11h trưa, chiếc xe tải 2,5 tấn chất đầy heo đất và hổ đất lăn bánh rời lò nung của chị Nguyễn Hồng Hợp (thị xã Tân Uyên, Bình Dương). Cùng lúc này, dưới cái nắng gắt, 10 nhân công của lò đang miệt mài đổ hồ vào khuôn, tạo mẻ mới cho hàng nghìn sản phẩm tiếp theo.
Theo chị Hợp, trung bình một ngày, lò nung sản xuất được khoảng 800 con “hổ ngậm ngọc” - đây là sản phẩm đất nung mới ra mắt cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Vụ hàng Tết kéo dài khoảng 3 tháng (từ đầu tháng 10 âm lịch đến 28 Tết) nên tổng lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường lên tới hơn 7.000 con. Hàng ra là khách đã liên hệ, hỏi mua số lượng lớn.
“Khách đặt mua quá nhiều, làm không kịp nên gia đình phải nhờ người làm công ở lại tăng ca sản xuất”, chị cho biết.
Hổ ngậm ngọc bằng đất nung mới ra khỏi khuôn (ảnh: Trần Chung) |
Thợ làm đất nung nạo chỉnh sơ lại một sản phẩm trước khi đưa vào lò (ảnh: Trần Chung) |
Vì tính tiền công trên đầu sản phẩm nên miễn có sức khỏe thì làm bao nhiêu cũng được, làm nhiều hưởng nhiều. Thợ nung được trả từ 500.000-700.000 đồng/ngày là chuyện bình thường, thậm chí 1 triệu đồng/ngày.
Dẫu vậy, không phải thợ nào cũng làm được vì nghề nung đòi hỏi sự nhuần tay của người làm.
Sản xuất ra được một sản phẩm hổ ngậm ngọc chất liệu đất sét trộn cao lanh gồm các công đoạn: trộn hợp chất hồ lỏng theo tỷ lệ nhất định; đổ hồ vào khuôn thạch cao đợi trong khoảng 2 tiếng; tách khuôn, lấy lõi sản phẩm và cho phơi nắng 1 ngày. Sau phơi nắng, sản phẩm được đưa vào trong lò, nung từ 10-12 tiếng với nhiệt độ lò khoảng 800 độ C.
Để hổ nung không bị giòn và cháy, lửa trong lò được điều chỉnh lúc cao lúc thấp. Mới đưa sản phẩm vào thì lửa lên dần. 2-3 tiếng sau, nhiệt độ đạt cực nóng liên tục thì cho hạ nhiệt lò trong nửa tiếng rồi lại tăng nhiệt. Quá trình điều chỉnh nhiệt luân phiên đến hết thời gian nung. Sau khi lò tắt, cần từ 4-5 tiếng để quạt nguội lò mới có thể vào bên trong lấy thành phẩm.
Sản phẩm chào đón năm Nhâm Dần 2022 làm ra bán không xuể (ảnh: Trần Chung) |
Hổ đất được lấy ra từ lò nung (ảnh: Trần Chung) |
Mỗi lò nung được khoảng 5.000 sản phẩm một mẻ. Hổ đất bán sỉ cho các mối buôn. Đầu mối thu mua dùng giấy giáp trà bóng, sơn màu lên thân hổ trước khi bán ra thị trường.
Giá bán tại lò là 15.000 đồng/con nhưng sau khi làm đẹp, hổ đất được bán ra thị trường với mức giá thấp nhất 30.000 đồng/con.
Khu vực xã Tân Vĩnh Hiệp thuộc thị xã Tân Uyên có 15 hộ gia đình quần tụ thành làng nghề làm đất nung từ hơn 20 năm nay. Không chỉ sản xuất linh vật hổ đất nung theo con giáp, làng nghề còn sản xuất hàng vạn con heo đất mỗi ngày. Đây là mặt hàng cung cấp cho nhiều tỉnh/thành mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Không chỉ có hổ, làng nghề còn cung cấp ra thị trường hàng vạn con heo đất mỗi ngày (ảnh: Trần Chung) |
Một thợ lành nghề có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày dựa trên số lượng sản phẩm làm được (ảnh: Trần Chung) |
Trần Chung
Độc bản Tết 2022: Hoa giấy dáng rồng giá 250 triệu
Riêng việc đào, bứng phôi gốc hoa giấy ở đã 4 ngày do rễ cây ăn sâu và rộng vào lòng đất. Cây mất 7 năm nuôi, uốn, chăm sóc để lên hình hài rồng. Tác phẩm lạ chào xuân 2022 được chào bán với giá 250 triệu đồng.