CTCP CMVIETNAM vừa có biên bản thông qua việc bầu bổ sung ông Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch LienVietPostBank - thành thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) thay cho ông Dương Ngọc Trường.
Ông Nguyễn Đức Hưởng được chính chủ tịch HĐQT CMS Phạm Minh Phúc đề cử giữ chức danh thành viên HĐQT. Ông Hưởng sẽ giữ chức danh trên cho đến kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất để tham gia vào công tác giám sát các hoạt động của Ban điều hành và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Như vậy, sau ba năm rời vị trí Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng bất ngờ trở lại thị trường.
Ông Hưởng là một trong những người gây dựng và phát triển thành công LienVietPostBank, với khoảng 10 năm gắn bó. Tên tuổi của ông gắn liền với LienVietPostBank - được xem là ngân hàng tốt nhất trong nhóm 3 ngân hàng được thành lập mới cách đây 10 năm. Tháng 3/2018, ông rời vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng này vì lý do cá nhân.
Sau một thời gian khá kín tiếng, ông Hưởng dần quay trở lại qua một số sự kiện gần đây. Với sự có mặt trong HĐQT CMS, ông Hưởng chính thức đánh dấu chính thức trở lại hoạt động kinh doanh ở một vai trò mới.
Tin chứng khoán ngày 23/11: Ông Nguyễn Đức Hưởng trở lại sau 3 năm vắng bóng |
Ông Hưởng khá nổi tiếng trong giới tài chính ngân hàng, với 25 năm kinh nghiệm và để lại dấu ấn ấn tượng tại LienVietPostBank. Ông cũng là người sát cánh cùng ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HimLam trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.
CMS ban đầu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nhân lực, sau đó mở rộng sang lĩnh vực thầu xây dựng công trình hạ tầng.
Cổ phiếu CMS niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ tháng 11/2010 nhưng không gây được nhiều ấn tượng với các nhà đầu tư. Mặc dù vậy, cổ phiếu CMS gần đây tăng mạnh từ mức 5.000 đồng/cp hồi cuối tháng 10 lên mức 18.000 đồng/cp như hiện tại. CMS ghi nhận 18 phiên tăng giá liên tiếp, trong đó có 13 phiên tăng kịch trần.
Thống kê trong 3 năm gần đây, CMS ghi nhận lợi nhuận dương duy nhất trong năm 2019 với chỉ 4 tỷ đồng. Năm 2020 CMS lỗ 14 tỷ đồng. Quý III/2021, CMS lỗ 452 triệu đồng.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh u ám nhưng giá cổ phiếu tăng mạnh. CEO của Tập đoàn C.E.O khi tăng chóng mặt gấp 3 lần chỉ sau một tháng bất chấp kinh doanh bết bát với khoản lỗ ròng 224 tỷ đồng trong 9 tháng. HUT của ông lớn BOT Tasco lỗ 7 quý liên tiếp nhưng cổ phiếu tăng gấp 2 sau vài tháng.
Diễn biến chỉ số VN-Index. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 23/11
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường và chỉ số VN-Index quanh vùng cao lịch sử 1.450-1.480 điểm.
Dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán. Dù vậy, áp lực chốt lời bắt đầu tăng mạnh đối với nhiều cổ phiếu nóng, có các chỉ số tài chính không tốt. Trong phiên 22/11, sàn HOSE ghi nhận hơn 110 mã giảm sàn.
Theo BSC, thị trường hôm 22/11 trải qua một phiên giằng co trong khu vực 1.443-1.467. Kết phiên, VN-Index giảm hơn 5 điểm so với phiên hôm trước với thanh khoản tương đối lớn. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với số mã giảm áp đảo số mã tăng. Trong phiên giao dịch chỉ 2/19 ngành tăng điểm, trong đó đáng chú ý là ngành ngân hàng có mức tăng gần 3%. Hiện tại, VN-Index đang kiểm tra vùng hỗ trợ 1.440-1.450 điểm.
Còn theo MBS, áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu đầu cơ ngày càng rõ nét, đây cũng là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của nhóm cổ phiếu midcap và smallcap từ đỉnh cao mới. Dòng tiền đang hướng về nhóm cổ phiếu ngân hàng dứt khoát và mạnh mẽ. Do vậy, chỉ số VN30 có khả năng sẽ vượt đỉnh tháng 11 nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh thanh khoản tăng dần.
Nhìn chung, thị trường vẫn chịu áp lực điều chỉnh khi dòng tiền đang có sự cơ cấu lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhiều cơ hội trong lúc này sau khoảng thời gian tích lũy hơn 3 tháng vừa qua. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu thuộc các nhóm dầu khí, bất động sản (bao gồm cả bất động sản khu công nghiệp) đã giảm sâu trong những phiên vừa qua cũng sẽ nhận được dòng tiền bắt đáy.
Chốt phiên chiều 22/11, chỉ số VN-Index giảm 5,1điểm xuống 1.447,25 điểm. HNX-Index giảm 9,35 điểm xuống 444,62 điểm. Thanh khoản đạt 44,4 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 36,6 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Biến động mới Sacombank: Thực hư cú bắt tay giữa các ông lớn?
Sacombank đang đứng trước một cơ hội lớn để có thể tháo bỏ được chiếc “vòng kim cô” đã bó buộc sự phát triển và cản trở ngân hàng này cả về mặt nhân sự và kinh doanh trong vài kỳ đại hội cổ đông gần đây.