Với hoạt động giao dịch sôi động hơn trong phiên đầu tuần, thanh khoản cải thiện đáng kể và các chỉ số vẫn tiếp tục bảo toàn được thành quả của mình.

Kết phiên 4/10, VN-Index tăng 6,84 điểm tương ứng 0,67% lên 1022,43 điểm; HNX-Index tăng 0,85 điểm tương ứng 0,8% lên 106,6 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 0,37 điểm tương ứng 0,65% lên 56,59 điểm.

Khối lượng giao dịch trên HSX tăng lên con số 232,78 triệu cổ phiếu tương ứng dòng tiền 5.180,34 tỷ đồng đã đổ vào để giải ngân.

Trên HNX, khối lượng giao dịch cũng được cải thiện, đạt 23,93 triệu cổ phiếu tương ứng 312,02 tỷ đồng và trên UPCoM là 9,56 triệu cổ phiếu tương ứng 160,77tỷ đồng.

Tuy vậy, thống kê toàn thị trường phiên hôm qua vẫn cho thấy, độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm. Có tổng cộng 338 mã giảm giá, 34 mã giảm sàn so với 292 mã tăng và 37 mã tăng trần.

Theo đó, chỉ số chính được “nâng đỡ” bởi một số cổ phiếu “đầu tàu”, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng hôm qua thắng lớn, trung tâm là hai “ông lớn” VCB và BID. VCB tăng 3.200 đồng lên 92.000 đồng BID cũng tăng 1.200 đồng lên 42.200 đồng/cổ phiếu.

{keywords}
Giá cổ phiếu VCB đang liên tục tạo đỉnh 

Theo đó, chỉ riêng VCB đã đóng góp 3,48 điểm trong mức tăng chung của VN-Index và BID đóng góp vào 1,2 điểm cho chỉ số chính.

Mức giá 92.000 đồng tại thời điểm đóng cửa ngày hôm qua của VCB cũng là mức đỉnh lịch sử của mã cổ phiếu này. Trong đà tăng mạnh của VCB, trên nhiều diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư đã đồng loạt gọi tên Mai Phương Thuý, người đẹp này cách đây ít tháng đã “đặt cược” vào triển vọng tăng giá của VCB.

Mai Phương Thuý mua VCB ở khoảng giá 40.000 đồng - 50.000 đồng và khi VCB leo lên đến vùng giá trên 70.000 đồng, Hoa hậu Việt Nam năm 2006 đã tuyên bố sẽ “ôm hàng” đến hơn 80.000 đồng.

Không rõ hiện tại Mai Phương Thuý đã chốt lãi hay chưa, song, những chia sẻ của cô về giá VCB đã phần nào cho thấy cô rất “mát tay” với đầu tư chứng khoán - lĩnh vực mà cô cho biết là “nghề chính” của mình thay vì làm giám khảo các cuộc thi hoa hậu hay các hoạt động trong ngành giải trí.

{keywords}
Một số nhà đầu tư đã ví von giá cổ phiếu VCB sẽ "tỉ lệ thuận" với chiều cao của Hoa hậu 2006

Ngoài VCB, người đẹp sinh năm 1988 cũng từng hé lộ danh mục đầu tư gồm có MWG của Thế Giới Di Động, VJC của VietJet Air, VCS của Vicostone, HPG của Hoà Phát, VPB của VPBank, VGI của Viettel Global... Đây đều là cổ phiếu của các doanh nghiệp “đình đám” trên thị trường. Bên cạnh đó, gần đây, Mai Phương Thuý cũng “đánh tiếng” về việc đầu tư vào cổ phiếu ngành cảng biển.

Liên quan đến cổ phiếu VCB, mới đây, Vietcombank đã thông qua phương án chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI). Tại thời điểm 31/12/2018, ngân hàng này đang sở hữu 45% cổ phần của VCLI.

Thành lập năm 2008, VCLI là liên doanh giữa Vietcombank, BNP Paribas Cardif (công ty con của BNP Paribas) và SeABank, song hiện tại, liên doanh này chỉ còn hai cổ đông là Vietcombank sở hữu 45% và BNP Paribas Cardif sở hữu 55%.

Vietcombank vừa kết thúc kỳ kinh doanh 9 tháng đầu năm với lãi trước thuế kỷ lục 17.612 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so cùng kỳ 2018 và hoàn thành 86% kế hoạch năm. Lãi sau thuế của cổ đông ngân hàng mẹ cũng tăng gần 51% lên 14.116 tỷ đồng.

Trở lại với thị trường chứng khoán, hôm qua, FLC cũng đã trở lại đường đua với khối lượng giao dịch vượt trội, lên tới 14,7 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tăng trần lên 4.810 đồng/cổ phiếu và cuối phiên vẫn còn dư mua giá trần 10,63 triệu đơn vị, không hề còn dư bán.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán BVSC, VN-Index sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự quanh 1024 điểm trong phiên kế tiếp. Tại đây, nhóm phân tích để ngỏ khả năng chỉ số có thể xuất hiện nhịp “throwback” (giảm sau khi đã vượt ngưỡng kháng cự) để kiểm định lại vùng 1000-1006 điểm trước khi tiếp tục quá trình tăng điểm ngắn hạn.

Về xu hướng tổng thể, sau khi bứt phá thành công qua vùng kháng cự tâm lý 1000-1004 điểm, VN-Index được kỳ vọng bước vào xu hướng tăng điểm và sẽ hướng đến thử thách mốc kháng cự 1035-1045 điểm trong thời gian tới.

Dòng tiền vào thị trường đang có sự cải thiện khá tích cực. Còn khối ngoại tiếp tục duy trì động thái mua ròng trong phiên hôm qua. Đây là những tín hiệu khá tích cực hỗ trợ cho diễn biến thị trường.

Theo BVSC, các cổ phiếu vốn hóa lớn và ngành ngân hàng vẫn sẽ là các nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường và thu hút được sự tập trung của dòng tiền. Ngoài ra, dòng tiền có thể sẽ có sự luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu khác trong những phiên thị trường rung lắc, điều chỉnh.

(Theo Dân trí)