thuật của hãng tại chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương ở Singapore bay sang Việt Nam để lắp đặt các bộ phận cần thiết để xe vận hành cũng như hướng dẫn sử dụng.

Siêu xe thì biển số của nó cũng phải đặc biệt. Chiếc xe đắt nhất Việt Nam của nữ đại gia bất động sản mang biển số Bình Định: 77L-7777.

Thời điểm đó, bà sẵn sang bỏ ra tiền tỷ chung tay với các đơn vị, tổ chức chăm lo đời sống cho học sinh nghèo, cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chung tay xây dựng những công trình đền ơn đáp nghĩa...

Nhưng, vòng quay nghiệt ngã của bánh xe kinh tế ngờ đâu lại dừng đúng vào chu kỳ 80 năm cuộc khủng hoảng kinh tế (1929-1933). Khủng hoảng kinh tế năm 2009 ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị bất động sản. Bất động sản bị đóng băng và những người sở hữu nhiều bất động sản bắt đầu cảm thấy “nóng” khi giá bất động sản không tăng mà nợ đang dần ngập đầu. Nữ đại gia không phải là ngoại lệ của vòng quay nghiệt ngã ấy.

Vướng vòng lao lý

Để giải quyết những món nợ ngày càng lớn, người ta nghĩ đến cách “giật gấu vá vai”, Hết lấy chỗ này đậy chỗ kia, lại lập công ty “con” công ty “cháu” để lấy pháp nhân vay ngân hàng... cuối cùng là lừa đảo.

Để có dòng tiền đầu tư dự án, bà Diệp đã phải thực hiện nhiều hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Trong số đó, có những khoản vay đã trở thành nợ xấu.

{keywords}
Ông Nguyễn Thành Tài.

Sự nghiệp xuống dốc với các thông tin nợ ngân hàng đầm đìa, bên bờ vực phá sản và đến nay sa vòng lao lý, nữ đại gia từng tuyên bố sẽ bán tài sản gồm cả siêu xe này để trả nợ. Được biết, tính đến ngày 31-12-2019, tổng tài sản doanh nghiệp là 2.637 tỉ đồng, nợ phải trả là hơn 3.000 tỉ đồng và đều là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu âm gần 497 tỉ đồng.

Ngày đầu tiên tòa xét xử bà, người được xem là “đạo diễn” của màn kịch “hoán đổi đất vàng”. Viện kiểm sát cáo buộc năm 2008, bà Dương Thị Bạch Diệp đã thỏa thuận, thống nhất với ông Vy Nhật Tảo (Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh) về việc mang tài sản thuộc sở hữu tư nhân (số 57 Cao Thắng) đổi lấy khu đất số 185 Hai Bà Trưng là tài sản sở hữu Nhà nước. Nhà đất số 185 Hai Bà Trưng khi đó là trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) quản lý.

Do xuống cấp nên Trung tâm ca nhạc nhẹ có chủ trương tìm đơn vị nâng cấp, cải tạo. Công ty của bà nằm tại 179Bis, 181, 183, Hai Bà Trưng, liền kề Trung tâm Ca nhạc nhẹ. Lấy lý do hợp nhất để để xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao, bà Diệp đã bàn bạc và đề nghị với ông Vy Nhật Táo (Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chi Minh) sử dụng một bắt động sản khác có giá trị tương đương để hoán đổi với nhà số 185 Hai Bà Trưng. Công ty Diệp Bạch Dương sẽ xây dựng mới Trung tâm Ca nhạc nhẹ tại địa điểm hoán đổi với quy mô lớn và hiện đại hơn.

Nhận thấy đề nghị của Công ty Diệp Bạch Dương có lợi cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ, ôngVy Nhật Tảo đã đồng ý. Nhưng, thỏa thuận trên không được chấp nhận.

Tháng 3-2010, bà Dương Thị Bạch Diệp đến gặp ông Nguyễn Thành Tài (khi đó đang là Phó Chủ tịch UBND TP) trình bày về phương án hoán đổi tài sản 57 Cao Thắng với tài sản 185 Hai Bà Trưng (trước đó, việc hoán đổi này đã không được UBND TP chấp nhận).

Sau đó, ông Tài gặp Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, khi đó là ông Lê Hoàng Quân để xin ý kiến và đã được chấp thuận cho thực hiện việc hoán đổi nhưng phải thông qua Sở Tài chính, Ban chỉ đạo 09 đề xuất.

Ngày 5-3-2010, ông Nguyễn Thành Tài đã ký văn bản về việc chấp thuận cho hoán đổi 2 tài sản nhà đất số 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng. Sau khi ký, ông Tài giao cho các sở ban ngành, theo dõi, giám sát... nhưng các cán bộ thuộc các sở, ban, ngành đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Quá trình hoán đổi hai tài sản trên, bà Diệp đã có hành vi gian dối cung cấp giấy chứng nhận “Quyền sử dụng đất” và “Quyền sở hữu nhà” tại số 57 Cao Thắng (bàn photo công chứng ngày) cho Ban Chỉ đạo 09 TP Hồ Chí Minh thể hiện chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch đảm bảo trong khi tài sản này đã được thể chấp vay 8.700 lượng vàng tại một ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh từ ngày 31-12-2008.

Đồng thời, bà Diệp không thông báo tài sản trên đang thế chấp tại ngân hàng trên cho các cơ quan chức năng trong suốt quá trình hoán đổi tài sản mà chỉ cam kết với ngân hàng, sau khi hoán đổi xong tài sản 185 Hai Bà Trưng sẽ thay thế tài sản tại 57 Cao Thắng làm tài sản đảm bảo chung cho các khoản vay của Công ty Diệp Bạch Dương tại ngân hàng trên. Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận “Quyền sở hữu nhà” và “Quyền sử dụng đất” tại 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp lấy tài sản 185 Hai Bà Trưng thế chấp vay tiền tại Ngân hàng TMCP Phương Nam, chiếm đoạt hơn 186 tỉ đồng.

Hành vi của ông Tài và các cán bộ, sở ban, ngành: không kiểm tra pháp lý; không kiểm tra di biến động tài sản 57 Cao Thắng nên không phát hiện được tài sản này đã bị Công ty Diệp Bạch Dương thế chấp vay vốn, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 186 tỉ đồng.

Trong “hành trình” trở thành đại gia của bà không dưới một lần dính dáng đến pháp luật. Bà Diệp từng 2 lần bị giam vào các năm 1982 và 1994 với cáo buộc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, cả hai lần đó bà sớm được tại ngoại vì cơ quan điều tra không có đủ chứng cứ để kết tội.

Ngoài ra, một con người sành sỏi như bà cũng có lần bị... lừa hơn 2.000 cây vàng. Vụ việc cũng khiến bà mất nhiều thờ gian để “đáo tụng đình” và cũng khiến báo chí tốn không ít giấy mực.

Mười mấy năm trước, ở trên đỉnh của sự giàu sang, bà Diệp, một người đàn bà  đẹp tướng, sang trọng, giọng nói đầy quyền uy... Không còn một bước lên xe sang, người phụ nữ một thời giờ đây từ xe cảnh sát bước ra, hai tay bị còng, bước vội vào phòng xử án với ánh mắt mệt mỏi, bên mình lúc nào cũng có hộp thuốc.

(Theo An Ninh Thế Giới)