Thời gian gần đây, loại gạo có đặc điểm hạt thon nhỏ, hơi xanh, hương thơm dịu được đóng gói mỗi túi 1kg đang được lùng mua với giá rất đắt đỏ, từ 105-110.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Hương, trú tại Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị biết đến loại gạo này trong một lần đi hội chợ nông sản đặc sản vùng miền được tổ chức tại Hà Nội. Vì thấy hạt gạo vẫn xanh như cốm, mở ra có mùi thơm đặc biệt và được giới thiệu là gạo tiến Vua ngày xưa nên dù có giá hơn 100.000 đồng/kg nhưng chị vẫn mua về nấu thử.

“Loại gạo này khi nấu thành cơm rất mềm, vị đậm, đặc biệt là rất thơm. Khi để nguội, cơm vẫn giữ được độ mềm và mùi thơm, ngon hơn rất nhiều so với các loại khác nên tôi gọi điện đặt hàng thêm nhưng phải chờ rất lâu mới có”, chị Hương cho hay.

{keywords}
Loại gạo tám thơm bao tử sát rối, vẫn còn màu xanh bên ngoài hạt gạo đang được bán với giá từ 105-110.000 đồng/kg.

Lần theo địa chỉ có trên bao bì, chúng tôi tìm gặp được ông Hà Minh Đức, trú tại xã Hải Toàn (Hải Hậu, Nam Định), ông cho biết, hạt gạo này mang trong mình giá trị văn hóa cổ truyền hơn là một loại lương thực thuần túy, được sản xuất theo quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.

“Thời điểm gặt cũng là gặt non, khi hạt lúa vẫn còn hơi sữa. Lúa gặt về cũng phải được phơi trên sân gạch, dưới ánh nắng vừa phải không gắt quá mới giữ được độ thơm và ngon. Đây là loại gạo dùng để tiến Vua ngày xưa nhưng bị mai một dần do bị pha trộn bởi những giống lúa phổ thông khác khiến nó mất dần hương vị và giá trị, thời gian gần đây mới được khôi phục lại”, ông Đức cho biết.

{keywords}
Ông Hà Minh Đức - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Toàn Thắng (Hải Hậu) giới thiệu về loại lúa tám xoan cổ truyền.

Theo ông Đức, gạo tám xoan Hải Hậu ngon nức tiếng là do được trồng trên mảnh đất giàu dinh dưỡng, được tưới tắm bằng nước phù sa sông Ninh Cơ, cùng khí hậu ôn hoà tạo ra hạt gạo ngon nổi tiếng của cả nước.

Thế nhưng, do quy trình canh tác công nghiệp, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình gieo trồng cũng như quá trình thu hoạch, bảo quản và sơ chế cũng được “công nghiệp hóa” nên sản phẩm không được như xưa.

Nhận thấy mình cần phải có trách nhiệm trong việc phục tráng lại giống lúa thuần chủng đặc biệt này, năm 2016, ông Đức cùng với 17 hộ nông dân khác tiến hành thành lập nên Hợp tác xã, kết nạp thêm hơn 400 thành viên mới để quyết tâm thực hiện hành trình phục tráng giống lúa.

{keywords}
Khu vực canh tác lúa tám xoan được khoanh vùng và ngăn cách với khu vực khác bằng hàng rào chuối và điền thanh.

Sau khi thành lập HTX, ông Đức cùng các thành viên HTX đã được các kỹ sư của Trung tâm khuyến nông, trực thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ giúp đỡ sản xuất. HTX đã tiến hành dồn điền đổi thửa, thuê 30 mẫu đất ruộng trong 20 năm rồi khoanh vùng trồng lúa, tránh pha tạp, lẫn giống và tuân thủ quy trình trồng lúa hữu cơ theo cách truyền thống.

“Gần 30 mẫu canh tác lúa tám xoan được chủ động khoanh vùng ngăn cách với khu vực cấy lúa của nhân dân bằng hàng rào điền thanh và chuối nhằm ngăn việc phát tán, xâm lấn của giống lúa khác cũng như giảm tối đa sự ảnh hưởng của các cánh đồng khác khi họ dùng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Đức cho hay.

Để đất có chất dinh dưỡng nuôi cây lúa, toàn bộ ruộng đều được cải tạo bằng phân xanh trước khi trồng. Các thành viên trong HTX cũng tiến hành mua ốc bươu vàng, phân lợn, phân xanh để ngâm ủ rồi bón cho lúa.

Ngoài ra, để phòng chống sâu bệnh, các thành viên HTX cũng tự chế “thuốc vi sinh” để phun lúa bằng giấm, cơm mẻ, ớt, tỏi; những ngày có sương mù thì bà con sử dụng vôi bột để diệt trứng sâu.

{keywords}
Lúa được canh tác hữu cơ, gặt và phơi hoàn toàn thủ công để đạt chất lượng tốt nhất.

Để đảm bảo chất lượng gạo ngon nhất, toàn bộ lúa sẽ được gặt non và gặt thủ công, phơi thủ công. Từ khi sản xuất đến khi gặt, phơi, xay xát hay bao tiêu sản phẩm đều theo chu trình khép kín. Đặc biệt việc thu hoạch, sơ chế tuân thủ theo đúng quy trình gặt non khi hạt thóc vừa đặc sữa mới cho cơm dẻo, ngon, mềm và thơm mùi sữa.

Toàn bộ thóc sau khi phơi khô bằng nắng tự nhiên, đạt yêu cầu đều được bảo quản trong kho lạnh, ai đặt hàng mang ra xay xát rồi đóng bao, hút chân không để giữ được hương vị một cách tốt nhất.

{keywords}
Lúa tám xoan cổ truyền được gặt non, hạt dài, mỏng mình và còn thơm mùi sữa.

Nhờ nỗ lực hết mình của ông Đức cùng các thành viên HTX, loại gạo tám xoan bao tử tưởng chừng như mai một thì nay đã được phục tráng thành công. Những hạt gạo thon, dài, mỏng mình, có màu trắng xanh và còn đượm vị sữa non đã được nhiều người đánh giá cao, đặt mua làm quà biếu.

Tiếng lành đồn xa, gạo sản xuất đến đâu được khách đặt mua hết đến đó. Thậm chí có những người chỉ mua thử 1kg tại hội chợ nhưng mang về nấu cơm ăn ngon quá liền gọi điện đặt luôn cả tạ.

“Thời gian tới, tôi sẽ cùng với các thành viên HTX tiếp tục mua đất, thuê đất để nâng diện tích lên 100 mẫu, tăng diện tích và năng suất để gìn giữ những hạt gạo tám xoan cổ truyền để hạt gạo đặc biệt này không đơn thuần chỉ là lương thực mà còn là giá trị văn hóa cổ truyền ý nghĩa”, ông Đức chia sẻ.

(Theo Dân Việt)