Theo các lãnh đạo EVN, giá bán than tăng 7% dẫn đến chi phí giá điện năm 2017 tăng thêm gần 4.700 tỷ đồng đã đẩy EVN vào tình huống khó khăn về tài chính trong năm 2017.

Nhiều áp lực

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2016-2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc Tập đoàn này cho biết, mặc dù năm qua lợi nhuận đạt cao hơn kế hoạch xong, tình hình tài chính năm tới của đơn vị này đang chịu nhiều áp lực khó khăn.

Cụ thể như, có hàng loạt chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào đã tăng từ năm 2015, 2016 dẫn tới đội chi phí sản xuất điện. Điển hình nhất là việc giá than bán cho điện đã tăng thêm 7% kể từ tháng 12/2016, đẩy chi phí giá điện năm 2017 tăng thêm khoảng 4.692 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông An cũng điểm tên có ít nhất 4 loại chi phí khác đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng hiện chưa được đưa vào cân đối trong giá điện, như tỷ giá tăng, giá khí cho điện, thuế tài nguyên nước và chi phí bảo vệ môi trường rừng.

{keywords}

EVN đồng thời cho biết, năm 2016, EVN phải huy động nguồn nhiệt điện chạy dầu giá cao, tới 1,185 tỷ kWh, tăng 1,9 lần so với kế hoạch. Nguồn điện này thường có giá gấp 3-4 lần so với các nguồn nhiệt điện than, thuỷ điện. Lý do là bởi việc phân bổ nguồn điện hiện nay trong hệ thống điện quốc gia vẫn chưa cân bằng giữa các vùng, miền, thời tiết lại bất lời nên cơ cấu nguồn điện phải huy động trở nên bất lợi hơn so với kế hoạch đề ra.

Thách thức về một cơ cấu nguồn điện bất lợi như vậy sẽ còn kéo dài sang năm 2017, với dự kiến EVN phải huy động 2,2 tỷ kWh từ các nhà máy chạy dầu, để cấp điện cho miền Nam. Điều này sẽ càng gây áp lực lớn lên tài chính của EVN.

Chưa kể, cũng trong năm 2016, nhiều đợt bão lũ xảy ra, gây hư hỏng nặng cho các công trình điện, khiến Tập đoàn này thiệt hại lên tới 350 tỷ đồng.

Dù nhiều khó khăn như vậy song năm 2016, theo chỉ đạo của Chính phủ, EVN không tăng giá điện.

EVN xin tính trợ cấp thất nghiệp vào giá điện

Theo ông Đặng Hoàng An, không chỉ vấn đề tài chính, việc đảm bảo cung cầu điện của EVN trong năm 2017 còn gặp khó bởi các cơ chế về đầu tư nguồn điện.

Hiện nay, lượng điện sản xuất của của EVN chỉ còn chiếm khoảng 43,5%, nghĩa là không còn vị thế độc quyền phát điện.

Do đó việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, theo ông An, sẽ phụ thuộc lớn vào các nhà máy điện ngoài EVN. Ngoài ra, đây còn là câu chuyện của cơ chế đảm bảo nhiên liệu cho phát điện, nhất là đảm bảo cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam Bộ sau khi nhà máy xử lý khí GPP Cà Mau đưa vào vận hành (từ tháng 4/2017). Kế hoạch này sẽ dẫn tới giảm khí cho phát điện tương đương 600 triệu kWh.

Ngoài ra, lãnh đạo EVN cũng cho biết, việc thu xếp vốn đầu tư các dự án điện gặp nhiều khó khăn do Chính phủ hạn chế việc bảo lãnh vay vốn, Tập đoàn và các đơn vị đã vượt qua ngưỡng hạn chế vay theo quy định hiện hành.

Do vậy, lãnh đạo Tập đoàn này đưa ra nhiều kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ để gỡ khó tình hình trên.

Trong đó, đáng chú nhất, EVN kiến nghị Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho Tập đoàn và các đơn vị thuộc Tập đoàn vay vốn nước ngoài để đầu tư xây dựng các công trình điện.

Theo ông An, tập đoàn cũng kiến nghị, Bộ Tài chính cho phép EVN được hạch toán vào chi phí giá thành sản xuất của đơn vị ở phần lớn kinh phí giải quyết các khoản trợ cấp, ngoài trợ cấp mất việc làm và chế độ hỗ trợ theo số năm công tác của người lao động. Đây là các khoản theo Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế và có xét tới những đặc thù của ngành điện.

Ông Hoàng An cho hay, EVN dự kiến hỗ trợ cho mỗi người lao động thuộc đối tượng của Nghị định này là 1 tháng lương cơ sở với 1 năm công tác.

Tuy nhiên, do Nghị định 108 chưa đề cập đến nên hiện, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng.

"Nếu không được hoạch toán trong chi phí sản xuất điện thì sẽ khó khăn cho Tập đoàn, bởi quỹ phúc lợi của Tập đoàn hiện rất yếu", ông An cho hay.

Năm 2017, kế hoạch đặt ra cho sản lượng điện sản xuất và mua ngoài của EVN là 197,2 tỷ kWh tăng 11,4% so với năm 2016, đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn. Điện thương phẩm 177,59 tỷ kWh tăng 11,5% so với năm 2016. Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn 7,6%.

Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện phải tăng 8-10% so với năm 2016 và đồng thời, chi phí sản xuất kinh doanh điện cũng phải giảm 5-10% chi phí (không kể chi phí khấu hao cơ bản).

Phạm Huyền