Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi xung quanh con đường Trần Phú (Quận 5, Tp.HCM) là những trại hòm, nhà tang lễ, các cửa hàng kinh doanh đồ tang, xe đưa tang,... lại “thò ra” một quán xôi nhỏ nằm lọt thỏm ở giữa. Đó là “xôi nhà xác”!

Quán xôi gần 40 năm lịch sử

"Xôi nhà xác”? Thực ra chỉ cần ghe đến cái tên nhiều người đã không khỏi rùng mình ớn lạnh. Nhưng độ “hot” và độ ngon của món xôi này thì miễn bàn.

Quán xôi ở địa chỉ 409 Trần Phú (Quận 5, TP.HCM). Con đường này khá vắng người qua lại vì hầu như xe tang lúc nào cũng đậu ven đường, khách đến mua xôi rồi đi, chẳng mấy người rảnh đứng tại chỗ ăn xôi vì xung quanh chỉ toàn quan tài, đồ tang, nhang đèn…

{keywords}

"Xôi nhà xác" vừa ăn vừa run. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Nói là quán nhưng chỉ là điểm bán hàng nho nhỏ. Trên chiếc xe đẩy là thùng xôi lúc nào cũng nghi ngút khói, và những gia vị thiết yếu như hộp mỡ hành, lạp xưởng, chà bông…

Ông Lưu Bảo Minh (41 tuổi, con trai chủ quán xôi) kể chuyện: thực ra tên quán chỉ là “xôi mặn” thôi. “Quán có từ thời ông bà già, từ khoảng những năm 80. Hồi đó 13, 14 tuổi tôi đã theo phụ ba mẹ bán xôi, gói xôi cho khách. Quán dời đi bao nhiêu địa điểm rồi, tôi cũng không nhớ nữa, nhưng điểm kinh doanh này thì từ năm 2003, được hơn 10 năm rồi. Vì vị trí quán nằm ngay giữa những cửa hàng kinh doanh hòm, áo tang, nhang đèn, vàng mã...nên người ta gọi là “xôi nhà xác”, ông Minh cười hài hước lý giải.

Ông Minh kể chuyện, ngày xưa người ta thường gọi quán xôi của gia đình ông là xôi mặn hoặc xôi nhún. Vì hồi đó, xôi bán trên xe gỗ chữ không phải xe bằng inox như bây giờ, nên cứ có người đụng vào là nó nhún qua nhún lại, người ta gọi là xôi nhún.

Hồi đầu mới bán, mỗi gói xôi có giá 10 đồng, sau đó lên 20 đồng, rồi 3 trăm đồng, cho đến hiện tại là 10.000 đồng. Giá 10.000 đồng này gia đình ông đã giữ gần chục năm nay, không hề thay đổi.

{keywords}

Quán xôi mặn nằm lọt thỏm giữa những trại hòm, nhà tang lễ, các cửa hàng kinh doanh đồ tang, xe đưa tang,... Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Bán từ 3h chiều đến 12h đêm

Các quán xôi hay những gánh hàng xôi thường bán vào buổi sáng sớm, ấy vậy mà quán xôi của ông Minh lại chỉ bán từ chiều đến tận 12h đêm mới nghỉ. Ông Minh bắt đầu dọn hàng ra bán từ 3h chiều, bán túc tắc chẳng lúc nào vắng khách.

Khách hàng của quán đủ mọi lứa tuổi: từ những cô cậu học trò còn quàng khăn đỏ cắp sách tới trường, sinh viên, đến những người trung tuổi, từ người đi xe đạp xe máy cọc cạch đến ô tô, taxi sang chảnh cũng ghé qua đây…rồi trở thành những khách hàng quen thuộc của quán tự bao giờ không biết.

Người dân kể chuyện quán đông khách nhất là buổi tối. “Xôi ngon lắm, lúc mới mua cầm còn nóng hôi hổi. Xôi gói trong lá chuối, bóc ra thơm lừng, trông mát cả mắt. Tầm 8, 9h tối đi mua xôi, chúng mình thường phải xếp hàng, đợi tới lượt mua”, Nguyễn Hồng Vân một khách hàng quen thuộc của “xôi nhà xác” bật mí.

Xôi gói trong lá chuối tươi, không có muỗng

Nhà ở tận cầu Khánh Hội (Quận 4) nhưng ông Hai (làm nghề chạy xe ôm) đã ăn xôi ở đây ngót nghét hơn 20 năm rồi. Ông kể chuyện, xôi ở đây không chỉ ngon, giá cả phải chăng mà ông thích nhất là vì xôi gói trong lá chuối tươi, điều mà những gánh hàng xôi bây giờ ít ai còn giữ.

{keywords}

Ông Lưu Bảo Minh (41 tuổi, con trai chủ quán xôi). Ảnh: NGUYỄN TRÀ

“Tôi ăn ở đây từ hồi mới chạy xe ôm, hồi đó một gói có mấy trăm đồng. Giờ nhiều loại xôi lắm: xôi chả giò, xôi mít, xôi gà… giá cũng không phải mắc nhưng vẫn thích ăn ở đây không chỉ vì thói quen, mà còn là hương vị của đồng quê, của kí ức những ngày xưa cũ”, ông Hai trầm ngâm.

“Xôi nhà xác” cũng chẳng có muỗng để xúc. Nhiều người ban đầu không quen, thấy kì kì, hỏi thêm, cô con dâu lại mỉm cười nhắc nhở: “Xôi nhà em không dùng muỗng. Anh chị bóc ra từng lớp, ăn đến đâu bóc lá chuối đến đấy như ăn bánh tét vậy đó”.

Cảm giác bóc từng khoanh lá chuối, nhấm nháp từng chút một: vị thơm của nếp miền Tây gói trong lá chuối, vị ngọt của lạp xưởng, vị béo ngậy của mỡ hành, vị đặc biệt của nước tương… tất cả quyện lại tạo nên một hương vị riêng không hề trộn lẫn. Ăn một gói lại muốn thêm một gói nữa. Vì gói nhỏ xíu à!

Ông Minh vui vẻ bật mí: nước tương và lạp xưởng là hai nguyên liệu đặc biệt đã kéo khách quen suốt gần 40 năm nay. “Tôi học cách làm xôi từ cha mẹ, nước tương tôi lấy loại ngon nhất về chế biến theo cách riêng của mình. Với tôi, một gói xôi ngon phải ngon từ những điều nhỏ nhất: chẳng hạn, mỡ hành, tôi không làm cả xô một lúc để tiết kiệm thời gian mà chỉ làm hũ nhỏ, hết đến đâu thì lại làm tiếp. Vì hành để lâu sẽ bị vàng, không còn giữ được mùi thơm nữa”.

Theo PLO