Trương Thị Vân Trang nói đó là nghề tay trái mà mình đã làm được 2 năm nay. Theo cô bạn sinh năm 1996 này, food reviewer (người đi ăn và đánh giá các món ăn, giới thiệu cho người khác thông qua các kênh trên nền tảng mạng xã hội) là nghề rất phổ biến trên thế giới và cũng tồn tại nhiều năm nay. Vài năm gần đây mới bắt đầu manh nha ở Việt Nam, đến thời điểm này thì thành nghề hot, được nhiều bạn trẻ theo đuổi.
Các nhà hàng, quán ăn thay vì mời những người nổi tiếng đến ăn để quảng bá hình ảnh thì giờ họ chuộng mời những food reviewer hơn.
Trang tâm sự, cô vốn có sở thích ghé các hàng quán thưởng thức những món đặc sản, các món ăn mới lạ. Thời sinh viên, cô có hẳn một quyển sổ tay ghi địa chỉ những quán ăn ngon để mỗi khi dịp sẽ đi ăn trải nghiệm. Nhưng, số tiền “trợ cấp” của bố mẹ cũng chỉ có hạn nên mỗi tháng cô chỉ dám đi đôi ba lần.
Đến hàng quán ăn uống xong, khách phải thanh toán tiền là điều hiển nhiên (ảnh: TL) |
Thời điểm ra trường, sau đó đi làm có thu nhập ổn định, Trang lê la hàng quán nhiều hơn. Khi thì ăn các món đặc sản vùng miền, đôi lúc lại thưởng thức những món ăn mới xuất hiện. Mỗi lần đi ăn như vậy, cô đều chụp lại những bức hình để về viết review đăng lên các hội nhóm trên mạng xã hội.
Lúc bấy giờ chỉ suy nghĩ đơn giản là muốn giới thiệu địa chỉ ăn ngon để mọi người có thể tới thưởng thức, còn địa chỉ ăn không ngon thì để mọi người tránh đi. Song, chính Trang cũng bất ngờ vì mỗi bài review đồ ăn của mình khi đăng tải lại nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Chủ các hàng quán thấy vậy bắt đầu liên hệ mời cô đến ăn và đánh giá chất lượng món ăn, cùng với đó là thoả thuận trả phí để cô viết bài giới thiệu về quán.
“Mình lúc đó nhận tới ăn, viết bài đăng nhưng không nhận phí vì sợ làm không tốt, ảnh hưởng tới quán. Mãi sau này khi quen dần, bài viết cũng nhận được tương tác cao và ổn định thì mới nhận thù lao hàng quán trả. Đến bây giờ thì đã theo nghề này được khoảng 2 năm”, Trang chia sẻ.
Food reviewer - nghề đang hot hiện nay. Không chỉ được ăn miễn phí, ra về họ còn được chủ quán trả thêm tiền (ảnh: TL) |
Theo Trang, hiện có nhiều người làm nghề như cô và phần lớn là các bạn trẻ. Có những người chỉ làm nghề tay trái, nhưng có người thì làm chuyên nghiệp. Giá mỗi lần review đồ ăn cũng tuỳ thuộc vào yêu cầu của quán và tuỳ vào food reviewer. Song, trung bình mỗi một lần đi ăn trải nghiệm, viết bài giới thiệu đăng lên các nhóm hội trên mạng xã hội, food reviewer được chủ quán trả phí từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng. Còn riêng làm clip tik tok, giá dao động từ 1,5-3 triệu đồng, bởi review bằng clip sẽ phải đầu tư nhiều công sức hơn.
Hiện mỗi tuần, Trang đi ăn để về viết bài giới thiệu khoảng 4-5 lần. Phần lớn những lần đi ăn đều là buổi trưa, vì ban ngày đủ ánh sáng chụp ảnh đồ ăn sẽ đẹp hơn. Một tháng, nghề tay trái này giúp cô kiếm được 8-10 triệu đồng.
“Không phải lần nào cũng nhận được phí. Có những lần đi ăn đánh giá, tôi không thấy ngon sẽ từ chối viết review”. Trang cho biết đây là nguyên tắc của cô.
Thông thường, khi đến quán ăn, cô sẽ trải nghiệm các món mà chủ quán muốn quảng bá rồi nhận xét trực tiếp theo cảm nhận của mình. Quán phục vụ chưa tốt cũng góp ý thẳng thắn. Buổi ăn đánh giá xong, nếu đồ ăn ngon, khi về cô sẽ viết bài đăng sau đó nhận phí như đã thoả thuận trước đó. Còn nếu đồ ăn không ngon mà vẫn cố viết bài để lấy tiền thì lâu dần sẽ mất uy tín. Bởi thế, không phải được mời tới quán ăn nào Trang cũng viết bài giới thiệu.
Nhờ làm food reviewer nhiều bạn trẻ kiếm được khoản thu nhập ổn định mỗi tháng (ảnh: TL) |
Nhờ cái miệng sành ăn mà Bùi Lê Hiếu - sinh viên năm 3 tại một trường đại học ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) - cũng kiếm được một khoản thu nhập kha khá từ nghề đi ăn thử.
Hiếu cho biết, mỗi bài review đồ ăn của mình đăng lên các hội nhóm trên mạng xã hội, cậu được quán trả phí khoảng 600.000-700.000 đồng. Do sinh viên nhiều thời gian rảnh nên hầu như ngày nào cậu cũng nhận lời mời đi ăn đánh giá. Có những ngày cả trưa và tối cậu đều đi ăn thử.
Với khoản thu nhập dao động từ 13-15 triệu đồng/tháng, hơn một năm nay cậu có thể tự trang trải cuộc sống sinh hoạt của mình tại Thủ đô, không cần đến trợ cấp của gia đình.
Ngày trước muốn làm food reviewer, phải là những người sở hữu trang cá nhân có lượng người theo dõi (follow) đông đảo trên nền tảng mạng xã hội như Instagram,Facebook, Youtube,... Bây giờ thì khác, những người làm nghề này có thể viết bài giới thiệu trên các fanpage, hội nhóm. Điều kiện chỉ cần lượng tương tác dưới bài viết đạt đến mức thoả thuận với chủ hàng quán. Đây cũng là lý do Hiếu có thể kiếm được tiền từ nghề food reviewer.
Châu Giang
Ba nghề kỳ lạ mà lương hấp dẫn, Việt Nam cũng góp mặt hai nghề
Xã hội càng phát triển càng tạo ra nhiều nghề nghiệp mà ít ai nghĩ tới nó mang đến thu nhập cao không tưởng.