Giao dịch cách xa hàng km

Sáng 24/8, Phó Bí thư Đoàn phường Cô Giang (quận 1) - Trần Thị Thùy Linh - tình nguyện mua lương thực thực phẩm cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, điểm bán hàng này không có nhân viên thu ngân. Quá trình “đi chợ hộ” hoàn toàn không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người mua với người bán.

Các giao dịch của Thùy Linh (ở quận 1) được trao đổi, thực hiện thông qua nhân viên thu ngân ngồi từ trụ sở của đơn vị phân phối hàng ở quận 3, cách đó vài km. Các thiết bị giám sát thu tiếng động và màn hình trực tuyến sẽ hỗ trợ toàn bộ quá trình mua - bán. Khách có thể thanh toán iền mua hàng bằng cách để vào thùng tiền đặt sẵn, hoặc tập hợp thanh toán sau cho nhà phân phối.

{keywords}
 Thanh toán từ xa không có thu ngân

Trước đó, người dân đăng ký đặt mua các gói hàng combo thông qua đường link hoặc zalo của tổ dân phố gửi. Đội ngũ “đi chợ hộ” sẽ tổng hợp, thống kê các đơn hàng, ra điểm bán hàng “không tiếp xúc’ để lấy lương thực thực phẩm và chuyển đến nhà dân.

Mô hình được đánh giá là tiết kiệm thời gian khi đơn vị phân phối đã đóng sẵn thành các combo đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

“Việc không tiếp xúc với thu ngân sẽ đảm bảo sự an toàn cho lực lượng “đi chợ hộ”, tránh lây lan dịch bệnh khi giao hàng. “Cửa hàng không tiếp xúc” sẽ bàn giao cho địa phương quản lý. Đơn vi phân phối chỉ đến tiếp hàng vào khung giờ nhất định”, đại diện Grove Fresh - đơn vị phân phối thông tin.  

Theo ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1, đơn vị phân phối sẽ làm việc với các khu dân phố về nhu cầu mua các combo, để siêu thị dễ dàng chuẩn bị hàng hóa và quá trình đi chợ thuận tiện hơn. Việc “đi chợ hộ” đặc biệt cần quan tâm đến sức khỏe của các tình nguyện viên, giao dịch không tiếp xúc sẽ giảm nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh.

{keywords}
Thùy Linh “đi chợ hộ” tại điểm bán hàng không tiếp xúc

Dự kiến, thời gian đầu triển khai, mô hình “cửa hàng thanh toán không tiếp xúc” sẽ cung cấp khoảng 4 tấn hàng hóa mỗi ngày, thời gian mở bán từ 8h-17h. Địa chỉ hai cửa hàng tại 169 đường Cô Bắc, phường Cô Giang (quận 1) và Chung cư 79 đường Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh).

Gói hàng combo đồng loạt lên kệ

Cũng góp phần thuận tiện cho quá trình “đi chợ hộ”, các đơn vị phân phối trên địa bàn TP.HCM đã thiết kế các gói combo hàng hóa với chủng loại hàng và mức giá khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Phương - Phó TGĐ Thường trực Công ty VinCommerce, cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Công thương và Sở công thương TP HCM, ngày 23/8, gần 500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ đã tăng gấp 4–5 lần lượng hàng hóa thiết yếu so với thời điểm đầu tháng 8 nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố.  

Phía siêu thị đã liên hệ trực tiếp làm việc với các phường/tổ dân phố để tìm phương án phối hợp với các lực lượng chức năng giao hàng đến nhân dân. Bên cạnh đó là kết nối với chương trình “Đi chợ hộ” mà các phường/tổ dân phố nhằm nắm bắt nhu cầu, đề xuất danh mục hàng hóa thiết yếu cung ứng đến người tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Vân - Trưởng Ban Bán lẻ của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) thông tin, trong ngày 22/8, đồng loạt các hệ thống của Satra đều gửi văn bản tới các phòng Kinh tế và UBND các quận/huyện có siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Satra hoạt động, cũng như gửi thông tin đầy đủ các gói combo cho địa phương chuyển đến người dân.

Tương tự, từ ngày 23/8, toàn bộ 4 trung tâm của MM Mega Market khu vực TP.HCM đã dừng dịch vụ giao hàng tận nơi đối với các khách hàng mua sắm lẻ để tập trung hỗ trợ và cung ứng cho khách hàng thông qua các đội “đi chợ hộ”.

Đơn vị này đưa ra 4 gói combo áp dụng từ ngày 23/08 có các mức giá: 150.000 đồng, 200.000 đồng, 250.000 đồng và 300.000 đồng. Danh sách các gói combo được chuyển đến chính quyền địa phương nơi có trung tâm phân phối hoạt động để thông tin cho người dân khu vực. 

{keywords}
 Một gói combo của siêu thị được thông tin tới chính quyền địa phương
{keywords}
 Các gói rau combo đã được đơn vị phân phối chuẩn bị sẵn

Các hệ thống phân phối lớn khác như Bách Hóa Xanh, Big C, Aeon Mall cũng ra mắt các gói thực phẩm combo có mức giá tầm trung. Big C đưa ra 4 gói là: tươi sống 1 (300.000 đồng), tươi sống 2 (400.000 đồng), trái cây 1 (120.000 đồng) và trái cây 2 (200.000 đồng). Siêu thị Sài Gòn của Satra lại đưa ra 6 gói combo với các mức giá dao động quanh mốc 300.000 đồng/combo. 

Động thái trên của các hệ thống phân phối chủ lực trên địa bàn TP.HCM nhằm hỗ trợ tối đa quá trình phân phối lương thực thực phẩm cho người dân trong bối cảnh siết chặt giãn cách xã hội.

Bởi, với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu lương thực thực phẩm hàng ngày của TP.HCM là rất lớn so với các tỉnh, thành khác. Tổ công tác 970 (Bộ NN-PTNT) ước tính tại TP, nhu cầu gạo khoảng 1.980 tấn/ngày; rau củ quả: 4.200 tấn/ngày. Mỗi ngày TP tiêu thụ 1.032 tấn thịt các loại so với trước dịch và khoảng 1,8-2 triệu quả trứng.

Quảng Định

Tổ dân phố lên đơn chung qua Google Drive, hàng về bộ đội giao tận nhà

Tổ dân phố lên đơn chung qua Google Drive, hàng về bộ đội giao tận nhà

“Cái khó ló cái khôn”, mô hình áp dụng chia sẻ đường link Google Drive đang được áp dụng khá thành công tại quận 10, TP.HCM để giải quyết phương thức “đi chợ hộ”.