HUT công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 với doanh thu thuần đạt 215 tỷ đồng, giảm 14% so với quý 4/2019. Chi phí giá vốn lớn hơn cả doanh thu, dẫn đến Tasco lỗ gộp gần 36 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong khi cùng kỳ vẫn ghi lãi 127 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu của công ty, mảng thu phí mang lại 160 tỷ đồng, chiếm khoảng 74% tổng doanh thu và tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Mảng bất động sản mang về 11,5 tỷ đồng doanh thu. Còn lại là doanh thu từ mảng hợp đồng xây dựng và cung cấp dịch vụ.

Những yếu tố trên tác động, khiến cho Tasco lỗ gần 154 tỷ đồng quý 4, trong khi cùng kỳ năm 2-19 vẫn lãi sau thuế hơn 26 tỷ đồng. Tasco cho biết, dù doanh thu thu phí không dừng tăng so với cùng kỳ, nhưng đây là giai đoạn các năm đầu của dự án nên các chi phí triển khai rất lớn – làm cho lợi nhuận gộp bị sụt giảm.

{keywords}
Báo cáo tài chính

Còn mảng bất động sản, giá vốn tăng mạnh do trước đây công ty thực hiện hạch toán giá vốn tiền sử dụng đất của Dự án Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương, tuy nhiên, do quy định mới về việc sử dụng tài sản công để thực hiện thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao, nên nghĩa vụ tài chính về đất của toàn dự án tăng hơn 105 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2020 doanh thu Tasco đạt 750 tỷ đồng, giảm 32% so với năm trước đó. Gánh nặng các loại chi phí, đồng thời các công ty liên doanh liên kết mang về khoản lỗ 11 tỷ đồng (cùng kỳ ghi dương gần 13 tỷ đồng). Do vậy, kết quả, Tasco lỗ 235 tỷ đồng cả năm – trong khi năm 2019 vẫn lãi sau thuế hơn 53 tỷ đồng.

Trong khi các nhiều doanh nghiệp thua lỗ, CTCP Mai táng Hải Phòng (CPH) lại ăn nên làm ra. Theo BCTC năm 2020, doanh thu thuần đạt gần 109 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số hơn 107 tỷ đồng đạt được năm 2019. Trong đó doanh thu từ bán hàng hóa tăng 2 tỷ đồng, lên 53,7 tỷ đồng. Doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt gần 51 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng so với cùng kỳ. Còn lại là doanh thu bán thành phẩm.

Trừ chi phí vốn bỏ ra, công ty lãi gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 32,2 tỷ đồng, trong đó riêng mảng bán hàng hóa cũng là mảng mang lại phần lớn lợi nhuận gộp với hơn 25,7 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng lợi nhuận gộp đạt được cả năm.

Lợi nhuận sau thuế đi ngang, với hơn 9 tỷ đồng, nhưng cũng vượt 6,6% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. EPS đạt trên 2.060 đồng.

Phiên giao dịch 15/3 khép lại với sắc xanh hiện diện trên cả 3 chỉ số. Theo đó, VN-Index đóng cửa tăng 3 điểm (0,25%) lên 1.184,56 điểm; HNX-Index tăng 1,14% lên 277,04 điểm và UPCom-Index tăng 0,61% lên 80,82 điểm.

Giao dịch khối ngoại vẫn là điểm trừ khi họ bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 475 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào NVL, ACB, HPG, VCP…

Nhận định thị trường phiên giao dịch chứng khoán ngày 16/3, theo CTCK BIDV (BSC), dòng tiền đầu tư có sự cải thiện với 13/19 nhóm ngành tăng điểm mặc dù khối ngoại vẫn đang bán ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX.

Bên cạnh đó, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực với thanh khoản gia tăng so với phiên cuối tuần trước. Theo đánh giá của chúng tôi, VN-Index có thể sẽ chưa thể thoát khỏi trạng thái giằng co trong phiên tiếp theo.

Còn CTCK KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, VN-Index tiếp tục diễn biến giằng co trong phiên hôm nay. Mặc dù xu hướng tăng vẫn giữ vai trò chủ đạo, nhưng thị trường cần phải sớm lấy lại xung lực để thử thách vùng đỉnh cũ.

Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn và và có thể chốt lời quay vòng ngắn một phần vị thế ngắn hạn đã tích luỹ khi chỉ số test lại vùng đỉnh cũ.

Bảo Anh