Nhắc đến lần bùng phát dịch này, ông Nguyễn Ngọc Phương, chủ vườn mai Phương Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM), nghĩ ngay đến hơn 1.000 chậu mai đẹp còn sót lại trong vườn.

Cách đây vài ngày, 3 chậu mai khách hàng ở Hà Nội đặt chưa kịp chuyển đi đã bị hủy. Ông lo lắng không tiêu thụ hết mai, Tết này coi như "không còn vui nữa".

Thu hoạch dưới 10 tỷ đồng sẽ lỗ

Những ngày đầu tháng Chạp, tiết trời trở lạnh nên ông Phương thuê người vặt lá mai sớm. Ngờ đâu sau này nắng to, lần lượt hàng nghìn chậu mai nở sớm, không kịp bán ăn Tết. Cả năm đầu tư, cần mẫn chăm sóc, ông chỉ trông chờ những chậu mai còn lại sẽ tìm được chủ mới vào cận Tết.

Đến nay, vườn mai Phương Bình đã được đặt hàng khoảng 1/3, mặc dù có khá khẩm hơn nhiều nhà vườn khác, vẫn rất chậm so với mọi năm.

{keywords}
Ông Ngọc Phương chăm sóc vườn mai thời điểm cận Tết. Ảnh: Hiền Đức.

Ông cho biết, các cơ sở kinh doanh karaoke, khách sạn, nhà hàng, vốn là những nơi chi mạnh tay nhất, nay không có khách nên không còn chơi mai. Khách hàng thông thường cũng chủ yếu thuê cây về chưng Tết chứ không mua nhiều như mọi năm. Giá bán có thể lên đến vài trăm triệu, nhưng giá thuê cao nhất cũng chỉ cỡ 100 triệu đồng.

"Tết cận kề mà dịch bệnh quay lại thế này, tôi rất lo, chỉ sợ không bán hết được thì lỗ mất. Cả năm trời cực khổ mới có từng này mai, chứ có phải cứ trồng là ra hoa đẹp đâu. Đất ở đây tôi thuê cả tỷ đồng/năm, rồi tiền nhân công, bến bãi... Chỉ tính riêng 1 tháng cuối, lương nhân công trả 1,5 tỷ đồng còn chưa đủ. Nếu năm nay thu hoạch dưới 10 tỷ thì lỗ mất", ông Ngọc Phương trải lòng.

Chia sẻ với Zing, ông cho biết những năm gần đây, với mức thu nhập tăng cao của người dân, nghề trồng mai cũng dần khấm khá. "Ngặt nỗi năm nay dính Covid-19, lại thêm thời tiết không thuận lợi. Vườn mai này dự kiến lỗ 15 tỷ đồng", ông nói.

Xả hàng cắt lỗ

Đối với những nhà vườn ở các địa bàn đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp như Hải Dương, Hà Nội..., Tết ngày càng "xa" hơn. Trong văn bản mới đây, UBND TP Hải Dương cho biết nhiều thương lái mua đào từ các tỉnh ngoài đã hủy bỏ giao dịch, đòi lại tiền cọc sau khi nghe tin nơi đây bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19.

Toàn TP hiện có 275 ha trồng cây hoa đào Tết, gồm cả đào thế lẫn đào cành. Tuy nhiên đến nay, các hộ mới bán được khoảng 10%. "Các hộ trồng đào đều đang sốt ruột, lo lắng vì nếu không bán được cây hoa đào năm nay thì họ sẽ trắng tay và có nguy cơ nợ ngân hàng", văn bản nhấn mạnh.

{keywords}
Các hộ trồng đào ở Hải Dương, Hà Nội đang sốt ruột chờ tình hình tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ảnh: Duy Hiệu.

Thậm chí, các nhà vườn ở Hà Nội dù chưa rơi vào tình trạng bi đát này cũng gặp khó khăn đối với các đơn hàng ở những vùng bị giãn cách.

Ông Ngọc, chủ vườn đào ở Nhật Tân, Hà Nội, cho biết nhiều gốc đào đẹp đã được đặt mua từ sớm, chỉ chờ đến ngày hẹn là giao đến nhà khách. Đơn hàng vẫn còn nguyên đó, nhưng khâu vận chuyển hiện vấp nhiều rắc rối do vướng công tác kiểm dịch ở một số địa phương, đặc biệt là những khu vực đang ghi nhận nhiều trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trước tình trạng này, một số nhà vườn và thương lái đã bắt đầu giảm giá, xả hàng nhằm kịp thời thu hồi một phần vốn. Dù còn hơn 10 ngày nữa mới đến Tết, một chủ vườn ở Hà Nội đã giảm giá hoa ly chỉ còn 35.000 đồng/chậu 3 cành, 60.000 đồng/chậu 5 cành, thấp hơn 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Với các khách hàng đặt mua số lượng lớn, mức giá còn thấp hơn.

UBND TP Hải Dương hiện kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, thương lái và người dân mua hoa từ các vườn đào trên địa bàn tỉnh nhằm chia sẻ khó khăn với các hộ nông dân, đúng với phương châm "Người Hải Dương chơi hoa đào Tết của Hải Dương".

Còn tại TP.HCM, theo khảo sát của Zing, đến nay giá cây cảnh, hoa Tết vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm. Mặc dù vậy, các nhà vườn cũng đang theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh và thị trường để sớm có phương án ứng phó.

Ngay từ đầu mùa, ông Phước Lâm, chủ một vườn hoa ở quận 12, TP.HCM đã chủ động giảm gieo trồng từ 13.000 chậu như mọi năm xuống còn khoảng 7.000-8.000 chậu. Đến nay, nhà buôn đã đặt hàng khoảng 5.000-6.000 chậu, có người còn đến hỏi mua thêm.

Mặc dù vậy, với số hoa còn lại, phải đến khoảng 27-28 tháng Chạp ông mới đem ra chợ bán. "Không biết đến thời điểm đó dịch bệnh như thế nào, có được tập trung buôn bán hay không, số hoa nằm trong vườn chưa biết ra sao", ông nói.

(Theo Zing)